Top 13 Bộ phim kinh điển về chiến tranh Việt Nam
Chiến tranh Việt Nam giờ đây đã thuộc về quá khứ, chiến tranh chỉ còn diễn ra trên các trang sử, trong những thước phim tài liệu đã được ghi lại. Không cầu kì ... xem thêm...về kĩ xảo hình ảnh, không có bộ OST ấn tượng, càng không có những diễn viên quá chỉn chu về quần áo, trang điểm, nhưng top những bộ phim kinh điển về chiến tranh Việt Nam dưới đây luôn đem tới cho khán giả cảm giác tự hào khó tả của dịp kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4 của dân tộc.
-
Chung một dòng sông là bộ phim năm 1959 của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam) do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bộ phim được công chiếu lần đầu ngày 20 tháng 7 năm 1959.
Chung một dòng sông là cuộc Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khi đó. Theo Hiệp định Genève 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam - Bắc của Việt Nam. Hai nhân vật Hoài và Vận yêu nhau từ hồi cùng trong Chiến tranh Việt-Pháp. Sau 1954 họ định làm lễ cưới, nhưng khi thuyền của nhà trai sang bờ Nam đón dâu thì cảnh sát phía Nam không cho họ lên bờ. Mối tình của họ bị ngăn cản.
Chung một dòng sông đã đề cập tới một vấn đề nóng bỏng của thời gian đó. Đề tài chia cắt này cũng gặp nhiều trong văn học nghệ thuật ở cả miền Nam và miền Bắc như ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương của Hoàng Hiệp, Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn hay Chuyến đò vĩ tuyến của Lam Phương. Năm 1970, phim được giải “Bông Sen vàng” trong Liên hoan phim toàn quốc lần thứ hai.
-
Bộ phim Nổi gió của đạo diễn Huy Thành được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm. Đây là phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói về Chiến tranh Việt Nam với bối cảnh miền Nam. Trong thời gian Mỹ xâm lược Việt Nam, gia đình Phương có chị là Vân theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn Phương là trung úy quân đội Ngụy quyền Sài Gòn. Sau nhiều năm xa cách, hai chị em gặp lại nhau. Niềm vui chưa kịp qua thì mâu thuẫn nảy sinh giữa hai chị em. Khi biết Phương là trung úy Ngụy quyền Sài Gòn, Vân đã đuổi Phương đi. Từ đây bắt đầu chuỗi bi kịch.
Vân và con trai bị bắt vào trại tập trung. Trong trại Vân tham gia đấu tranh, bị bắt vào tù. Con trai bị địch giết nên Vân như điên dại. Vì bị tưởng là điên nên Vân càng dễ dàng hoạt động trong tù. Sau khi ra tù, bằng lý lẽ, hành động và tình cảm, Vân đã thuyết phục được em trai và nhiều lính trong quân đội Việt Nam Cộng hòa về với Mặt trận (về với chính nghĩa), với nhân dân bằng việc phá ấp chiến lược, giết cố vấn Mỹ. Kết thúc phim là trung úy Phương cúi xuống vốc nước lên rửa mặt trên dòng sông chan hòa ánh nắng trong tiếng cổ vũ của nhân dân và nụ cười trìu mến của người chị.
Khiến nhiều khán giả nhiều thế hệ xúc động và ám ảnh, Nổi gió đồng thời được đánh giá là bộ phim truyền cảm hứng và tinh thần cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam năm 1975. Phim đã giành được Bông sen vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên.
-
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là một bộ phim của đạo diễn Hải Ninh năm 1972. Đây là một bộ phim tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Kịch bản Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ viết trong 5 năm. Đây cũng là kịch bản hai tập đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Sau hiệp định Genève 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự ngăn cách Việt Nam thành hai vùng tập trung. Cuộc sống của người dân hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nặng nề. Hầu hết các gia đình đều có người thân sống dưới hai chế độ khác nhau. Sau khi chồng tập kết ra Bắc, chị Dịu ở lại bờ Nam của sông Bến Hải. Bí thư chi bộ Thuận bị phe Việt Nam Cộng hòa giết chết, chị Dịu lên thay chức vụ đó. Vì lý do này mà chị đã nhiều lần bị Trần Sùng đưa vào tù.
Tác phẩm có sức sống lâu bền bởi phản ánh chân thực cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc ta, mà tiêu biểu trong phim là hình ảnh chị Dịu kiên cường bất khuất, đã hy sinh mọi hạnh phúc cá nhân để góp hết sức mình cho cuộc giải phóng dân tộc. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã giành được giải của Hội đồng hòa bình Thế giới và Giải nữ diễn viên xuất sắc cho Trà Giang tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1973.
-
Em bé Hà Nội là một bộ phim nhựa do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1974 và do Hải Ninh làm đạo diễn. Bộ phim khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, khi quân đội Hoa Kỳ tiến hành Chiến dịch Linebacker II, ném bom miền Bắc Việt Nam. Nội dung phim kể về Ngọc Hà, một em bé 12 tuổi, phải kiếm bố mẹ và đứa em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố sau đợt dội bom B52 của Mỹ. Cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và hội ngộ với em gái của mình.
Đạo diễn Hải Ninh gặp diễn viên Lan Hương lần đầu tiên khi Lan Hương mới 3, 4 tuổi. Đến năm 1972 khi ông thực hiện bộ phim này, sau khi tìm nhiều người đóng nhân vật em bé Hà Nội không được, ông nhớ lại và tìm đến nhà Lan Hương, xin phép cho cô đi đóng phim. Khi đó Lan Hương mới 10 tuổi và đây cũng là vai diễn đầu tiên của cô. Phim đạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần III, giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1975 và giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại Liên hoan phim Quốc tế Syria.
-
Cánh đồng hoang là một bộ phim điện ảnh Việt Nam nói về đề tài Chiến tranh Việt Nam, đạo diễn bởi Nguyễn Hồng Sến. Lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười trong thời kỳ chiến tranh, bộ phim xoay quanh vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ được phía Cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Tác giả tập trung khai thác nhiều vào cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng như việc trồng lúa, nuôi con, bắt trăn, bắt cá nhưng xen kẽ vào đó còn có những cảnh trực thăng Huey của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích hoạt động. Khi Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn trúng, để trả thù cho chồng, vợ Ba Đô đã đuổi theo bắn cháy chiếc trực thăng.
Kết thúc của Cánh đồng hoang có cảnh tấm ảnh chụp vợ con của phi công Mỹ bị bắn, rơi ra từ ngực anh ta, đã có nhiều ý kiến cắt bỏ cảnh này. Tuy nhiên, nó vẫn được giữ lại để cho người xem hiểu rõ hơn về lính Mỹ, họ cũng là người bình thường, có vợ và con như Ba Đô, nhưng do chiến tranh mà họ phải dứt bỏ gia đình để sang Việt Nam tham chiến. Đạo diễn Hồng Sến đã dùng thủ pháp đối lập trong ngôn ngữ điện ảnh để từ đó truyền tải những giá trị nhân văn sâu sắc.
Bên cạnh sự dẫn dắt tài tình của đạo diễn Hồng Sến và kịch bản tuyệt vời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, diễn xuất nhập tâm của dàn diễn viên đặc biệt là nữ diễn viên Thúy An đã cùng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
-
Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân, gồm 4 tập. Phim tái hiện chiến công “đưa chiến tranh vào thành phố” của lực lượng biệt động thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đan xen trong bối cảnh đạn bom, khói lửa là những câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc và giàu ý nghĩa góp phần giúp bộ phim đi sâu vào lòng người. Bộ phim của đạo diễn Long Vân phát hành vào năm 1986 là một điểm sáng cho điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Không chỉ lập kỷ lục phòng vé, bộ phim còn đưa tên tuổi của hàng loạt nghệ sĩ như Quang Thái, Thúy An, Thương Tín, Hà Xuyên, Hai Nhất, Thanh Loan… đến gần hơn với công chúng. Sau hơn 3 thập niên trôi qua, tác phẩm vẫn luôn là bộ phim được yêu thích cho đến hiện tại.
Bộ phim đã đưa dàn diễn viên: Thanh Loan (vai Ni cô Huyền Trang), Thương Tin (vai Sáu Tâm), Quang Thái (vai Tư Chung),...bước lên đỉnh vinh quang. Sau 30 năm công chiếu màn ảnh rộng, nhiều lần phát lại trên truyền hình, xuất bản DVD và online, Biệt động Sài Gòn vẫn thu hút lượng người xem đông đảo, trở thành bộ phim kinh điển về ngày 30/4 của điện ảnh Việt Nam.
-
Hà Nội 12 ngày đêm là một bộ phim của điện ảnh Việt Nam dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Bùi Đình Hạc, với mục đích cố gắng khắc họa bối cảnh cuộc chiến đấu chống tập kích bằng máy bay B-52 đánh phá thủ đô Hà Nội và một vài tỉnh lân cận trong chiến dịch Linebacker II (18 - 30/12/1972). Bộ phim theo đuổi đề tài chiến tranh Cách mạng và đã giới thiệu được nghệ thuật làm phim cổ điển Việt Nam. Hà Nội 12 ngày đêm được thể hiện rất công phu với mục đích tái hiện một phần trận Điện Biên Phủ trên không - một cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Hà Nội chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12 năm 1972, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris đem lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.
Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam được đầu tư lớn với những cảnh quay sử dụng kỹ xảo vi tính, âm thanh vòm lập thể, tạo hiệu quả hoành tráng. Khởi quay từ năm 1997, đến tháng 4 năm 1999 thì xong tất cả các cảnh ở Việt Nam, nhưng phải chờ làm kỹ xảo vi tính và âm thanh nên phải đến năm 2002 mới ra mắt. Đạo diễn Bùi Đình Hạc xúc động nói: "Để làm được phim này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Để diễn tả lại cuộc chiến đấu giữa MiG-21 và B-52 thì phải có các cảnh quay trên không. Bối cảnh phim lớn như vậy không thể không quay kỹ xảo vi tính. Chỉ có 3 phút 38 giây kỹ xảo cảnh máy bay B-52 dàn trận đánh phá Hà Nội đã ngốn hết 620 triệu đồng !".
Năm 2002, bộ phim đã đoạt Giải khuyến khích của Hội Điện ảnh Việt Nam dành cho kịch bản phim truyện xuất sắc nhất (tức là trước cả khi đóng máy). Năm 2003, bộ phim đã được giới thiệu tại nhiều Liên hoan phim có uy tín như LHP Fukuoka - Nhật Bản (đây là lần đầu tiên Hà Nội 12 ngày đêm được trình chiếu ở nước ngoài), LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 48 tại Iran và LHP Quốc tế Cairo lần thứ 27.
-
Giải phóng Sài Gòn là bộ phim điện ảnh được sản xuất nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những nhân vật trong phim đều là những nhân vật có thật trong lịch sử như Tổng bí thư Lê Duẩn ( NSƯT Hà Văn Trọng thủ vai), Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( Khương Đức Thuận thủ vai), Bí thư Trung ương Cục Miền Nam Phạm Hùng ( NSƯT Hoàng Quân Tạo thủ vai), Đặc phái viên Bộ chính trị Lê Đức Thọ ( Dương Trọng Hiếu thủ vai ),...
Giải phóng Sài Gòn là 1 bộ phim điện ảnh Việt Nam dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Long Vân. Phim được hãng Sài Gòn Giải Phóng sản xuất nhằm kỷ niệm sự kiện 30/4/1975. Phim sản xuất dựa trên tác phẩm Sài Gòn - Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà nhưng có lược bớt một số đoạn. Phim được đầu tư 12,5 tỷ VND và sản xuất trong thời gian dài kỷ lục là 13 năm. Phim tập trung ghi lại những sự kiện chính trong tiến trình Quân Giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn, tái hiện những cảnh bom rơi đạn nổ chân thực, không kỹ xảo. Đạo diễn Long Vân đã mất 13 năm để hoàn thiện bộ phim này. Cps thể nói, Giải phóng Sài Gòn là những thước phim bi tráng và hào hùng về chiến thắng lớn của dân tộc Việt Nam.
-
Bộ phim là một câu chuyện nhỏ trong chiến tranh. Không đua tranh với những tác phẩm điện ảnh khác thuộc đề tài này về sự hoành tráng của những chiến dịch, những trận đánh lớn, êkíp làm phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đi sâu vào những chi tiết, những cảm nhận cụ thể nhất về chiến tranh dưới cái nhìn của anh lính trẻ Hoàng An. Một ưu thế của phim khai thác đề tài lịch sử là những cảnh huống gây xúc động, nhưng đó cũng chính là thách thức cho các đạo diễn khi phải vượt qua những cảnh sáo mòn để lấy được "giọt nước mắt quý hiếm" của người xem. Xây dựng nhân vật chính là hình tượng người chiến sĩ quân bưu, một hình tượng khá mới của điện ảnh chiến tranh Việt Nam, Đường thư đã tạo cho mình một mảnh đất mới để khai thác triệt để lợi thế này. Khán giả nhạy cảm chắc chắn sẽ không tránh khỏi cảm giác "cay mũi" khi chứng kiến những thước phim về những lá thư hậu phương gửi tới chiến trường.
Bên cạnh những khúc tình ca mạnh mẽ và thương tâm từ những lá thư, Đường thư còn xây dựng khá thành công hình tượng chàng binh nhất Hoàng An: ra chiến trường với giấc mộng trở thành một chàng đặc công oai hùng trong mắt của người yêu nhưng lại được phân công làm quân bưu. Những câu chuyện xoay quanh chàng lính trẻ này đã mang đến cho bộ phim những chi tiết hài hước, khắc phục được sự khô khan vẫn thường thấy trong các tác phẩm về chiến tranh. Với kinh phí chỉ hơn 1 tỷ đồng (so với 12,5 tỷ đồng dành cho Giải phóng Sài Gòn), bộ phim được ông Cục trưởng Điện ảnh Nguyễn Phúc Thảnh đánh giá là "một nỗ lực đáng ghi nhận của đoàn làm phim".
-
Áo lụa Hà Đông (tựa tiếng Anh: The White Silk Dress) là một bộ phim chiến tranh - tâm lý - tình cảm Việt Nam dài 135 phút của đạo diễn Lưu Huỳnh thực hiện, công chiếu vào năm 2006. Phim có sự tham gia của diễn viên, người mẫu Trương Ngọc Ánh. Bộ phim đã giành giải Cánh diều vàng 2006 hạng mục "Phim truyện nhựa xuất sắc nhất".
Nội dung phim là một câu chuyện đầy cảm động ủa gia đình anh Gù và chị Dần trong thời kỳ người nông dân nổi dậy lật đổ chính quyền. Sau đó, vợ chồng anh đã di chuyển vào nam để mưu sinh. Tài sản quý giá nhất là chiếc áo trắng và áo cưới mà Gù tặng vợ. Vào Nam, Gù và vợ phải bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống, thậm chí, chị Dần còn ngậm đắng nuốt cay đi làm vú nuôi cho một ông lão người Tàu khiến chị và chồng nảy sinh mâu thuẫn. Gia đình đông con nghèo khó nhưng yêu thương nhau ấy cứ lần hồi sống qua ngày, bữa cháo bữa khoai, nhưng tràn ngập tiếng trẻ thơ ấm áp. Sự hi sinh và tình thương của bố mẹ đã giúp cô bé Hội An viết được một bài văn đạt điểm cao nhất lớp, và chủ đề chính về chiếc áo dài gắn với nhiều kỷ niệm cay đắng, gian truân nhưng cũng vô cùng ngọt ngào của cả gia đình. Cô bé nghẹn ngào đứng đọc bài văn của mình trước cả lớp, nhớ lại từng sự kiện thân yêu gắn liền với chiếc áo. Bất ngờ, một tiếng nổ khủng khiếp xé nát cả không gian, xóa nhòa vĩnh viễn tất cả những gương mặt thân quen vừa hiện diện. Nghe tin trường học bị đánh bom, Dần chạy như điên đến trường, lật tung những tấm chiếu cuồng loạn tìm con. Và cô gào lên thảm thiết, khi nhận ra khuôn mặt đứa con thân yêu nằm đó, trong số những nạn nhân bé nhỏ tội nghiệp của chiến tranh ác nghiệt.
Chiến tranh tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của An. Thế nhưng không dừng lại ở đấy, mọi chuyện lại trở nên vô cùng nghiệt ngã. Trong một lần đi cào hến trong mưa lớn, vì muốn vớt vài cành củi để bán lấy tiền may áo dài cho Ngô (đứa con thứ 2), Dần đã bị dòng nước lũ cuốn đi. Thiên tai khắc nghiệt đã cướp đi mạng sống của người mẹ và một lần nữa chiến tranh lại cướp đi sinh mạng của người cha. Trong một lần sơ tán, vì cố gắng tìm kiếm và bảo vệ chiếc áo lụa Hà Đông của vợ, của con gái, anh Gù đã chết trong ngọn lửa của chiến tranh tàn ác. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh đất nước hòa bình năm 1975, thứ mà An đã hỏi bố trước đó: "Bố ơi hòa bình có đẹp không hả bố?". Thế nhưng em không sống được đến khi được hưởng hòa bình.Áo lụa Hà Đông đạt được thành công lớn khi đạt 5 giải Cánh diều vàng 2006 cho: Phim truyện nhựa xuất sắc nhất; Quay phim xuất sắc: Trinh Hoan, Nguyễn Tranh; Âm thanh xuất sắc: Des O'Neill; Đạo diễn phim nhựa xuất sắc: Lưu Huỳnh; Nam diễn viên chính xuất sắc: Quốc Khánh. Liên hoan phim quốc tế Busan 2006: Giải bình chọn của khán giả dành cho đạo diễn Lưu Huỳnh, không những thế bộ phim còn đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự đề cử giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất lần thứ 80.
-
Đừng đốt (tựa Anh: Don't Burn) là một bộ phim theo dòng chính kịch lịch sử được sản xuất vào năm 2009 do Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản. Dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bộ phim đã tạo tiếng vang lớn khi công chiếu. Bộ phim đi sâu khai thác đời sống nội tâm sâu sắc, khắc họa rõ nét vẻ đẹp tâm hồn, lòng trắc ẩn của nữ bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm ( do diễn viên Minh Hương đảm nhiệm) đồng thời cũng chính là vẻ đẹp tinh thần và bản lĩnh chiến đấu của lớp thanh niên Việt Nam. Ngoài ra bộ phim còn thể hiện lòng bao dung của con người Việt Nam, chứng minh tình yêu thương xóa nhòa vết thương lịch sử. Đừng đốt, trong đó đã có lửa là một bộ phim chân thực, dung dị nhưng chứa đựng tính dân tộc lớn lao và mạnh mẽ.
Phim ra mắt tại Liên hoan Phim Fukuoka lần thứ 19 tại Nhật Bản và giành giải khán giả bình chọn. Bộ phim được phát hành cuối tháng 4 năm 2009 tại Việt Nam và được chiếu ở Liên hoan Phim Quốc tế ASEM tại Hà Nội giữa tháng 5 năm 2009. Đừng đốt đã giành được giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010 bao gồm Phim nhựa xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Minh Hương), Đạo diễn xuất sắc (Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh), Họa sĩ xuất sắc (Nghệ sĩ ưu tú Phạm Quốc Trung), Âm thanh xuất sắc (Nghệ sĩ ưu tú Bành Bắc Hải) và Giải phim khán giả bình chọn. Đây cũng là bộ phim được chọn để tham dự giải Oscar.
-
Mùi cỏ cháy là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội, chiến tranh. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội là: Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh còn Hoàng thì may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa.
Mùi cỏ cháy do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Kịch bản của phim do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đảm nhiệm, đặc biệt dựa trên quyển nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Khởi quay từ tháng 12/2010, bộ phim được đặc cách tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, được công chiếu giới thiệu tại Lễ Khai mạc tuần phim và đoạt giải Bông Sen Bạc. Ngày 17/3/2012, phim đã được trao 4 giải Cánh diều vàng cho phim điện ảnh xuất sắc, âm nhạc xuất sắc (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân), biên kịch xuất sắc (Hoàng Nhuận Cầm) và quay phim xuất sắc nhất (Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà) tại Lễ trao giải Cánh diều Vàng năm 2011. Bộ phim được Cục Điện ảnh chọn chiếu khai mạc đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn tháng 4-5/2012 và tiếp tục công chiếu trong tuần phim kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2012.
Mặc dù còn nhiều hạn chế trong việc tạo dựng bối cảnh, bộ phim vẫn được đánh giá cao về tính nhân văn sâu sắc khi truyền tải những khát vọng, tình cảm cũng như tôn vinh sự hy sinh cao cả của lớp thanh niên trẻ trong thời kỳ kháng chiến.
-
Những người viết huyền thoại (tiếng Anh: The Legend Makers) là 1 bộ phim hành động - chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, công chiếu vào năm 2013. Những người viết huyền thoại lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thời kỳ những năm 1960. Cốt truyện của bộ phim là công cuộc xây dựng đường ống xăng dầu chạy từ biên giới phía Bắc đến miền Đông Nam Bộ của đoàn 556 dưới sự chỉ huy của nhân vật tướng Dinh (NSƯT Hoàng Hải thủ vai) dựa trên nguyên mẫu là Thượng tướng Đinh Đức Thiện.
Phim Những người viết huyền thoại với nội dung xoay quanh những người lính cần mẫn gùi xăng xuyên qua cánh rừng nhiệt đới phủ đầy mìn lá, những chiếc xe vận tải chở xăng nổ tung dưới hỏa lực oanh tạc cơ, những cái chết bất ngờ, những tổn thất triền miên hết mùa khô tới mùa mưa dai dẳng. Mỗi thùng phuy xăng vào được chiến trường phải trả bằng máu xương hàng trăm ngàn chiến sĩ…Đối lập với cảnh rừng núi gian nguy, hiểm trở là tinh thần quả cảm, chiến đấu không ngừng nghỉ của những người lính. Bộ phim gây ấn tượng bằng những cảnh quay thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ. Những cảnh quay lãng mạn về tình yêu của người lính cũng giúp cảm xúc của người xem trọn vẹn hơn.