Top 8 Bài văn cảm nhận bài thơ Con chào mào của Mai Văn Phấn hay nhất

Nhắc đến Mai Văn Phấn là nhắc đến một nhà thơ có duyên với thiên nhiên, chìm đắm trong thiên nhiên. Bài thơ “Con chào mào” là một trong những tác phẩm tiêu ... xem thêm...

  1. Bài thơ “Con chào mào” của tác giả Mai Văn Phấn đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.


    Trước hết, hình ảnh con chim chào mào đã được nhà thơ khắc họa trong thực tế:

    “Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

    Hót trên cây cao chót vót

    triu... uýt... huýt... tu hìu…”


    Vẻ đẹp của chim chào mào được miêu tả với “đốm trắng, mũ đỏ” cho thấy sự rực rỡ của nó. Cùng với âm thanh quen thuộc là tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong bài thơ ngập tràn màu sắc, âm thanh.


    Không chỉ dừng lại ở đó, những câu thơ tiếp theo lại giúp người đọc hiểu được nhiều ý nghĩa trong đó:


    “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

    Sợ chim bay đi

    Vừa vẽ xong nó cất cánh

    Tôi ôm khung nắng, khung gió

    Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”


    Tác giả đã để nhân vật “tôi” trong bài vẽ chiếc lồng để nhốt con chim chào mào vì sợ nó bay đi. Điều đó thể hiện mong muốn, khao khát của tác giả được độc chiếm thiên nhiên. “Chiếc lồng” biểu đạt quyền sở hữu thiên nhiên, phô bày cái đẹp của riêng. Nhưng nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi. Bởi vậy mà “tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây”. Nhà thơ mong có thể ôm trọn thiên nhiên rộng lớn vào lòng. Động từ “ôm” kết hợp với các danh từ “nắng”, “gió”, “nhành cây” thể hiện khao khát được mở rộng “chiếc lồng” của nhân vật tôi thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên.


    Trong tưởng tượng của nhân vật “tôi”, con chim chào mào lại một lần nữa hiện lên:


    “Trong vô tăm tích tôi nghĩ

    Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

    Trái cây chín đỏ

    Từng giọt nước

    Thanh sạch của tôi

    triu... uýt... huýt... tu hìu…

    Chẳng cần chim lại bay về

    Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.”


    “Tôi” mong muốn có thể níu giữ tiếng hót. Nhưng dường như cái không gian “vô tăm tích” đã khiến cho mong muốn đó không thể. Những hoạt động của chào mào: “mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước”. Đó là những món quà chuộc lỗi khi tôi nhận ra rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, giữa thiên nhiên rộng lớn. Đến những câu thơ này, người đọc thấy được tác giả đã có được tình yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.


    Với “Con chào mào”, chúng ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên lớn lao của nhà thơ.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Mai Văn Phấn là một nhà thơ có nhiều tác phẩm độc đáo. Một trong số đó là bài thơ “Con chào mào” đã để lại nhiều ấn tượng đối với bạn đọc.


    Trước hết, nhà thơ đã giúp người đọc thấy được hình ảnh con chim chào mào được khắc họa trong thực tế:


    “Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

    Hót trên cây cao chót vót

    triu... uýt... huýt... tu hìu…”


    Những câu thơ mở đầu cho thấy vị trí “trên cây cao chót vót”. Cùng với đó là những đặc điểm của loài chim chào mào - “đốm trắng, mũ đỏ”; tiếng kêu “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Với bút pháp tả thực, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngập tràn màu sắc, âm thanh.


    Tiếp đến, Mai Văn Phấn đã xây dựng hình ảnh con chim chào mào trong suy nghĩ của nhân vật trữ tình - “tôi”:


    “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

    Sợ chim bay đi

    Vừa vẽ xong nó cất cánh

    Tôi ôm khung nắng, khung gió

    Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”


    Nhân vật “tôi” trong bài thơ vẽ chiếc lồng để nhốt con chim chào mào vì sợ nó bay đi. Hình ảnh “chiếc lồng” được đan dệt bằng trí tưởng tượng. Qua đó, chúng ta mới thấy được cái khao khát muốn độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên. Nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi. Hành động “tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây” - đó là khao khát muốn ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn. Động từ “ôm” kết hợp với các danh từ “nắng”, “gió”, “nhành cây” thể hiện khao khát được mở rộng “chiếc lồng” của nhân vật tôi thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên. Bài thơ với giọng hồn nhiên, vui tươi cho với những câu thơ cho thấy cái lạc quan, yêu đời của nhà thơ.


    Cuối cùng là hình ảnh trong tưởng tượng của nhân vật “tôi”:


    “Trong vô tăm tích tôi nghĩ

    Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

    Trái cây chín đỏ

    Từng giọt nước

    Thanh sạch của tôi

    triu... uýt... huýt... tu hìu…

    Chẳng cần chim lại bay về

    Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.”


    Không gian đầy “nắng, cây, gió” hiện lên với mong muốn níu giữ con chim và tiếng hót. Nhưng lại “vô tăm tích” - cụm từ cho thấy sự vô thủy, vô chung của thiên nhiên, vũ trụ. Từ đó mà “tôi” phải tự mình tưởng tượng ra hình ảnh con chim chào mào đang mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước. Hai câu thơ cuối cho thấy con chim đã bay xa. Nhưng trong tâm tưởng của nhà thơ, con chim vẫn còn đó. Nhân vật “tôi” vẫn cảm nhận được sự hiện diện của con chim chào mào. Tác giả đã cho chúng ta hiểu được rằng tình yêu thiên nhiên vẫn hiện hữu dù ở bất cứ nơi đâu.


    Bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn đã cho người đọc nhiều cảm nhận. Nhà thơ muốn gửi gắm cho người đọc về tình yêu thiên nhiên, khao khát tự do của nhà thơ.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Mai Văn Phấn là một nhà thơ, nhà phê bình tiểu luận. Một trong những bài thơ của ông là “Con chào mào”.


    Đầu tiên, nhà thơ đã khắc họa hình ảnh con chim chào mào trong thực tế:


    “Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

    Hót trên cây cao chót vót

    triu... uýt... huýt... tu hìu…”


    Con chào mào xuất hiện ở “trên cây cao chót vót” - tính từ “chót vót” xác định vị trí cao, mở rộng biên độ về không gian. Hình ảnh con chim được miêu tả với “đốm trắng, mũ đỏ” cho thấy sự vẻ đẹp rực rỡ của nó. Cùng với âm thanh quen thuộc là tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Xuất hiện một cách trực tiếp với những đặc điểm quen thuộc. Với bút pháp tả thực, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngập tràn màu sắc, âm thanh.


    Nhưng hình ảnh con chim chào mào không chỉ đơn thuần mang nét nghĩa như vật:


    “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

    Sợ chim bay đi

    Vừa vẽ xong nó cất cánh

    Tôi ôm khung nắng, khung gió

    Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”


    Đến khổ thơ thứ hai, tác giả đã để nhân vật “tôi” trong bài thơ vẽ chiếc lồng để nhốt con chim chào mào vì sợ nó bay đi, đó là mong muốn được độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên. Chiếc lồng biểu đạt quyền sở hữu thiên nhiên, phô bày cái đẹp của riêng. Nhưng nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi. Bởi vậy mà “tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây” - đó là khao khát muốn ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn. Động từ “ôm” kết hợp với các danh từ “nắng”, “gió”, “nhành cây” thể hiện khao khát được mở rộng “chiếc lồng” của nhân vật tôi thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên.


    Cuối cùng là hình ảnh con chim chào mào trong tưởng tượng của “tôi”:


    “Trong vô tăm tích tôi nghĩ

    Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

    Trái cây chín đỏ

    Từng giọt nước

    Thanh sạch của tôi

    triu... uýt... huýt... tu hìu…

    Chẳng cần chim lại bay về

    Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.”


    Khi “hối hả đuổi theo” con chim chào mào, “tôi” mang theo cả không gian đầy “nắng, cây, gió” mong níu giữ con chim và tiếng hót. Nhưng không còn thấy tăm tích của con chim đâu. Không gian “vô tăm tích” dường như chính là sự vô thủy, vô chung của thiên nhiên, vũ trụ. Những hoạt động của chào mào: “mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước”. Đó là những món quà chuộc lỗi khi tôi nhận ra rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, giữa thiên nhiên rộng lớn. Nhưng trong tâm tưởng của nhà thơ, con chim vẫn còn đó: “Chẳng cần chim bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”. Chim chào mào không cần quay về nhưng vẫn cảm nhận được tiếng hót vang lên trong tâm trí. Bởi nhân vật “tôi” đã biết yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.


    Như vậy, bài thơ “Con chào mào” đã cho thấy vẻ đẹp của chú chim chào mào. Nhưng nhà thơ muốn gửi gắm tình yêu thiên nhiên, khao khát tự do của nhà thơ.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Mai Văn Phấn là một nhà thơ với những tác phẩm có đề tài phong phú về đề tài, có những cách tân về nội dung và nghệ thuật. Điều đó được thể hiện qua bài thơ “Con chào mào”.


    Mở đầu bài thơ, hình ảnh con chim chào mào được khắc họa trong thực tế:


    “Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

    Hót trên cây cao chót vót

    triu... uýt... huýt... tu hìu…”


    Chim chào mào xuất hiện với vị trí “trên cây cao chót vót”. Vẻ đẹp của chim chào mào xuất hiện với màu sắc “đốm trắng, mũ đỏ” cho thấy sự rực rỡ của nó. Cùng với âm thanh quen thuộc là tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Với bút pháp tả thực, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngập tràn màu sắc, âm thanh.


    Hình ảnh của chim chào mào còn xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật “tôi” - nhân vật trữ tình trong bài thơ:


    “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

    Sợ chim bay đi

    Vừa vẽ xong nó cất cánh

    Tôi ôm khung nắng, khung gió

    Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”


    Nhân vật “tôi” trong bài thơ vẽ chiếc lồng để nhốt con chim chào mào vì sợ nó bay đi. Hình ảnh “chiếc lồng” được đan dệt bằng trí tưởng tượng. Nhân vật trong bài muốn giam cầm con chim, hay chính là muốn độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên. Nhưng nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi. Hành động “tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây” - đó là khao khát muốn ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn. Động từ “ôm” kết hợp với các danh từ “nắng”, “gió”, “nhành cây” thể hiện khao khát được mở rộng “chiếc lồng” của nhân vật tôi thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên. Giọng thơ hồn nhiên, vui tươi cho với những câu thơ cho thấy tác giả khao khát mở rộng thiên nhiên, muốn tâm hồn mình bao trùm thiên nhiên rộng lớn.


    Kết thúc bài thơ là hình ảnh con chim trong tâm tưởng của nhân vật “tôi”:


    “Trong vô tăm tích tôi nghĩ

    Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

    Trái cây chín đỏ

    Từng giọt nước

    Thanh sạch của tôi

    triu... uýt... huýt... tu hìu…

    Chẳng cần chim lại bay về

    Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.”


    Nhân vật “tôi” mang theo cả không gian đầy nắng, cây, gió, mong níu giữ con chim và tiếng hót. Nhưng lại “vô tăm tích” - cụm từ cho thấy sự vô thủy, vô chung của thiên nhiên, vũ trụ. Tôi tự mình tưởng tượng ra những hành động của con chim chào mào: mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước. Trí tưởng tượng của nhà thơ dường như bay theo tiếng chim. Tất cả dịch chuyển sống động đó được thể hiện trong câu thơ: “Thạch sạch của tôi”. Hai từ “của tôi” cho thấy nhà thơ đã dùng hết những gì tinh tú nhất để “nuôi dưỡng” chú chim nhỏ bé của ông. Hai câu thơ cuối cho thấy con chim đã bay xa. Nhưng trong tâm tưởng của nhà thơ, con chim vẫn còn đó: “Chẳng cần chim bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”. Nhân vật “tôi” vẫn cảm nhận được sự hiện diện của con chim chào mào. Bởi nhân vật “tôi” đã biết yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.


    Bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn đã cho thấy vẻ đẹp của chú chim chào mào. Qua đó, nhà thơ còn muốn thể hiện tình yêu thiên nhiên, khao khát tự do của nhà thơ.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Nhắc đến Mai Văn Phấn là nhắc đến một nhà thơ có duyên với thiên nhiên, hòa đồng, đằm sâu trong thiên nhiên. Ông còn được coi là nhà thơ của sinh thái, giàu sắc màu vũ trụ. Bài thơ “Con chào mào” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Mai Văn Phấn thể hiện đầy đủ tinh thần này. Với thể thơ tự do, cấu tứ thơ lạ, xây dựng hình tượng con chào mào là trung tâm của bài thơ, tác giả giúp người đọc cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong sáng, khoáng đạt, thanh bình qua vẻ đẹp của con chim chào mào và tiếng chim trong trẻo. Từ đó, bài thơ mở ra một quan niệm mới mẻ về tình yêu thiên nhiên, đó là thái độ tôn trọng, qua cách ứng xử của con người với thiên nhiên.


    Mở đầu bài thơ, thi sĩ khắc họa hình tượng con chim chào mào với lối đặc tả gần, khá kĩ:


    Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

    Hót trên cây cao chót vót

    triu… uýt… huýt… tu hìu…


    Chỉ bằng vài nét vẽ, hình ảnh chú chim chào mào hiện lên vô cùng chân thực, người đọc như đang được nhìn ngắm hình tướng của nó trong một cự li gần nhất. Trước mắt người đọc là hình ảnh chú chim chào mào với những chiếc lông có đốm trắng, cái mào màu đỏ rực đang say sưa hót líu lo trên cành cao. Tác giả đồng thời đặt định vị trí “Hót trên cây cao chót vót” của “nhân vật” này. Hai câu thơ đã mở ra một khung cảnh thanh bình, có thể đó là ban mai trong suốt hoặc hoàng hôn ráng vàng, thanh tịnh. Nó mang đến cho bạn đọc cảm giác yên bình về một khoảng không thiên nhiên thanh sạch, mướt xanh.


    Câu thơ thứ ba của khổ thơ này vang lên như một bản ký xướng âm giọng chim đầy thú vị: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Mỗi lần đọc câu thơ ta như nghe được trực tiếp chuỗi tiếng hót của con chim. Ở đây, tác giả đã ghi lại từng nốt nhạc để sắp đặt trọn vẹn một câu thơ mang giọng chim. Mỗi “nốt nhạc” đều tạo nên giai điệu có độ rung vang khác thường: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Đây không chỉ đơn thuần là tiếng hót huyền diệu của con chào mào, mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không kì vĩ, bí ẩn. Sự vang vọng của câu thơ thứ ba này được phát ra từ hình ảnh “đốm trắng mũ đỏ” và “cây cao chót vót” ở trên. Ba câu thơ đầu tạo một bức tranh tràn đầy âm thanh, ánh sáng. Với hình ảnh thơ chân thực, sống động, ngôn từ cô đọng, hàm súc (bút pháp tả thực), nhà thơ phác họa hình tượng chào mào tuyệt đẹp, là biểu tượng của thiên nhiên trong trẻo, sống động đến vô cùng.


    Khi nhìn thấy hình ảnh con chim chào mào, nhà thơ có cảm xúc và suy nghĩ ra sao ? Từ khổ thơ thứ hai mở ra những suy nghĩ của nhà thơ trong không gian tâm tưởng:


    Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

    Sợ chim bay đi

    Vừa vẽ xong nó cất cánh

    Tôi ôm khung nắng, khung gió

    Nhành cây xanh hối hả đuổi theo


    Bất chợt, khi nhìn thấy con chim, cùng là lúc trong tâm hồn thơ Mai Văn Phấn có những khoảnh khắc ý nghĩ rất đời thường mà cũng rất thơ: “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi”. Nhà thơ đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc lồng cho con chào mào. Có người đặt ra vấn đề “chiếc lồng” của ông được đan bện bằng tưởng tượng với mục đích kìm giữ, nhốt “con chào mào” kia chăng? Không! Chiếc lồng của nhà thơ tượng trưng cho khát vọng sở hữu thiên nhiên, phô bầy cái đẹp của riêng ông. Và nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến/ vuột mất. Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.


    Và trong khoảnh khắc “Vừa vẽ xong nó cất cánh” thì dường như nhà thơ và con chào mào hóa thân vào nhau. “Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”. Đây là cuộc đuổi bắt ngoạn mục làm hiển lộ vẻ đẹp của con chim và tâm thế của tác giả. Cái “khung nắng, khung gió” và cả “nhành cây xanh” kia chính là chiếc lồng mà nhà thơ đã vẽ ra trong ý nghĩ ở khổ thơ thứ hai. Hành động “đuổi theo” con chim lúc này cho thấy vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ được cất cánh, thăng hoa.


    Trong vô tăm tích tôi nghĩ

    Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

    Trái cây chín đỏ

    Từng giọt nước

    Thanh sạch của tôi


    Khi không còn thấy tăm tích con chim chào mào, nhân vật “tôi” đã hình dung ra con chim chào mào đang mổ những “con sâu, trái cây chín, giọt nước thanh sạch” của tôi. Khổ thơ này khắc họa khá đầy đủ đời sống sinh động của con chào mào. Nó thường ăn những con sâu, trái cây chín, uống nước… Đó chính là một cách “chuộc lỗi” khi con người hiểu ra rằng con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên.,…Từ đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên thực sự và trọn vẹn của mình.


    triu… uýt… huýt… tu hìu…

    Dòng thơ “triu… uýt… huýt… tu hìu…” được lặp lại 2 lần trong bài thơ. Nhà thơ nhấn mạnh điệp khúc những thanh âm của thiên nhiên, tiếng hót trong trẻo của con chào mào lại vang lên lần nữa ở cuối bài thơ. Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc lại cảm nhận “con chào mào” đã đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập, từ âm vực có phần lảnh lót, chói gắt đến phối bè, vang vọng.


    Chẳng cần chim lại bay về

    Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.


    Hai câu thơ kết khẳng định sự thay đổi trong ý nghĩ, cảm xúc, trong tình yêu thiên nhiên của nhà thơ. Chẳng cần con chào mào bay về nữa, tiếng hót du dương của nó vẫn vang vọng trong tâm hồn ông. Bởi vì nhân vật “tôi” biết ứng xử với thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tình yêu chứ không phải bằng mong muốn “độc chiếm”, ích kỉ, hẹp hòi. Tình yêu khiến cho tâm hồn người ta rộng mở, phong phú, tràn đầy niềm vui và sức sống…


    Tóm lại , bài thơ “Con chào mào” là một bài thơ đặc sắc. Về nghệ thuật, bài thơ thành công với thể thơ tự do, có những câu thơ lặp lại hoàn toàn gợi âm thanh thiên nhiên với nhiều âm vực ngân vang, hình ảnh thơ chân thực, giàu sức gợi, cấu tứ bài thơ lạ, kết thúc mở tạo nhiều dư âm trong lòng người đọc. Qua đó, Mai Văn Phấn giúp người đọc cảm nhận được bức tranh thiên nhiên trong sáng, khoáng đạt, thanh bình qua vẻ đẹp của con chim chào mào và tiếng chim trong trẻo. Tình yêu thiên nhiên của tác giả được thể hiện qua thái độ tôn trọng, qua cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Bài thơ bồi đắp cho ta tình yêu thiên nhiên và mỗi chúng ta cần suy ngẫm về thái độ ứng xử với thiên nhiên.

    (Nguồn: Lớp văn cô Thu - http://lopvancothu.com/)

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Trong bài thơ “Con chào mào,” Mai Văn Phấn không chỉ đơn thuần khắc họa hình ảnh con chim chào mào trong thực tế mà còn thể hiện sự tương tác tinh tế giữa con người và thiên nhiên thông qua việc tả thực và tưởng tượng.


    Mai Văn Phấn mô tả một cách chi tiết hình ảnh con chào mào như một phần của thực tế. Con chào mào được đặc điểm rõ nét với “đốm trắng mũ đỏ” và tiếng hót riêng biệt. Màu sắc và âm thanh này không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp của con chim mà còn tạo nên sự quen thuộc và gần gũi với độc giả.


    “Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

    Hót trên cây cao chót vót

    triu… uýt… huýt… tu hìu…”


    Nhà thơ diễn tả cảm xúc của một nhân vật (có thể là chính ông hoặc một người khác) đối với con chào mào. Nhân vật này “vội vẽ chiếc lồng” với mong muốn giữ lại con chim, nhưng sợ nó “bay đi.” Hành động này thể hiện lòng ao ước sở hữu cái đẹp của thiên nhiên, nhưng cũng tiết lộ sự yếu đuối khi nhân vật không thể nắm giữ nó.


    “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

    Sợ chim bay đi

    Vừa vẽ xong nó cất cánh

    Tôi ôm khung nắng, khung gió

    Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”


    Mai Văn Phấn chuyển qua phần tưởng tượng, nơi con chào mào trở thành biểu tượng của sự tự do và hòa hợp với thiên nhiên. Không gian mơ hồ, không rõ vị trí cụ thể của con chào mào làm nổi bật sự tự do và phiêu lưu. Hành động của chào mào, như việc ăn trái cây và uống nước, thể hiện một cuộc sống tự nhiên và hạnh phúc.


    Nhà thơ Mai Văn Phấn trong bài thơ “Con chào mào” đã sử dụng một loạt hình ảnh để thể hiện sự tương tác phức tạp giữa con người và thiên nhiên. Ở khổ thơ thứ hai, tác giả tạo ra hình ảnh của một chiếc lồng chim, nơi con chào mào có thể bị nhốt. Đây là biểu tượng của quyền sở hữu và độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên. Nhân vật “tôi” vẽ chiếc lồng này với mong muốn kiểm soát và giữ lại cái đẹp một cách tự ý, nhưng khi con chào mào “vừa vẽ xong nó cất cánh bay đi,” nhân vật nhận ra sự thoát khỏi và tự do của con chim. Hành động “ôm khung nắng, khung gió, nhành cây” sau đó biểu thị sự khao khát mở rộng “chiếc lồng” tâm hồn mình, để có thể tận hưởng cái đẹp và tự nhiên rộng lớn hơn. Từ “ôm” thể hiện sự tương tác mật thiết giữa người và thiên nhiên.


    Mai Văn Phấn tiếp tục sử dụng hình ảnh tưởng tượng để thể hiện mối quan hệ sâu sắc với thiên nhiên. Tại đây, không gian trở nên vô tăm tích và bất định, không biết là ở đâu. Hình ảnh con chào mào được tưởng tượng ăn trái cây chín đỏ, mổ những con sâu, và uống từng giọt nước. Đây là biểu tượng của sự tự do và hòa hợp với thiên nhiên.


    Cuối cùng, tác giả cho biết rằng con chào mào không cần phải bay về, nhưng tiếng hót của nó vẫn còn nguyên trong tâm trí của “tôi.” Điều này thể hiện sự tôn trọng và khao khát giữ lại mối quan hệ thiêng liêng với thiên nhiên, không cần phải độc chiếm hoặc kiểm soát. Tình yêu và sự hiểu biết đã thay thế sự độc chiếm, và nhân vật có thể cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên mọi lúc, mọi nơi.

    “Trong vô tăm tích tôi nghĩ

    Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

    Trái cây chín đỏ

    Từng giọt nước

    Thanh sạch của tôi

    triu… uýt… huýt… tu hìu…

    Chẳng cần chim lại bay về

    Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.”

    Nhân vật “tôi” vẽ chiếc lồng để nhốt con chim chào mào. Điều này biểu thị sự khao khát kiểm soát và sở hữu cái đẹp của thiên nhiên. Tuy nhiên, khi con chim chào mào bay đi, nhân vật nhận ra rằng tự do của nó quan trọng hơn. Việc “ôm khung nắng, khung gió, nhành cây” sau đó thể hiện sự khao khát mở rộng “chiếc lồng” tâm hồn mình, để tận hưởng và tôn trọng thiên nhiên mà không phải kiểm soát nó. Bài thơ này thể hiện mối quan hệ phức tạp giữa con người và thiên nhiên. Nhân vật “tôi” ban đầu cố gắng sở hữu thiên nhiên, nhưng sau đó thay đổi và học cách tôn trọng và đồng cảm với thiên nhiên. Việc “tôi” nghe thấy tiếng hót của con chim chào mào trong tâm trí khi nó không còn ở đó vật chất là một cách biểu thị tình yêu và sự hiểu biết về thiên nhiên một cách sâu sắc.


    Bài thơ này truyền tải thông điệp về giá trị của sự tự do và tôn trọng. Con chim chào mào được tưởng tượng tự do trong không gian vô tăm tích và cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên mà không bị giam cầm. Nhân vật “tôi” nhận ra rằng để thực sự yêu thiên nhiên, chúng ta cần tôn trọng và giữ lại tự do của nó.

    Tóm lại, bài thơ “Con chào mào” không chỉ là việc miêu tả hình ảnh của con chim, mà còn là một thông điệp về sự thay đổi trong cách con người quan hệ với thiên nhiên và giá trị của sự tự do và tôn trọng.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Với một gia tài thơ khá dày dặn, Mai Văn Phấn đã khẳng định được vị trí của mình trong nền thơ đương đại Việt Nam. Nhờ những cách tân mạnh mẽ về bút pháp, thơ Mai Văn Phấn đã vượt khỏi biên giới quốc gia, đến với độc giả một số nước trên thế giới. Sự tinh tế, tài hoa và những sáng tạo có tính đột phá là những điểm nổi bật của thơ Mai Văn Phấn. Một bài thơ ngắn như Con chào mào cũng hội đủ dấu ấn riêng trong tư duy thơ và bút pháp nghệ thuật của tác giả.


    Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, không vần, gồm 16 dòng, phân thành các khổ thơ dài ngắn khác nhau khá phóng túng. Nhan đề bài thơ là Con chào mào, nhưng đọc lại, ta sẽ thấy chỉ vẻn vẹn 4 dòng dành cho việc miêu tả con chim (chủ yếu là tiếng hót của nó), 12 dòng thơ còn lại ưu tiên cho việc thể hiện hành động, cảm xúc, suy tư của chủ thể trữ tình. Và như vậy, khám phá bài thơ cũng đồng nghĩa với việc thâm nhập sâu hơn vào thế giới nội tâm của nhân vật “tôi” để có thể “đọc” ra những ẩn ý được “cài đặt” một cách tinh vi trong ngôn ngữ, hình ảnh thơ. Bài thơ mở đầu bằng những câu vừa như bức “trực họa”, vừa như bản “ghi âm”:


    "Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

    Hót trên cây cao chót vót

    triu... uýt... huýt... tu hìu..."


    Con chào mào hiện ra dưới nét vẽ tươi tắn, với hai màu trắng đỏ rạng rỡ. Ẩn dụ mũ đỏ thể hiện cái nhìn thật dí dỏm, trẻ trung. Âm thanh bổng trầm được miêu tả rất khéo, cộng hưởng với từ láy chót vót với âm vực rất cao khiến âm điệu câu thơ vút lên, lung linh, vang ngân. Triu... uýt... huýt... tu hìu... – chỉ là âm mô phỏng tiếng hót đặc trưng của chim chào mào chứ không phải là từ ngữ (bởi không có nghĩa gì hết), nhưng nhờ sự hòa phối của thanh ngang, thanh sắc, thanh huyền với độ cao thấp khác nhau mà dòng thơ có sức lan tỏa, ngân vang trong không gian khoáng đạt vời vợi. Một dòng suối âm thanh ngọt ngào từ đỉnh cao tuôn chảy đến đôi tai, đến trái tim, đến toàn bộ con người đang đón nghe bằng tất cả nỗi hân hoan của lòng mình.


    Thiên nhiên được miêu tả trong ba câu thơ đầu vừa quen thuộc vừa mới mẻ. Nó tạo nên những đợt sóng xao động trong cảm xúc, suy tư của nhân vật “tôi”. Một phản ứng tức thì, bất ngờ tự nhiên nảy sinh: Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi. Nhân vật trữ tình “vẽ chiếc lồng” để làm gì vậy? Lồng là để “nhốt”, dĩ nhiên là thế. Nhốt, dù là nhốt “trong ý nghĩ” cũng chính là ao ước “chiếm dụng” riêng cho mình. Ao ước hẳn là rất mạnh mẽ, thiết tha mới khiến nhân vật “tôi” vừa hấp tấp, vội vã (vội vẽ) vừa dự cảm về sự bất thành (sợ chim bay đi). Và quả đúng như vậy. Ý nghĩ của con người mới khởi phát mà hình như con chim đã biết: Vừa vẽ xong nó cất cánh. Câu thơ thú vị bởi mối liên hệ bất chợt, vừa như ngẫu nhiên vừa như tất yếu giữa “tôi” và con chào mào. Con người vội vã chiếm đoạt con chim bằng ý nghĩ. Con chim vụt bay đi khi cái ý nghĩ thực dụng kia của con người mới phôi thai. Cú cất cánh của con chào mào như cười nhạo cái ý nghĩ hẹp hòi, ích kỉ của con người. Một bài học vô ngôn, rất giản dị mà cũng vô cùng sâu sắc từ thiên nhiên mà lẽ ra con người phải nhận biết và tỉnh ngộ.

    Thế nhưng, thế giới nội tâm của con người phức tạp lắm. Nhận thức có thể đã rõ, nhưng cảm xúc chưa hẳn đổi thay. Ở phần tiếp theo, Mai Văn Phấn rất tinh tế khi khơi lên những xung động khó tả của lòng người:


    "Trong vô tăm tích tôi nghĩ

    Lát nữa chào mào sẽ mổ

    những con sâu

    Trái cây chín đỏ

    Từng giọt nước

    Thanh sạch của tôi."


    Đoạn thơ trên gợi nhiều lối cảm nhận. Cụm từ vô tăm tích hướng đến đối tượng nào? Là con chào mào đã bay biệt, không còn dấu vết hay tâm trí con người chính là đại dương sâu thẳm “vô tăm tích”? Hiểu cách nào thì cụm từ ấy cũng gợi ra một cái gì mênh mông, vô tận, nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Những ý nghĩ khởi lên từ đây sẽ như chiếc lá bồng bềnh trên mặt nước, nhìn rất rõ nhưng vô cùng chênh chao. Lời thơ đạt đến độ hàm súc, mà giọng thơ lại giản dị, mềm mại như lời kể. Lát nữa, cụm từ mang màu sắc khẩu ngữ, như nhủ lòng hãy đợi chờ, như nhen lên một niềm hi vọng. Nếu nhìn từ logic tâm lí thông thường, đoạn thơ cho thấy con người không dễ buông bỏ ham muốn. Dù biết không chiếm giữ được con chào mào cho riêng mình, nhân vật trữ tình vẫn nuôi vọng tưởng. Người ấy vẫn mong con chim xinh đẹp đón nhận những trái cây chín đỏ, những giọt nước thanh sạch của mình như đón nhận một tấm lòng. Nhưng nếu theo cái nhìn lí tưởng hóa, có thể cho rằng nhân vật “tôi” vừa mới vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ đã lập tức ân hận và xấu hổ. Nhận ra sự ích kỉ của mình, người đó vẽ ra một không gian tự nhiên, giàu có, ấm áp như là để chuộc lỗi với con chim. Với “tôi”, không gian ấy thanh sạch bởi nó không bị những ý nghĩ nhỏ mọn, hẹp hòi làm vẩn đục. Sự cô đọng, hàm súc của lời thơ có thể dẫn người đọc men theo những hướng cảm nhận khác nhau. Hiểu cách nào thì cũng không ngăn cảm xúc của chủ thể trữ tình hòa vào tiếng hót của con chào mào cất lên ở cuối bài thơ:


    "triu... uýt.. .huýt... tu hìu...

    Chẳng cần chim lại bay về

    Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ."


    Tiếng chim lại bất chợt vang lên, lần này là hồi âm, là tiếng vọng. Giống như khi đập vào một vách đá cao vút, âm thanh vọng lại, vẫn âm hưởng ấy nhưng cường độ, tính chất, cả sắc thái đều thay đổi. Cánh chim đã biệt tăm, nhưng tiếng hót vẫn vỗ ngược trở lại, giúp “tôi” nhận ra một điều: không cần sở hữu, vẫn có thể thưởng thức giai điệu tiếng chim. Và khi không bị độc chiếm, tiếng chim chính là tiếng hát tự do lộng lẫy nhất. Bởi thế mà tiếng hót trong hơn, rõ hơn, vang hơn, lấp lánh hơn. Tiếng hót như từ bốn phương vọng lại, từ trong tim ngân ra. Chỉ 3 dòng thơ ngắn mà lớp lớp nghĩa ẩn hiện trùng điệp.


    Kết cấu vòng tròn (triu... uýt... huýt... tu hìu... ở đầu và cuối bài thơ) tạo nên một vòng sóng âm thanh loang ra loang ra mãi. Tiếng hót thần tiên của con chào mào mở ra, khép lại rồi tiếp tục mở ra hòa cùng những âm giai của tâm trạng con người. Từ ngưỡng mộ, mê say đến ham muốn, khát khao, hy vọng và cuối cùng tự thanh lọc tâm ý, tất cả diễn ra trong âm hưởng của tiếng chim hót. Còn gì đẹp hơn, cao quý hơn và cũng bình dị hơn hành trình tâm tưởng ấy.


    Đọc bài thơ, có thể thấy thế giới tự nhiên không phải là đối tượng chính dù tác giả đã khẳng định trạng thái hoàn hảo của tự nhiên qua vẻ đẹp của con chim chào mào. Điểm hội tụ của bài thơ chính là những cảm xúc, suy tư về sự ràng buộc và cách con người can dự vào tự nhiên. Niềm khao khát độc chiếm vẻ đẹp của thiên nhiên trong bài thơ là biểu hiện của ý chí bắt thiên nhiên phải phục tùng con người. Nhưng vọng tưởng đó bất thành. Bài thơ đã mở ra một thức nhận giản dị mà sâu xa: cũng như con người, con chào mào có quyền sống tự do, yên ổn với môi trường của nó. Con người chỉ nên thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên mà không được phép chiếm hữu. Đó mới là ý nghĩa chân thực của sự sống.


    Cũng từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, bài thơ mở ra những tầng rất sâu, rất ấm về mối quan hệ của con người với chính mình. Không hề dụng công, nhẹ như lời nói, thanh đạm và hồn hậu, bài thơ là một cách lắng nghe chính mình. Khi tâm hồn uyển chuyển và mềm dẻo, ta sẽ biết cách sống một cách hòa hợp với thế giới xung quanh, với tiếng hót ngân vang của những tạo vật bé nhỏ và xinh đẹp như con chào mào:


    "triu... uýt... huýt... tu hìu...

    Chẳng cần chim lại bay về

    Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ."


    Và bạn, bạn có thấy ngân lên trong lòng mình những âm vang kì diệu của thiên nhiên?

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  8. Bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 (Bộ Kết nối tri thức) lắng sâu cảm xúc, mở ra sự tương giao của thiên nhiên và tâm hồn con người, lắng kết chiều sâu ý nghĩa.


    Mấy mươi năm miệt mài sáng tạo, Mai Văn Phấn đã trải nghiệm nhiều phong cách sáng tác khác nhau. Tuy nhiên, sau thể nghiệm, Mai Văn Phấn đã cho siêu thực không còn mới mẻ, để rồi trong tập thơ “Bầu trời không mái che”, ông đã hướng tới một phong cách thơ mới là “thong dong”. Chính nhà thơ từng tâm sự: “Sau khi đã băng qua những “sa mạc”, như Siêu thực, Tượng trưng, Biểu hiện, thơ Ngôn ngữ, Tân hình thức, Hậu hiện đại, Cổ điển mới…, tôi thấy sao chúng ta không tự tìm lấy một khuynh hướng, mà phải lệ thuộc vào “thằng Tây”? Những khuynh hướng ấy bên ngoài họ đã xếp vào viện bảo tàng từ thế kỉ trước, trong khi chúng ta vẫn lúng túng, tranh cãi… Vậy “thong dong” là cách tôi tìm về với cội nguồn thi ca, để cho cảm xúc trôi chảy tự nhiên và tìm cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo nhất”.


    Có thể nói, Mai Văn Phấn là nhà thơ có duyên với thiên nhiên, hòa đồng, đằm sâu trong thiên nhiên. Ông còn được đồng nghiệp coi là nhà thơ của sinh thái, giàu sắc màu vũ trụ. Bài thơ mở đầu một cách nhẹ nhàng, mở ra nhiều liên tưởng thú vị:


    "Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

    Hót trên cây cao chót vót

    triu… uýt… huýt… tu hìu…"


    Con chào mào xuất hiện ngay từ đầu bài thơ một cách trực tiếp và cũng là hình tượng trung tâm. Chỉ có ba câu mở đầu mà hiện lên bức tranh đầy sống động màu sắc: “Đốm trắng mũ đỏ” (tươi tắn), vị trí “cây cao chót vót” (mở rộng biên độ không gian) và âm thanh/hành động “triu... uýt... huýt... tu hìu...” (tiếng hót dài, trong trẻo). Câu thơ mô phỏng giọng chim nhưng tôi cũng nghe như tiếng huýt sáo.


    Có lẽ không chỉ là tiếng hót huyền diệu của con chào mào, mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không khoáng đạt, bí ẩn. Khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, bình yên, mang đến cho chúng ta cảm giác yên bình về một thiên nhiên mướt xanh, thanh sạch. Nhà thơ quan sát tinh tế và cảm nhận trong sự phức hợp các giác quan: Thị giác, thính giác để gợi nên bức tranh thiên tươi đẹp, và giờ chỉ mở lòng đón nhận. Khổ thơ đầu đã mở ra và cũng khép lại bằng bút pháp tả thực, kiệm lời, tạo một bức tranh tối giản tràn đầy ánh sáng, âm thanh hòa quyện.


    Nếu khổ đầu không gian là tả thực, đến khổ hai đã chuyển hóa thành không gian tâm tưởng với thủ pháp tượng trưng. Tác giả đã hình dung, tưởng tượng: “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi”. Vì sợ chim bay đi nên nhà thơ đã vội vàng vẽ chiếc lồng cho con chào mào. Phải chăng “chiếc lồng” được đan bện bằng tưởng tượng với mục đích kìm giữ, nhốt “con chào mào”, muốn “độc chiếm” cái đẹp của thiên nhiên?

    Nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến mất, tiếc nuối. Chỉ “vẽ trong ý nghĩ” nhưng đã đem mênh mông, tiếng hót vào trong giới hạn. Khát khao sở hữu/vĩnh cửu hóa cái đẹp của thiên nhiên cũng là khát khao tự nhiên của mọi người, nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Tôi muốn tắt nắng đi/Cho màu đừng nhạt mất/Tôi muốn buộc gió lại/Cho hương đừng bay đi” (Vội vàng). Đọc những câu tiếp sau chúng ta mới giật mình nhận ra Mai Văn Phấn không “ích kỉ” như vậy. Mặc dù từ vựng trong câu thơ đều mang ý nghĩa giữ lại, bắt, đóng khung… nhưng nội hàm câu thơ lại mở ra, trải rộng, bay bổng. Tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” thiên nhiên của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.


    "Vừa vẽ xong nó cất cánh

    Tôi ôm khung nắng, khung gió

    Nhành cây xanh hối hả đuổi theo."


    “Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”. Tác giả và “con chào mào” của câu chuyện bắt đầu liên tiếp những dịch chuyển không gian. Khi “hối hả đuổi theo”, nhân vật “tôi” mang theo cả không gian đầy nắng, gió, cây xanh mong níu giữ con chim chào mào và tiếng hót. Biện pháp tu từ liệt kê càng làm tăng sự hối hả đó. Đây là cuộc đuổi bắt ngoạn mục làm hiển lộ vẻ đẹp của con chim và tâm thế của tác giả.


    Biên độ không gian thiên nhiên “nắng, gió, cây xanh” được mở rộng vô cùng cũng là lúc vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ được cất cánh, thăng hoa. Điều này, ta đã bắt gặp sự gần gũi, trước đó, trong một bài thơ khác của ông: “Con khướu vừa bay/ Hòa sắc hoàn hảo// Nó màu xám/ Vệt trắng hai bên má/ Ức và cằm loang đen// Tôi họa lại hình chim/ Nhẫn nại tô màu// Không phải thế/ Mãi không phải thế!” (Tĩnh lặng).


    "Trong vô tăm tích tôi nghĩ

    Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

    Trái cây chín đỏ

    Từng giọt nước

    Thanh sạch của tôi."


    Cái kì diệu của đoạn thơ này nằm trong hai cụm từ “trong vô tăm tích” và “của tôi”. Nội hàm của vô tăm tích ở đây chính là sự vô thủy vô chung của thiên nhiên, vũ trụ. Có điều lạ là nhà thơ lại “nghĩ”, thực ra là ông đã nhìn, quan sát kỹ, sống cùng, cảm nhận, nương theo cái “vô tăm tích” bằng vũ trụ quan của ông.


    Ở đây lại thêm một lần nữa nhà thơ cho bạn đọc nhìn thấy sự hòa trộn giữa ông và thiên nhiên được hiển hiện trong đời sống muôn vẻ của con chào mào. Nhưng khi không còn thấy tăm tích, nhân vật “tôi” đã hình dung con chim chào mào đang mổ những “con sâu, trái cây chín đỏ, giọt nước thanh sạch của tôi” – những món quà “chuộc lỗi” khi con người hiểu rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên. Như Tố Hữu từng khát khao nhận ra “Sao không trả nó về mây gió/Cho nó say sưa uống ánh trời?” (Con chim của tôi).


    Tất cả những dịch chuyển sống động và bất tận ấy được nhà thơ khẳng định trong câu thơ “Thanh sạch của tôi”. Khái niệm “của tôi” trong trường hợp này cho thấy hồn vía kẻ sáng tạo đã được chiết ra, gạn lọc lấy những gì tinh túy nhất, đẹp nhất để “nuôi” chú chim bé nhỏ của ông (ẩn dụ). Nói khác đi, vẻ đẹp của cả hai đã hóa thân vào nhau, tôn nhau lên (biết nhận và cho đi). Một thế giới của sự tương giao, hài hòa.


    Dòng thơ được lặp lại hai lần trong bài thơ là: “triu…uýt…huýt…tu hìu…”. Nghệ thuật lặp lại (điệp ngữ) tiếng chim chào mào, tách riêng thành một dòng thơ độc lập, không viết hoa đầu câu kết hợp liên tiếp dấu ba chấm tạo ấn tượng, nhấn mạnh điệp khúc. Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc lại cảm nhận “con chào mào” đã đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập, từ âm vực có phần lảnh lót, chói gắt đến phối bè, vang vọng. Tiếng chim ấy không chỉ vang lên từ trên cành cây cao chót vót, mà còn vang lên ngay trong chính tâm hồn nhà thơ.


    “Chẳng cần chim lại bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”. Hai câu thơ kết cho thấy “con chào mào” đã bay đi xa, trở về với thiên nhiên rộng lớn, với thế giới tự do và hồn nhiên của nó. Sự khẳng định của nhân vật “tôi” ở hai dòng thơ cuối thể hiện những đổi thay, chuyển dòng trong ý nghĩ, cảm xúc; trong tình yêu dành cho thiên nhiên.


    Hình bóng đã mờ nhòe mà tiếng hót du dương vẫn vang vang trong tâm trí. Bởi vì, nhân vật “tôi” có trọn vẹn một thiên nhiên tuyệt đẹp trong cõi hồn mình; biết ứng xử với thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tình yêu chứ không phải bằng mong muốn “độc chiếm” hẹp hòi, ích kỉ. Tình yêu thương ấy khiến cho tâm hồn con người rộng mở, phong phú, tràn đầy niềm vui và sức sống. Chẳng còn tách bạch “tôi” và “con chào mào”, “tiếng hót”: “Tôi” đã là con chào mào, là không gian, là tiếng hót kia. Đã tràn khắp trong nhau.


    Bài thơ viết theo thể thơ tự do, khổ thơ có nhiều biến tấu, kết hợp hài hòa giữa tính từ chỉ màu sắc: Trắng, đỏ, xanh với động từ chỉ hoạt động của chim (hót, cất cánh, mổ, bay) và người “tôi” (vẽ, ôm, đuổi theo, nghĩ, nghe). Hành trình của chim và người là hành trình cộng hưởng mở rộng không gian, mở rộng tâm hồn đón nhận và hòa nhập.


    Đó cũng chính là hành trình tìm kiếm chân lý: cái đẹp. Cách thức sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ điệp ngữ, ẩn dụ với bút pháp độc đáo, lạ, pha trộn hài hòa giữa hiện thực và huyền ảo giúp ta khám phá thế giới trong không gian đa chiều. Bắt đầu là không gian thực “trên cây cao” đến không gian tưởng tượng “trong vô tăm vô tích” và cuối cùng là không gian của tiềm thức tâm tưởng “bay về”. Từ những hành động rất cụ thể, lý tính, trực cảm: Vẽ, ôm, đuổi theo, nghĩ đến tiềm thức, tâm thức: Nghe; phủ định “chẳng cần” phải “ý nghĩ/ nghĩ” nữa để khẳng định đã “nghe” (tự bên trong thấu cảm, tương thông, tương giao rồi “rõ” cả về không gian và thời gian).


    Cả bài thơ duy nhất một dấu chấm ở cuối bài để hình tượng cái “tôi” cảm xúc trôi chảy tự nhiên, đắm chìm, khát khao một thế giới tinh thần tương giao. Chẳng phải vậy mà ban đầu giọng thơ gấp gáp, nhanh “vội vẽ, vẽ xong, hối hả đuổi theo” đến cuối bài lại “thong dong, hồn nhiên, trong trẻo nhất”. Thi nhân an nhiên tự tại, phi ngã, đã đốn ngộ “của tôi – chẳng cần”: Không phải sở hữu cái đẹp mới có cái đẹp, mới giàu có về cái đẹp mà đạt tới cảnh giới của cái "ĐẸP" là một tâm hồn đẹp, rộng mở, hòa nhập, sẻ chia và tự do với vạn vật; mất mà lại được, muốn bắt rồi phải buông, từ giới hạn đến vô hạn, bỏ riêng tư hòa vào tất cả.


    Thế giới tuổi thơ của chúng tôi cũng đã trải qua những ngày tháng dữ dội. Biết bao buổi phơi mình trên cánh đồng nóng rát chạy theo những con cua, con cá rô đồng và ngửa cổ lên trời mang theo những khát vọng bay cao, bay xa của con diều. Rồi có những buổi trốn học đi tìm bắt chim non trên cây dừa, cây cau... Buồn nhất là không may chú chim của mình bị mèo xơi mất hay sổ lồng tung cánh bay xa...


    Không gian thiên nhiên núi rừng, đồng ruộng càng ngày càng thu hẹp, muông thú, chim chóc cũng ít đi, hiếm dần. Cuộc sống công nghiệp xô bồ, tiếng thiên nhiên cũng thưa vắng, thưa vắng đến xa lạ. Con người cũng kì lạ thật. Không biết là thú chơi, là lưu giữ cái đẹp hay là gì nữa... Những chú chim chỉ biết nhảy nhót hót chơi trong chiếc lồng quá chật hẹp.


    Thỉnh thoảng đi ngang qua tuyến phố chuyên bán chim cảnh, bất giác hình ảnh “Con chào mào” của Mai Văn Phấn lại dội về ký ức đẹp của tuổi thơ dù con chim có tung lồng bay xa về với thiên nhiên bất tận nhưng, như nhà thơ nói: “Tôi cảm thấy như mình đang nhìn đời sống bằng đôi mắt của một bé thơ, biết run rẩy và ngỡ ngàng trước mọi hiện hữu trong đời sống” vì “Chẳng cần chim lại bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ


loading...