Trường An Thái Bình

Chương 99: Thỏi mực

135@-
Rừng trúc ngoài thành.

Giữa đông giá rét, vạn vật đều mang một vẻ suy tàn, chỉ riêng rừng trúc này vẫn còn xanh mướt. Một con đường mòn dẫn tới lối đi nhỏ lát đá xanh, vòng vèo dẫn vào sâu trong. Giữa rừng trúc, không biết là ai quây rào quanh một khoảng sân, trong sân là hai khoảng đất trồng rau lác đác bị tuyết phủ, chỉ có vài chấm xanh nhú lên. Giữa vườn là một căn nhà trúc Tương Phi, khói vờn sa mỏng, dịu dàng như chẳng thuộc về cõi người.

Giữa cổng viện là một biển hiệu, trên viết – Tiêu Tương Cư.

Mới sáng ra đó có một người hầu đứng quét tước trong sân, cậu ta vun lá trúc héo vàng vào góc vườn để dành nhóm lửa, sau đó nhổ mấy cây cải chíp dưới tuyết lên, vừa quay lại, y không khỏi nhíu mày: “Công tử, sao cậu lại ra đây rồi?”

Thanh niên kia đón nắng mỉm cười: “Hôm nay đẹp trời, ta ra ngoài đi dạo.”

Người hầu tức tối giậm chân, ném cải chíp xuống chạy vội vào phòng lấy áo choàng ra khoác cho người nọ, trách móc: “Chưa khỏi phong hàn cũng không biết khoác thêm áo vào.”

Thanh niên cúi đầu ho nhẹ, thấy người hầu định nổi giận nữa bèn nhịn cơn ho, xua tay nói sang chuyện khác: “Hôm nay là ngày nào rồi?”

Người hầu kia chưa kịp trách mắng, cuối cùng đành thở dài, nói nhỏ: “Hai ba tháng Chạp, lễ Công Táo rồi ạ.”

Lại qua một năm rồi… Thanh niên đứng thẳng mình, nhìn những tia nắng vụn bị lá trúc chia cắt, không biết bao lâu sau mới lại hỏi: “Đã chuẩn bị xong đồ chưa?”

Người hầu gật đầu rồi đứng dậy vào phòng, không lâu sau lại xách một chiếc giỏ ra, lấy miếng vải xanh đậy lên, có thể thấy loáng thoáng một góc vàng trắng bên trong.

Sau đó y nhét lò sưởi vào tay thanh niên: “Công tử cầm đi, đi đường lạnh, đừng để bị gió thổi.”

Thanh niên gật đầu, hai người cùng ra khỏi viện. Người hầu khép hờ cửa viện, nơi này hoang vắng, không có kẻ trộm nào dòm ngó chỗ này cả, mà kể cả có kẻ đói bụng ăn quàng thì trong nhà cũng chả có gì đáng giá.

Nhưng hai người chưa đi bao xa đã bắt gặp một đoàn người trên con đường đá xanh.

Người đi đầu khoác bộ trường sam đen tuyền, thong thả xuất hiện giữa rừng trúc Tương Phi xanh thẫm, thân mình như ngọc, tư thái như trúc, cả khuôn mày kia cũng sắc bén tựa lá trúc.


Thấy rõ người kia, thanh niên mừng rỡ gọi: “Tô huynh?”

Sau đó ngạc nhiên hỏi: “Đây là…?”

Tô Sầm đứng lại trước mặt y, gật đầu: “Hôm nọ chưa giới thiệu rõ, Đại Lý Tự chính Tô Sầm, lại gặp nhau rồi.”

Lý Vân Khê sửng sốt, sau đó bình tĩnh chắp tay: “Thảo dân bái kiến Tô đại nhân.”

Tô Sầm nhìn giỏ trúc trên tay Đan Thanh, hỏi: “Các huynh định ra ngoài?”

Đan Thanh lẳng lặng giấu chiếc giỏ ra sau lưng, Lý Vân Khê thì mỉm cười: “Không có việc gì quan trọng đâu, Tô đại nhân đến thăm có việc gì sao?”

Tô Sầm rời mắt, phất tay với nha dịch sau lưng, nha dịch lập tức bao vây quanh sân, vài người thì vào trong tìm kiếm.

Tô Sầm nói: “Đại Lý Tự phá án, xin lượng thứ.”

Biểu hiệu của Lý Vân Khê rất bình tĩnh, chỉ có thỉnh thoảng lại cúi đầu ho khan. Đám nha dịch lục soát tiểu viện xong thì quay lại bẩm báo: “Đại nhân, không có phát hiện gì.”

Tô Sầm hất cằm nhìn giỏ trúc sau lưng Đan Thanh: “Có thể cho xem giỏ không?”

Lý Vân Khê sửng sốt, sau đó nghiêng người: “Đan Thanh.”

Đan Thanh cau có đưa giỏ trúc ra, hai nha dịch nhận lấy vén khăn lên xem, rồi lắc đầu với Tô Sầm.

Tô Sầm mỉm cười, giờ mới lễ phép hỏi: “Lý huynh không mời ta vào ngồi sao?”


Lý Vân Khê bình tĩnh gật đầu: “Mời đại nhân.”



Vào trong nhà trúc, trước hết Đan Thanh đốt chậu than bưng qua cho hai người, sau đó đun nước pha trà, đi tới đi lui đều có người nhìn, làm gì cũng thấy khó chịu.

Tô Sầm ngồi xuống quan sát quanh nhà trúc, chủ tớ nhà này hẳn là sống trên tầng, bên dưới này để làm phòng vẽ, giấy vẽ bút vẽ ở khắp mọi nơi, có những bức tranh vẽ xong đã bồi, cũng có những bức mới vẽ một nửa. Lạ là hình như căn nhà này không có phòng khách, chỗ Tô Sầm đang ngồi là một sạp trúc, bên trên còn trải mấy bức tranh, Lý Vân Khê phải dọn bớt mới có chỗ cho Tô Sầm ngồi.

Lý Vân Khê ngại ngùng cười: “Tệ xá đơn sơ, Tô đại nhân chê cười rồi.”

Tô Sầm lại không để bụng chuyện này, cười với y: “Là ta mạo muội làm phiền, Lý huynh không trách móc là được.”

Lý Vân Khê lắc đầu, đưa trà cho cậu: “Chỗ này ta chỉ có trà lá trúc, không biết đại nhân có quen uống không.”

Tô Sầm vừa nhận lấy đã được nha dịch nhắc nhở: “Đại nhân, cẩn thận trong trà có…”

Họ vẫn chưa hết sợ trước cái chết của Tào Vĩ, nhưng Tô Sầm lại không để tâm. Có cho Lý Vân Khê mười cái gan y cũng chẳng dám hạ độc mệnh quan triều đình ở đây, vả lại vừa rồi họ không tìm thấy bạch lân trong nhà, chẳng ai lại không đánh tự khai vào lúc này cả.

Tô Sầm giơ tay, không nghĩ nhiều mà nhấp một ngụm, cười bảo: “Loại trà lá trúc này không giống những loại bán ngoài chợ chút nào, thơm mát thanh khiết, lại còn thoang thoảng mùi lan.”

“Là Đan Thanh quây một khoảng đất sau vườn, trồng xen trúc và hoa lan, hoa ướp mùi trà, trà thấm hương hoa, trà nhà tự xào không sánh được với nơi trang nhã, đại nhân không chê là quý rồi.” Lý Vân Khê biết Tô Sầm không vào đây chỉ để uống trà, bèn hỏi thẳng: “Không biết đại nhân đến chuyến này có việc gì?”

Tô Sầm cũng không thích vòng vo nhiều, nói: “Là vì mấy bức họa.”

Tô Sầm dừng lại: “Ta tìm thấy hai chữ ‘Vu Quy’ trên tranh.”

Nếu không phải trước đó cậu gặp Lý Vân Khê ở chợ Tây, Lý Vân Khê đích thân nói với cậu về hai chữ “Vu Quy” trên tranh của y thì e là dù có phát hiện chữ trên tranh cậu cũng không liên tưởng đến đây được. Cơ duyên quả là huyền bí vô cùng, được định sẵn mà chẳng ai hay biết.


Lý Vân Khê sửng sốt, hỏi: “Không biết đại nhân nói đến những bức nào?”

“Ba bức ‘Đào Yên Đồ’.” Tô Sầm hỏi thẳng: “Có phải huynh vẽ không?”

Lý Vân Khê cũng không qua quýt, gật đầu: “Là tôi vẽ.”

Tô Sầm không ngờ người kia lại thẳng thắn như vậy, nhíu mày: “Huynh nghĩ cho kĩ, ba bức họa này liên quan đến ba mạng người đấy.”

“Tranh đúng là tôi vẽ.” Lý Vân Khê lắc đầu: “Nhưng một bức tranh không thể giết người, tôi chỉ là người vẽ, không thẹn với lòng, có gì mà phải giấu.”

Quả đúng là bản thân bức tranh không thể giết người, ba kẻ Từ Hữu Hoài đều chết bởi lòng tham của mình, gánh ba mươi hai mạng người trên lưng, chết chưa hết tội. Chẳng qua cậu vẫn phải cho người chết một câu trả lời, cho người lo sợ khắp thiên hạ một câu trả lời, cũng phải cho ba mươi hai người của nhà họ Thẩm một câu trả lời.

Tô Sầm hỏi: “Tại sao huynh lại vẽ ba bức tranh này?”

Nhắc đến đây Lý Vân Khê lại phải dừng lại suy nghĩ, một lát sau mới nói: “Khoảng hai năm trước có một ông lão đến tìm tôi, nhờ tôi vẽ giúp ba bức tranh này. Ông lão chỉ có một thỏi mực để đổi với tôi, tôi thấy ông ta đáng thương quá, lại có vẻ đã gần đất xa trời nên đồng ý giúp.”

“Vậy tại sao huynh lại biết lối vẽ bổ rìu của nhà họ Thẩm?”

Lý Vân Khê đáp: “Từ tiền triều đã có người dùng nét bổ rìu to, nhỏ để vẽ nên dáng hình của núi, không có gì mới mẻ. Nhưng nhà họ Thẩm dùng nó để vẽ tranh cây cỏ chim chóc thì có thể coi là người đầu tiên, trước đây có người từng mang một tác phẩm của bậc tiền bối Thẩm Hành Trung đến cho tôi phỏng lại, tôi phải học theo nửa năm mới vẽ được, bởi vậy mà cũng hiểu biết phần nào về lối vẽ của nhà họ Thẩm.”

“Chỉ nhìn thôi huynh cũng học được lối vẽ của người khác sao?” Tô Sầm ngạc nhiên, sau đó nhớ đến “Sơ Hà Sa Điểu Đồ” kia, thầm cảm thán đúng là nghề nào cũng có trạng nguyên, có những người sinh ra là để làm việc này.

Tô Sầm không loanh quanh nhiều ở chuyện bức tranh, hỏi: “Ta muốn xem thỏi mực ông lão kia đổi cho huynh được không?”

Lý Vân Khê gật đầu, bảo Đan Thanh vào phòng lấy một chiếc hộp vuông ra. Bên trong hộp là một thỏi mực, Tô Sầm cầm lên ước lượng, chất liệu cứng rắn, mịn màng bóng mượt, còn ánh lên ánh sáng màu xanh tím, là một thỏi mực tốt. Thân thỏi mực viết bốn chữ vàng “Tùng hạc diên niên”, mặt sau khắc chìm hình hạc trắng thông xanh.


Tô Sầm quan sát bốn chữ trên thân thỏi mực hồi lâu, sau đó dùng tay chùi thử, nhưng vết bụi trên mấy chữ vàng lại không sao chùi được

“Từ khi ông lão kia đưa tôi đã vậy rồi.” Lý Vân Khê nói: “Nếu không có vết bẩn này thì thỏi mực trị giá đến cả trăm lượng, tiếc là lúc chế tạo lại dính một vết bẩn như thế, thỏi mực cũng không còn đáng tiền.”

“Không phải vết bẩn.” Tô Sầm đưa thỏi mực lên ngửi: “Là vết cháy.”

Thành phần chính của mực là tàn gỗ thông, không sợ cháy, nhưng chữ vàng trên thỏi mực lại chảy dưới nhiệt độ cao, dính sang chỗ khác tạo nên vết tro này.

Vậy nên thỏi mực này đúng là được mang ra từ đám cháy, ông lão nhờ Lý Vân Khê vẽ tranh hẳn là quản gia thoát nạn của nhà họ Thẩm năm đó.

Tô Sầm đứng dậy, nói với Lý Vân Khê: “Có thể cho ta mượn thỏi mực này mấy hôm không?”

Lý Vân Khê cười khẽ: “Đại nhân cứ tự nhiên.”

Tô Sầm cất bước định đi, đoạn bỗng nhiên dừng lại, quay đầu hỏi: “Hồi nãy ta thấy huynh cầm tiền giấy với hương, định đi thắp hương cho ai à?”

Lý Vân Khê khựng lại, nói: “Tết Công Táo rồi, thắp hương cho ông Táo thôi.”

Tô Sầm vẫn đứng yên nhìn y, đến tận khi Lý Vân Khê cũng thấy thấp thỏm, vô thức sờ lên mặt, hỏi: “Đại nhân nhân còn việc gì sao?”

Tô Sầm nhìn thêm một lát mới rời mắt, cười bảo: “Không có gì, Lý huynh đừng quên bức tranh chúng ta đã hẹn.”

Lý Vân Khê sững người, đến khi y hoàn hồn Tô Sầm đã dẫn đám người kia rời khỏi nhà trúc.

Lý Vân Khê thở dài, ngồi bệt xuống sạp trúc, lúc này y mới phát hiện ngón tay lạnh buốt quanh năm đã ướt mồ hôi từ lúc nào.

Đan Thanh tức thì lại hỏi: “Công tử không sao chứ?” Lý Vân Khê giơ tay ý bảo không sao, mãi lâu sau mới khẽ than: “Người này… thật đáng sợ.”
Trường An Thái Bình
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá:
Truyện Trường An Thái Bình Truyện Trường An Thái Bình Story Chương 99: Thỏi mực
10.0/10 từ 23 lượt.
loading...