Top 10 Địa điểm du lịch tâm linh ở Huế

Huế - gợi nhắc cho con người ta nét hoài cổ, gợi nhớ dòng sông Hương êm đềm cùng tà áo dài sắc tím khó trộn lẫn. Huế - mảnh đất cố đô gắn liền với những sự ... xem thêm...

  1. Trung tâm văn hóa Huyền Trân hay còn gọi là đền thờ công chúa Huyền Trân tọa lạc tại 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, Tp Huế. Đền thờ mang trong mình chút phiêu bồng với cảnh sắc đậm chất thiền, nhưng cũng đậm sắc thái gần gũi từ những hình ảnh gắn liền với Phật giáo cũng như văn hóa Huế.


    Bà sinh vào năm 1287 đến năm 1293 thì vua Trần Nhân Tông thoái vị, hoàng thái tử Trần Thuyên lên nối ngôi lấy hiệu là hoàng đế Trần Anh Tông. Vua Trần Nhân Tông trở thành thái thượng hoàng, lên tu ở núi Yên Tử. Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được vua Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Trần Nhân Tông có hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java. Sau đó nhiều lần Chế Mân sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.


    Năm 1306, Chế Mân dâng châu Ô, châu Rý làm hồi môn, vua Trần Anh Tông đồng ý gả Huyền Trân cho Chế Mân. Huyền Trân về Chiêm Thành, được phong làm hoàng hậu Paramecvari. Một năm sau đó, khi hoàng hậu vừa sinh xong hoàng tử Chế Đa Đa, thì tháng 5 năm 1307, quốc vương Chế Mân băng hà. Thế tử Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang. Theo tục nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền, đưa Huyền Trân về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm và theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Trần Khắc Chung đã tư thông với công chúa.


    Tháng 8 năm Mậu Thân tức 1308, Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn - nay thuộc Bắc Ninh. Vào năm 1309, dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng. Cuối năm Tân Hợi tức 1311, Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự. Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn tức 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.


    Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần". Để ghi nhớ công ơn của Công chúa, Triều đình nhà Nguyễn đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, TP Huế, thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân. Tiếc là miếu thờ này ngày nay không còn. Đến đầu năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng. Một năm sau đó, ngày 26 tháng 3 năm 2007, công trình khánh thành nhân kỷ niệm tròn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân.

    Đền Huyền Trân Công Chúa
    Đền Huyền Trân Công Chúa
    Đền Huyền Trân Công Chúa
    Đền Huyền Trân Công Chúa

  2. Top 2

    Chùa Thiên Mụ

    Chùa Thiên Mụ là một trong những thắng cảnh đẹp được nhắc đến nhiều nhất tại Huế. Không chỉ đi vào những bài thơ lãng mạn của xứ Huế mà còn trong cả câu ca, Thiên Mụ cũng được coi là một ngôi chùa linh thiêng và những cảnh không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào khi đặt chân đến thủ đô cổ xưa này. Chùa Thiên Mụ (còn gọi là chùa Linh Mụ) nằm ở đồi Hà Khê, trên bờ bắc sông Hương, phường Kim Long. Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây. Được xây dựng vào năm 1601 bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong, chùa Thiên Mụ có thể được coi là ngôi chùa cổ nhất ở Huế.

    Nhờ sự gia tăng và thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Đàng Trong, chùa đã được xây dựng lại trong một quy mô đáng kể dưới thời Chúa Quốc - Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Năm 1710, chúa Quốc cho đúc chiếc chuông Đại Hồng Chung nặng tới trên hai tấn và có khắc một bài minh trên đó. Chúa sau đó mở rộng một loạt các dự án xây dựng. Điển hình năm 1714 là giai đoạn mở rộng lớn nhất trong lịch sử của chùa, cụ thể là điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... Nhiều công trình kiến trúc trong đó không còn tồn tại đến ngày nay. Chúa Quốc còn đích thân viết và khắc vào bia lớn (cao 2,6m và 1,2 m rộng) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn giản nhưng đẹp.


    Với vẻ đẹp tự nhiên của nó và quy mô mở rộng kể từ thời điểm đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất ở Đàng Trong. Thông qua các sự kiện lịch sử, chùa Thiên Mụ đã được tái phục hồi nhiều lần trong suốt triều đại của các vua nhà Nguyễn. Vua Thiệu Trị, người kế vị Minh Mạng, đã dựng lên Từ Nhân Tháp vào năm 1844, mà bây giờ được gọi là tháp Phước Duyên. Tháp cao 21m với hình dạng bát giác và có bảy tầng, mỗi tầng trong đó là dành cho một vị Phật khác nhau. Đứng trên tòa tháp du khách có thể nhìn dòng sông Hương phẳng lặng và ngắm những Du thuyền nhẹ trôi trên sông.

    Chùa Thiên Mụ
    được xếp là một trong 20 điểm đẹp nhất ở Huế. Trải qua nhiều sự mở rộng và đổi mới, bên cạnh các công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay là nơi có nhiều cổ vật quý trong cả lịch sử và nghệ thuật. Tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, Phật Di Lặc … hoặc câu đối ở đây đã đánh dấu lịch sử một thời đại vàng son của chùa Thiên Mụ.

    Đến với Huế, quả là thiếu sót nếu du khách không ghé qua chùa Thiên Mụ. Vì qua hàng trăm năm, mỗi công trình kiến trúc nơi đây đều chứa đựng sự trang trọng và là sự kết hợp hài hòa giữa tài hoa con người với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tham gia vào du lịch Huế nói chung, và Chùa Thiên Mụ nói riêng, du khách sẽ được thoải mái chìm đắm tâm trí trôi nhẹ theo sông Hương từ thượng đến hạ nguồn để cảm nhận cuộc sống khác trong Huế yên bình.

    Chùa Thiên Mụ
    Chùa Thiên Mụ
    Chùa Thiên Mụ
    Chùa Thiên Mụ
  3. Lăng Khải Định ở Huế được xây dựng trên triền núi Châu Chữ, nằm bên ngoài Kinh thành, cách khoảng 11km về phía nam. Lăng Khải Định (Ứng Lăng) đã trở thành biểu tượng, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.

    So quy mô với lăng của các vị vua triều Nguyễn khác, Ứng Lăng có diện tích nhỏ hơn nhiều (117m x 48.5m) nhưng rất kỳ công và tốn nhiều thời gian. Về kiến trúc lăng cũng được đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi sự mới lạ, ngông nghênh, và là kết quả pha trộn của nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như: Phật giáo, ấn Độ giáo, Roman, Gothique... trong sự giao thoa văn hóa Đông - Tây của buổi giao thời và cá tính của vua Khải Định.

    Tổng thể của lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn lên cao, với 127 bậc cấp:- Lối lên thăm lăng Khải Định vượt qua 37 bậc, với thành bậc được đắp rồng to lớn, trên sân có hai dãy Tả - Hữu tòng tự, ở hai bên xây kiểu chồng diêm hai lớp, tám mái, song các vì kèo lại bằng xi măng cốt thép.- Vượt thêm 29 bậc nữa là tới tầng sân bái đình. Hai bên sân, mỗi bên có 2 hàng tượng quan quân cùng nhìn vào giữa sân, đặc biệt là 6 cặp tượng linh túc vệ, được làm bằng chất liệu đá hiếm và đều có khí sắc.- Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất và là kiến trúc chính của lăng, nơi mà tài hoa của những người thợ được thể hiện sống động.

    Toàn bộ nội thất của 3 gian giữa đều được trang trí công phu bằng nghệ thuật khảm kính sứ. Cùng với tranh trên tường, dưới nền lát gạch men hoa và trên trần vẽ “Cửu long ẩn vân” tuyệt đẹp. Đặc biệt, chiếc bửu tán trong chính tẩm với những đường lượn mềm mại, thanh thoát như được làm bằng lụa, nhưng thực chất là một khối bê tông cốt thép nặng gần 1 tấn. Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của vua Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920. Toàn bộ trang trí bên trong cung Thiên Định không chỉ phản ánh những giá trị kiến trúc, đại diện cho hình ảnh lăng Khải Định mà còn đề cập đến tư tưởng của công trình và ý muốn của nhà vua.

    Cho dù bị lên án dưới nhiều góc độ, lăng vua Khải Định ở Huế đích thực là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc, làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm cố đô, trở thành điểm tham quan hút khách du lịch.

    Lăng Khải Định (Ứng Lăng)
    Lăng Khải Định (Ứng Lăng)
    Lăng Khải Định (Ứng Lăng)
    Lăng Khải Định (Ứng Lăng)
  4. Lăng Tự Đức (còn gọi là Khiêm Lăng) là một di tích lịch sử trong quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993. Đây là nơi chôn cất vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Nguyễn tức vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm), ông trị vì được 36 năm từ 1847-1883, là vị vua ở ngôi lâu nhất của nhà Nguyễn. Lăng Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ (萬年基), sau cuộc Loạn Chày Vôi, vua Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung (謙宮). Sau khi nhà vua băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng (謙陵).


    Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn, là nguồn gốc cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng. Mặc dù cuộc khởi nghĩa bị đàn áp nhưng do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội.


    Năm 1864 Lăng được khởi công xây dựng với 5 vạn binh lính tham gia. Năm 1866 Đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung. Năm 1873 Khiêm Cung được hoàn thành.


    Đây được coi là lăng tẩm đẹp nhất trong hệ thống lăng tẩm các vua chúa triều Nguyễn. Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình, và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn, hòa nhập với thiên nhiên. Không có đường nét thẳng tắp, góc cạnh, mà thay vào đó là sự hài hòa, uốn lượn như chìm hẳn vào thiên nhiên, dù cho công trình là hoàn toàn do tay con người kiến tạo. Nhìn chung, tổng thể kiến trúc này đầy trang trọng và mỹ thuật cao được cấu tạo hài hòa giữa đồi núi nhấp nhô, cây cỏ tốt tươi, rừng thông xanh biếc, khe hồ nước chảy du dương thành một khung cảnh êm đềm thơ mộng và hết sức tươi đẹp, phảng phất nét u trầm thanh nhã như tâm hồn mẫn cảm, yêu thích thiên nhiên và nghệ thuật của vị vua hiền đức hiếu thảo, được người đời mệnh danh là "ông vua thi sĩ".


    Với những đường nét mềm mại, Lăng Tự Đức như một bức tranh sơn thủy tuyệt mỹ, lăng được liệt vào một trong những công trình đẹp nhất thế kỉ XIX.

    Lăng Tự Đức  (Khiêm Lăng)
    Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng)
    Lăng Tự Đức  (Khiêm Lăng)
    Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng)
  5. Top 5

    Đại Nội Huế

    Đại Nội Huế (tên thường gọi chung cho Hoàng thành và Tử Cấm thành Huế) là điểm du lịch tham quan nổi tiếng nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, với quần thể kiến trúc cung đình vàng son một thuở.


    Đại Nội Huế là nơi sinh hoạt và là trung tâm hành chính của triều đình phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Bắt đầu từ vua Gia Long, 13 vị vua của hoàng gia nhà Nguyễn đã sinh sống liên tục cho đến khi triều đại kết thúc sau tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại vào tháng 8 năm 1945. Đại Nội Huế có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt với cửa chính nằm ở phía Nam là Ngọ Môn, phía Bắc là cửa Hòa Bình, phía Tây là cửa Chương Đức và phía đông là cửa Hiển Nhơn. Trước mặt Ngọ Môn là Kỳ đài Huế và quảng trường, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ vào dịp lễ tết. Hoàng thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong đều tuân thủ theo nguyên tắc "tả nam hữu nữ", "tả văn hữu võ".


    Đại nội Huế được chia thành các khu vực:

    • Khu vực Tử Cấm Thành: Chốn cung cấm dành riêng cho vua và gia đình ăn ở, làm việc và hưởng thụ được bao bọc xung quanh bởi nhiều cung điện như: Duyệt Thị Đường, Cần Chánh, Càn Thành, Kiến Trung, Khôn Thái.
    • Khu vực cử hành đại lễ: Bao gồm từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa, nơi diễn ra các cuộc lễ Đăng quang, tiếp sứ các bộ ngoại giao quan trọng, mừng sinh nhật vua, lễ Quốc Khánh, lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô, lễ vạn Thọ.
    • Khu vực miếu thờ: Được bố trí ở phía trước dọc theo hai bên trục Hoàng thành, nơi thờ phục các vua chúa nhà Nguyễn gồm Thế Miếu, Hưng Miếu, Thái Miếu và Tổ Miếu.
    • Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh: Là khu vực dành cho bà nội và mẹ vua, gồm hệ thống cung Trường Sanh dành cho Thái Hoàng Thái Hậu và cung Diên Thọ dành cho Hoàng Thái Hậu, ngoài ra có điện Phụng Tiên dành cho phái nữ đến lễ vì không được phép vào Thế Miếu.
    • Khu vực vườn Cơ hạ, điện Khâm văn: Là nơi học tập, vui chơi và nghe các đại thần uyên bác giảng giải kinh sách cho các hoàng tử thời các vua Thiệu Trị, Tự Đức.
    Đại Nội Huế
    Đại Nội Huế
    Đại Nội Huế
    Đại Nội Huế
  6. Top 6

    Chùa Từ Đàm

    Chùa Từ Đàm do Hòa thượng Minh Hoằng - Tử Dung (quê ở Trung Quốc, thuộc dòng Thiền, phái Lâm Tế thứ 34) tạo dựng vào khoảng năm 1695. Chùa ban đầu có tên là Ấn Tôn với ý nghĩa là lấy sự truyền tâm làm tông chỉ của chùa. Năm 1703, Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung cho trùng tu và sửa chữa lại chùa. Cũng vào thời điểm này, chúa Nguyễn Phúc Chu – vị chúa Nguyễn thứ 6 của chính quyền Đàng trong đã sắc phong cho chùa là “Sắc Tứ Ấn Tôn Tự”. Giống các ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Từ Đàm có kiến trúc phối hợp giữa đường nét nghệ thuật kiến trúc truyền thống và hiện đại. Ngôi chùa tọa lạc trong không gian rộng rãi, thoáng mát với nhiều cây cảnh bao quanh. Kiến trúc chùa gồm ba phần là cổng tam quan, chùa chính và nhà Hội. Cổng tam quan (loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa truyền thống Việt Nam) chùa cao, rộng, có mái ngói thanh nhã. Phía sau cổng có cây bồ đề quanh năm tỏa bóng mát. Được biết, đây là cây bồ đề được chiết ra từ cây bồ đề nơi Phật đắc đạo do bà Karpeies - hội trưởng hội Phật học Pháp thỉnh từ Ấn Độ qua Việt Nam tặng và được trồng vào năm 1936. Sân chùa rộng, được lát đá bằng phẳng, thoáng mát, đủ chỗ để tập trung hàng nghìn người.


    Chùa chính gồm tiền đường, chính điện và nhà Tổ. Tiền đường được xây trên nền móng bằng đá hoa cương, cao 1,5m; mái xây kiểu cổ lầu tạo cho ngôi chùa có hình dáng cao hơn bình thường. Ở các bờ mái và trên nóc chùa là những cặp rồng uốn cong, mềm mại đối xứng nổi lên trên những dãy ngói âm dương trông rất cân đối, hài hòa và đẹp mắt. Dưới mái cổ lầu là những bức tượng đắp nổi về sự tích đức Phật, bố cục gọn gàng trên các khung đúc. Dọc theo các cột trụ tiền đường là các bức câu đối dài nét chữ chạm khắc sắc sảo. Hai bên trái và phải sát với tiền đường có hai lầu chuông trống. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, chính giữa là pho tượng đức Thế tôn Thích ca mâu ni ngồi uy nghi trên tòa sen, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát Văn Thù và Phố Hiền. Chùa Từ Đàm thờ độc tôn nên cách bài trí và thờ tự trong điện có phần đơn giản so với các ngôi chùa khác ở xứ Huế. Phía bên phải chánh điện là nhà khách và phòng Tăng. Trước nhà khách có một vườn hoa nhỏ, ở giữa vườn có tượng bán thân của cư sĩ Tâm Minh, là người có nhiều công lao với chùa và trong phong trào phục hưng và phát triển Phật giáo Việt Nam.


    Chùa Từ Đàm thường xuyên đón tiếp các vị Tôn đức lãnh đạo Phật giáo ở các nước, chư vị học giả, trí thức và nhiều đoàn du khách, Phật tử trong nước và ngoài nước đến tham quan, lễ Phật. Đến đây, ngoài tìm hiểu lịch sử ngôi chùa du khách còn được chiêm ngưỡng kiến trúc, cảnh quan tuyệt đẹp trong chùa.

    Chùa Từ Đàm
    Chùa Từ Đàm
    Chùa Từ Đàm
    Chùa Từ Đàm
  7. Chùa Thiền Lâm hay còn gọi chùa “Phật đứng - Phật nằm” lạc trên đồi Quảng Tế, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, vị trí vô cùng đắc địa với phong cảnh thiên nhiên vô cùng tuyệt đẹp và thoáng mát. được Hoà thượng Hộ Nhẫn xây dựng năm 1960 với hình hài ban đầu chỉ là một Cốc nhỏ. Đến hiện tại, chùa là quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc như tượng, tháp mộ, tháp Phật, nhà tăng chúng... ở nhiều vị trí khác nhau. Và Chùa Thiền Lâm là ngôi cổ tự duy nhất theo phái Nam Tông được kế thừa từ kiến trúc truyền thống của các quốc gia Phật giáo trên thế giới, rất khác biệt so với những ngôi chùa ở Huế.


    Khó có ngôi chùa nào ở Huế có hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phong phú như tại chùa Thiền Lâm. Chùa có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở khắp nơi. Ngay ngã ba dưới chân đồi Quảng Tế, du khách sẽ trông thấy một pho tượng "Thế Tôn khất thực" cao khoảng 8 mét. Trên đường vào khuôn viên chùa, du khách sẽ nhìn thấy bảo tượng Thế Tôn Niết Bàn nằm dài hơn 7m ở phía bên trái. Chính từ hai tôn tượng này mà chùa Thiền Lâm còn được gọi là "chùa Phật đứng - Phật nằm". Vào đến chùa, tận cùng khuôn viên ở bên trái là ngôi bảo tháp màu trắng đỉnh vàng cao vút, uy nghi mà thanh thoát giữa nền trời. Bảo tháp có 2 phần: tầng dưới là chánh điện; tầng trên tôn trí Xá lợi Phật Thích Ca và chư Thánh tăng.

    Chùa Thiền Lâm - Chùa “Phật Đứng - Phật Nằm”
    Chùa Thiền Lâm - Chùa “Phật Đứng - Phật Nằm”
    Chùa Thiền Lâm - Chùa “Phật Đứng - Phật Nằm”
    Chùa Thiền Lâm - Chùa “Phật Đứng - Phật Nằm”
  8. Top 8

    Thiền viện Trúc Lâm

    Thiền viện Trúc Lâm - Bạch Mã là địa điểm thiên về du lịch tâm linh tại miền đất Cố Đô bạn nên đến khi muốn tìm kiếm một địa điểm nổi tiếng về du lịch tâm linh. Thiền viện Trúc Lâm là một thiền viện thuộc phái thiền Trúc Lâm Yên Tử được sáng lập bởi Hòa Thượng Tôn Sư Thượng Thanh Hạ Từ, thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, giữa lòng hồ Truồi nước trong xanh im lìm thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc đem đến cho khách ghế đến cảm giác yên bình, thư thái cà sự hòa mình với thiên nhiên trong lành.


    Du khách đi phà giữa lòng hồ Truồi để đến thiền viện Trúc Lâm. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ẩn hiện trong màu lam khói như bức tranh thủy mặc thấp thoáng tuyệt đẹp. Nhìn xa xa, Thiền viện bật lên nét đẹp của một bán đảo xanh ngắt nằm giữa núi rừng soi mình xuống dòng nước trong trong vắt. Để đến được thiền viện du khách cần đi qua 172 bậc tam cấp - như là một sự thử thách lòng chân thành của du khách ở nơi đất Phật


    Sự tĩnh lặng tỏa ra từ núi rừng, màu xanh cây cối trải dài trùng điệp, mây khói vương vít ôm lấy đỉnh đồi, tiếng chim văng vẳng đáp lời nhau, tất cả như thổi vào lòng du khách một cảm giác thư thái, bình yên đến thoát tục mà Thiền Viện Trúc Lâm đem đến cho du khách. Thêm vào đó, ở Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tiếng chuông chùa vang vọng khắp bốn phương, hòa mình với tiếng hót thánh thót của chim muông và thi thoảng những tiếng thú rừng tạo nên không gian thanh thoát, lắng đọng.

    Thiền viện Trúc Lâm
    Thiền viện Trúc Lâm
    Thiền viện Trúc Lâm
    Thiền viện Trúc Lâm
  9. Top 9

    Chùa Thánh Duyên

    Chùa Thánh Duyên là địa điểm tiếp theo nằm trong những địa điểm du lịch tâm linh dành cho du khách khi đến với Huế. Chùa Thánh Duyên được xây dựng trên núi Túy Vân - một hòn núi nhỏ gần cửa Tư Hiền, nay thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc.


    Chùa được xây dựng vào nửa sau thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần sau đó được chúa Nguyễn Phúc Chu cho tu sửa lại vào năm Nhâm Thân. Và được vua Minh Mạng cho tu sửa lại vào năm 1825 và đặt tên là Chùa Thánh Duyên vào năm 1836 với sự xây thêm Ðại Từ Các và Tháp Ðiều Ngự.


    Chùa Thánh Duyên được xây dựng theo phong cách kiến trúc Nguyễn đặc trưng "trùng thiềm điệp ốc", với bố cục chùa Thánh Duyên - Các Ðại Từ - Tháp Ðiều Ngự. Chùa Thánh Duyên bao gồm Chùa ba gian hai chái, có la thành. Phía sau chùa là Đại Từ Các, cấu trúc ba gian có nghi môn và la thành bao quanh. Ở đỉnh núi là Tháp Điều Ngự 3 tầng, cao khoảng 12m. Sau tháp có một ngôi đình nhỏ, trước đình có bình phong long mã, xung quanh có la thành.Chùa chính có 3 án thờ và 2 án tòng sự thờ Phật Tam Thế, Quan Âm, 18 vị La Hán…, đặc biệt là tượng 18 vị La Hán đầu bằng đồng.

    Chùa Thánh Duyên
    Chùa Thánh Duyên
    Chùa Thánh Duyên
    Chùa Thánh Duyên
  10. Top 10

    Điện Hòn Chén

    Điện Hòn Chén là cái tên cuối cùng nằm trong những địa điểm du lịch tâm linh khi đến với Huế mà Toplist muốn đề xuất với bạn. Điện Hòn Chén, một di tích tôn giáo và danh thắng nổi tiếng thuộc quần thể di tích cố đô Huế, thuộc địa bàn làng Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà.


    Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Điện Hòn Chén bao gồm Minh Kính Đài tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ.


    Minh Kính Đài chính là nơi tổ chức tế lễ ở điện Hòn Chén. Minh Kính Đài chia làm 3 cung, theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Đệ nhất cung - Đệ nhị cung - Đệ tam cung. Minh Kính Đài là một công trình kiến trúc tiêu biểu lấy hình ảnh con phụng để trang trí. Trên các nóc nhà, hình phụng được thể hiện bằng nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo, khiến du khách có cảm tưởng những con chim phụng như từ núi rừng tụ hội về đây, báo hiệu những điềm lành cho mảnh đất thiêng liêng này.

    Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo. Vì thế, nơi đây thu hút đông đảo du khách đến tham quan nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.

    Điện Hòn Chén
    Điện Hòn Chén
    Điện Hòn Chén
    Điện Hòn Chén


loading...