Top 12 Thương hiệu làng nghề nổi tiếng Hà Nội

Hà Nội nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng. Tìm hiểu về làng nghề truyền thống là cách để hiểu thêm về vùng đất lịch sử này.... xem thêm...

  1. Làng nghề làm gốm Bát Tràng tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội có thương hiệu 500 năm nay. Làng Bát Tràng cách trung tâm Hà Nội khoảng 14km. Làng gốm Bát Tràng hình thành từ thời nhà Lý khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng Ninh Bình dời làng về Thăng Long lập nghiệp. Thấy đất ở vùng Bát Tràng, Gia Lâm có đất sét trắng tốt để làm gốm, 5 dòng họ này đã liên kết mở lò sản xuất gốm tại đây. Sản phẩm gốm Bát Tràng thời đó không chỉ được dùng làm vật dụng cho vua chúa mà nhiều người dân lao động nghèo cũng yêu thích sử dụng.

    Các sản phẩm gốm Bát Tràng không chỉ chất lượng cao trong nguyên liệu mà còn kết hợp thêm kỹ thuật làm gốm như kỹ thuật làm men lam, kỹ thuật vẽ họa tiết tinh xảo,... Sản phẩm làm ra không những hữu ích trong sử dụng mà còn đẹp về mặt thẩm mỹ. Sản phẩm gốm Bát Tràng có rất nhiều chủng loại như bình hoa, chậu cây, ấm chén, tranh tường, chuông gió,...


    Giá cả các sản phẩm ở đây có thể từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn hoặc vài chục - trăm triệu tùy theo độ tinh xảo, chất lượng hay kích cỡ sản phẩm. Nếu bạn chỉ đến tham quan thì có thể chọn hình thức dịch vụ làm những sản phẩm gốm cho riêng mình, giá dịch vụ khoảng 50.000 - 70.000 VNĐ. Chỉ cách Hà Nội khoảng 14 km về phía Đông - Nam, bạn có thể dễ dàng tới Làng gốm Bát Tràng bằng xe bus hoặc xe máy, bạn bắt xe ra bến xe Long Biên rồi bắt tiếp xe 47, khoảng 30 phút với chi phí 9.000 VNĐ bạn sẽ được đưa đến tận cổng làng.

    Làng gốm Bát Tràng
    Làng gốm Bát Tràng
    Trải nghiệm của du khách tại Làng gốm Bát Tràng
    Trải nghiệm của du khách tại Làng gốm Bát Tràng

  2. Làng lụa Hà Đông hay còn gọi là làng lụa Vạn Phúc, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước, lụa ở đây từng được chọn may trang phục cho triều đình. Làng nằm bên bờ sông Nhuệ vẫn còn ít nhiều giữ được nét cổ kính xưa kia với cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình. Xưa kia, làng được bà A Lã Thị Nương dạy dân cách làm ăn và truyền nghề lụa, sau bà mất được phong làm thành hoàng làng.

    Sản phẩm lụa Vạn Phúc đa dạng như: lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi. Điểm đặc biệt ở những tấm lụa truyền thống được dệt nên từ chất liệu tơ tằm tự nhiên, mang nét mềm mại, mịn óng, và tinh tế mà không nơi nào có được. Giá các sản phẩm lụa ở đây rất đa dạng và rẻ hơn trong trung tâm thành phố rất nhiều. Lụa tốt nhất ở đây có giá từ 230.000 - 550.000 VNĐ/m vải.

    Bạn có thể đến làng lụa Vạn Phúc bằng xe máy theo đường Tố Hữu (đường Lê Văn Lương kéo dài) bạn đi khoảng 10 phút sẽ tới ngã tư khu đô thị mới Vạn Phúc, rẽ trái đi tiếp 1km nữa sẽ tới làng.

    Làng lụa Vạn Phúc
    Làng lụa Vạn Phúc
    Làng lụa Vạn Phúc
    Làng lụa Vạn Phúc
  3. Làng nghề Phú Vinh ở Gò Đậu, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội, nổi tiếng với nghề mây tre đan có từ khoảng thế kỷ 17 cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Làng nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan tinh tế, đẹp mắt từ những vật dụng như rổ, rá,... đến những đồ lưu niệm, trang trí như câu đối, khung ảnh, hoàng phi,... hoặc những đồ vật như bàn ghế, bình hoa,...

    Nguyên liệu làm nên những sản phẩm được người thợ chọn lựa rất tỉ mỉ từ vùng cao đem về xử lý cẩn thận: tre phơi tái, cạo vỏ, đánh bóng, sấy, chẻ nhỏ,... Mỗi công đoạn đòi hỏi thời gian và kỹ thuật chuẩn mực. Giá cả các sản phẩm mây tre đan dao động trong khoảng vài chục nghìn tới vài triệu/sản phẩm.

    Từ trung tâm Hà Nội đi đến Hà Đông rồi tiếp đến ngã 3 ba Ba La Bông Đỏ đi thẳng chừng 20km là đến làng mây tre đan Phú Vinh ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.

    Làng mây tre đan Phú Vinh
    Làng mây tre đan Phú Vinh
    Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh
    Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh
  4. Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá nằm dưới chân núi Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) không chỉ được biết đến với món đặc sản chè Lam mà còn nổi tiếng bởi nghề làm chuồn chuồn tre độc đáo. Làng có địa chỉ tại xóm chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Từ trung tâm Hà Nội, bạn theo đường đại lộ Thăng Long khoảng 25km rồi rẽ vào là tới. Bạn có thể bắt xe bus 73 Bến xe Mỹ Đình - Chùa Thầy rồi đi tiếp đến chùa Tây Phương.

    Những con chuồn chuồn làm từ tre dân dã rồi phủ lớp sơn sặc sỡ với những hình vẽ độc đáo. Công đoạn làm ra sản phẩm rất cầu kì chi tiết từ chọn vật liệu đến vót tre đảm bảo cân xứng, giúp chuồn chuồn đứng được thăng bằng trên tay. Những con chuồn chuồn tre có nhiều kích cỡ khác nhau 12cm, 15cm, 18cm. Ngoài những chú chuồn chuồn tre, làng Thạch Xá còn cung cấp thêm các sản phẩm như bươm bướm tre, đèn ngủ, đèn trang trí bằng tre,...

    Giá mỗi con chuồn chuồn dao động trong khoảng 3.000 - 20.000 VNĐ.

    Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá
    Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá
    Sản phẩm chuồn chuồn tre tại làng Thạch Xá
    Sản phẩm chuồn chuồn tre tại làng Thạch Xá
  5. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, làng hoa Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm, nổi tiếng là vùng cung cấp hoa tươi chính cho thủ đô và nhiều tỉnh thành lân cận.Người dân ở đây có truyền thống trồng hoa lâu đời đặc biệt vào những dịp lễ Tết làng hoa Tây Tựu lại càng trở nên tấp nập. Không những thế nơi đây còn là điểm du lịch, chụp ảnh lý tưởng cho các bạn trẻ. Nhiều người đến nơi đây với mục đích mua hoa thì ít mà chụp ảnh kỷ niệm thì nhiều.


    Giá vào vườn hoa chụp ảnh có thể dao động trong khoảng 20.000 - 50.000 VNĐ.


    Để đến làng hoa Tây Tựu bạn đi từ đường Hồ Tùng Mậu - đường 32 đến Trạm Trôi gần Đại học Công Nghiệp rẽ phải đi khoảng 2km nữa thì tới, hoặc bạn có thể bắt xe bus 29.

    Làng hoa Tây Tựu
    Làng hoa Tây Tựu
    Làng hoa Tây Tựu
    Làng hoa Tây Tựu
  6. Làng đúc đồng Ngũ Xã thuộc phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội. Nguồn gốc của làng bắt nguồn từ thế kỷ 17. Nghề đúc đồng thời ấy được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Đáng tiếc, sau này do kinh tế thị trường phát triển làng nghề đúc đồng bị mai một nhiều mà chuyển sang dịch vụ ẩm thực với món ăn phở cuốn nổi tiếng. Bạn vẫn có thể tham quan các sản phẩm của làng nghề tại 178 Trấn Vũ, Ba Đình.

    Đến làng Ngũ Xã bạn xuất phát từ Hồ Gươm, đến phố Chả Cá - Hàng Lược - Hàng Than rồi rẽ vào đường Nguyễn Khắc Nhu đi hết đường là tới đường Ngũ Xã dẫn vào làng. Xe bus đi đến làng có những xe sau: 33, 31, 41, 50, 55, 58.

    Làng đúc đồng Ngũ Xã
    Làng đúc đồng Ngũ Xã
    Làng đúc đồng Ngũ Xã
    Làng đúc đồng Ngũ Xã
  7. Làng kim hoàn Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai) là một trong 4 làng nghề kim hoàn truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ, có từ thế kỷ thứ VII, thời Tiền Lý. Chung số phận như làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, làng kim hoàn Định Công cũng đang bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, làng nghề đang bị mai một dần, làng còn hai nghệ nhân là ông Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu là giữ được nghề.


    Muốn đến tham quan làng kim hoàn Định Công, bạn đi từ đường Giải Phóng đến phố Định Công rẽ phải là đến, cũng có xe bus 12 đi đến gần làng, muốn vào trong bạn có thể đi bộ tiếp hoặc bắt xe ôm.

    Làng kim hoàn Định Công
    Làng kim hoàn Định Công
    Sản phẩm tại làng kim hoàn Định Công
    Sản phẩm tại làng kim hoàn Định Công
  8. Làng nón Chuông – Chương Mỹ nằm bên dòng sông Đáy, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội trên 30km, cách Hà Đông khoảng 20km. Sản phẩm nón của làng xưa kia nổi tiếng, được những cô gái thôn quê yêu thích, có nón long, nón dấu cho đàn ông, hay nón chuông để làm cống vật cho hoàng cung.

    Hiện nay làng vẫn giữ được nghề truyền thống, hàng tháng vẫn tiến hành họp chợ vào ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30. Giá nón vào khoảng 50.000 - 100.000 VNĐ/chiếc với chất lượng khá tốt.

    Bạn đi đường Nguyễn Trãi – Hà Đông, tới ngã ba Ba La rẽ trái vào Quốc lộ 21B theo hướng đi Chùa Hương, qua thị trấn Kim Bài khoảng 2km thì sẽ tới ngã 3 rẽ phải là vào được làng Chuông.

    Làng Chuông
    Làng Chuông
    Làng Chuông
    Làng Chuông
  9. Quạt Chàng Sơn là sản phẩm có tiếng tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nghề làm quạt ở đây có từ cách đây hơn 100 năm. Từ thế kỷ 19, những chiếc quạt Chàng Sơn đã được người Pháp đem đi triển lãm tại thủ đô Paris. Trước đây người Chàng Sơn chỉ coi nghề làm quạt như nghề phụ vào lúc nông nhàn, sau thấy nghề này có thể phát triển nuôi sống gia đình nên họ chuyển sang hẳn nghề này để nuôi sống bản thân và gia đình.

    Những chiếc quạt ở đây nổi tiếng bền, đẹp do trải qua những công đoạn tỉ mỉ từ chọn nguyên liệu tre thật dẻo, không mối mọt được ngâm trong nước ít nhất 3 tháng, giấy làm quạt phải là giấy dó giấy điệp để khi vẽ họa tiết lên màu thật đẹp. Những chiếc quạt giấy đơn giản có giá 5.000 VNĐ/chiếc, những chiếc cầu kỳ phức tạp hơn thì có giá khoảng 20.000 VNĐ.

    Để vào Làng quạt Chàng Sơn, bạn đi theo đường cao tốc Láng Hòa Lạc chừng 25km đến đoạn rẽ vào Thạch Thất thì rẽ phải rồi đi tiếp 10km nữa sẽ thấy biển chỉ vào chùa Tây Phương rồi rẽ phải vào Chàng Sơn.

    Làng quạt Chàng Sơn
    Làng quạt Chàng Sơn
    Trải nghiệm du khách tại làng quạt Chàng Sơn
    Trải nghiệm du khách tại làng quạt Chàng Sơn
  10. Làng rối nước Đào Thục tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội đã xuất hiện từ hơn 300 năm nay. Xưa kia, vào thời nhà Lê ông Nguyễn Đăng Vinh làm chức Nội giám khi về làng đã truyền dạy lại cho con cháu ba nghề: dệt vải, làm mộc và múa rối nước nhưng đến nay, làng Đào Thục chỉ còn gìn giữ và phát triển được nghề múa rối nước.

    Nếu bạn đến làng vào những ngày không có lễ hội bạn có thể tham quan quá trình người nghệ nhân đục, đẽo trạm khắc biến những khúc gỗ vô tri trở thành con rối sống động, có hồn. Bạn nên đi theo đoàn hoặc qua các công ty du lịch sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu tận tình hơn.

    Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi qua cầu Đuống, rẽ trái theo quốc lộ 3 đến thị trấn Đông Anh, rẽ phải đi khoảng 10km là đến làng Đào Thục.

    Làng rối nước Đào Thục
    Làng rối nước Đào Thục
    Làng rối nước Đào Thục
    Làng rối nước Đào Thục
  11. Nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nghề thêu Quất Động có khoảng gần 400 năm, từ giữa thế kỷ XVII, do Lê Công Hành truyền dạy nghề.


    Đến làng Quất Động, được tìm hiểu các công đoạn thêu từ vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hàng thêu. Nhìn những người thợ ở đây thao tác thật khéo léo, điêu luyện.


    Làng Quất Động cách trung tâm thành phố khoảng 23km về phía Nam. Từ trung tâm Hà Nội đi theo đường Giải Phóng đi thẳng tới thị trấn Văn Điển đi tiếp qua nhà máy Coca Cola Ngọc Hồi rồi chợ Vồi chừng 20km là thấy biển chỉ dẫn ngay bên đường.

    Làng nghề ren Quất Động
    Làng nghề ren Quất Động
    Làng nghề ren Quất Động
    Làng nghề ren Quất Động
  12. Làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Là làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Việt Nam, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà… cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu….


    Trong chuyến tham quan làng nghề, đến nhà ông Đào Văn Soạn, một người làm nghề lâu năm ở đây. Trong nhà ông có đủ các loại nhạc cụ từ nhị, thập, tam đến tỳ bà, loại gì cũng có. Ông cho biết: Nghề làm đàn đã gắn bó từ đời ông nội của ông, cho đến nay cũng khoảng hơn 200 năm. Nhưng ngạc nhiên hơn cả là những người làm nghề nhạc cụ nhưng không ai có kiến thức về âm nhạc mà lại làm ra được những cây đàn với âm hưởng trầm bổng khác nhau. Trước đây làng Đào Xá, có rất nhiều hộ gia đình làm nghề này, nhưng giờ đây thì còn lại ít lắm.

    Làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá
    Làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá
    Làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá
    Làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá


loading...