Top 10 Con sông nổi tiếng và đẹp nhất Việt Nam

Rất nhiều con sông đã đi cùng năm tháng, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Trong số ấy phải kể đến sông Hồng, sông Đà, sông Nho Quế, sông ... xem thêm...

  1. Sông Cửu Long thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, đây được mệnh danh là vựa lúa của cả nước. Sông Cửu Long (hay còn gọi là sông MêKông) là 1 trong những con sông dài nhất trên thế giới. Sông bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua 4 nước là Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia trước khi chảy vào Việt Nam rồi đổ ra biển Đông theo 9 cửa sông. Cũng chính vì vậy mà nó có tên là sông Cửu Long, tức là 9 con rồng cùng đổ ra biển.


    Cửu Long là tên gọi đoạn sông Mekong chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Mekong theo ngôn ngữ Lào có nghĩa là sông Mẹ, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng dài 4.500 km, là con sông dài thứ 12 trên thế giới chảy qua các quốc gia: Trung Hoa, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Sông còn có nhiều tên khác là Dza Chu, Lạn Thương Giang, Mea Nam Không, Tonlé Thom, Cửu Long...theo cách gọi của cư dân các nước mà nó đi qua. Khác với sông Nile (Ai Cập) và sông Hằng (Ấn Độ), dường như đã không có một nền văn hoá sông Mekong thuần nhất: Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia thuộc văn hoá Nam Á trong khi Trung Hoa, Việt Nam thuộc nền văn hoá Ðông Á.

    Sông Cửu Long là con sông đã mang lại phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng Tây Nam Bộ của Việt Nam, vì thế, vùng đất này còn gọi là Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đồng thời nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam...Sông còn là nguồn cung cấp thủy sản và cũng là mạng lưới giao thông quan trọng trong vùng. Sông Cửu Long đã bồi đắp cho vùng phía Tây Nam Việt Nam một dãy đồng bằng màu mỡ, được mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam. Nơi đây có những cánh đồng lúa bao la, mùa thì xanh rì sóng nhấp nhô theo gió, mùa thì trĩu nặng hạt vàng tỏa ngát hương thơm.

    Sông Cửu Long
    Sông Cửu Long
    Sông Cửu Long
    Sông Cửu Long

  2. Một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất khi đến với Hà Giang, chính là sông Nho Quế, con sông nổi tiếng dưới chân đèo Mã Pí Lèng huyền thoại. Để khám phá trọn vẹn dòng sông Nho Quế, bạn có thể đi xe máy theo lối mòn của dân bản địa vẫn hay đi lại trên sườn núi chạy song song với dòng sông phía dưới, nhiều đoạn phải đi đường vòng vì vực sâu, núi cao chia cắt. Hai bên là vách núi cao dựng đứng tạo thành một khe núi vừa sâu vừa hẹp, cùng với tiếng rì rầm của sông Nho Quế chảy dưới chân đem đến một cảm giác khó tả, vừa hân hoan vui sướng vừa đắm mình trong không gian bao la của núi đá mây trời.


    Sông Nho Quế là một địa danh nổi tiếng chắc chắn bạn sẽ được giới thiệu khi đến Hà Giang. Con sông này được bắt đầu từ vùng núi Nghiễm Sơn – Vân Nam (Trung Quốc) chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam về với Việt Nam. Thực ra con sông này không chỉ chảy ở tỉnh Hà Giang mà còn chảy trên địa phận Cao Bằng. Tuy nhiên phần đầu sông chảy từ thôn Séo Lủng xã Lũng Cú đi qua Hẻm Tu Sản lại được xem là đoạn có cảnh sắc ngoạn mục, say đắm lòng người nhất. Để có thể ngắm trọn vẻ đẹp của sông Nho Quế, các du khách thường chọn dừng chân ở đèo Mã Pí Lèng. Dù con đường đèo này nổi tiếng là hiểm trở với một bên là vách đá, một bên là vực thẳm. Cùng với đó là sương mù hầu như lúc nào cũng bao phủ trên đường khó quan sát được những khúc cua tay áo.


    Tuy nhiên ai cũng muốn chinh phục được quãng đường đèo 20km này nhất là các phượt thủ chuyên nghiệp. Bởi đi trên đỉnh đèo nhìn xuống vực sâu hàng nghìn mét chúng ta sẽ thấy được trọn vẹn vẻ đẹp của con sông và cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên Hà Giang. Nếu bạn đã từng đứng trên đèo Mã Pí Lèng và ngắm nhìn sông Nho Quế từ trên cao thì chắc chắn cũng muốn một lần được chạm tay xuống dòng sông xanh biếc. Vậy thì không cần phải băn khoăn nhiều hãy tham gia ngay một chuyến đi thuyền trên dòng sông này.

    Sông Nho Quế
    Sông Nho Quế
    Sông Nho Quế
    Sông Nho Quế
  3. Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua Hội An. Sông hoài đối với người dân nơi đây nói riêng và du khách nói chung, như một biểu tượng không thể nào tách rời của phố cổ. Không chỉ vậy, dòng sông nhỏ hiền hòa này còn gắn liền với cuộc sống mưu sinh của nhiều dân cư nơi phố Hội. Nghề chính của họ là chèo thuyền, đưa khách du lịch tham quan. Điểm hấp dẫn nơi đây là các con thuyền đều không sử dụng bất cứ động cơ máy nào mà chỉ chèo thuyền truyền thống. Điều này khiến du khách được cảm nhận rõ rệt nhất về sự cổ kính và nét giản dị, gần gũi nơi đây. Không chỉ ngắm nhìn cảnh đẹp nới phố cổ Hội An, du khách còn được nghe nhiều câu chuyện thường ngày thú vị từ những người lái đò. Cùng tiếng mái chèo khua theo dòng nước giữa không gian yên bình của miền đất phố cổ trong mỗi người cứ thế đầy lên.


    Sông Hoài, dòng sông nhỏ êm đềm chảy qua phố cổ, món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho Hội An, chẳng những đem lại hơi nước mát lành cho phố thị mà còn tạo ra một cảnh quan trên bến dưới thuyền độc đáo và những đêm hội hoa đăng đầy ấn tượng. Ban ngày, những mái chèo nhẹ lướt khua động làn nước soi bóng phố cổ, mây trời. Về đêm, ánh đèn lồng chiếu rọi muôn sắc màu, làm cho bức tranh phố và sông thêm phần sinh động. Mỗi dịp lễ hội, trên sông Hoài thu hút rất nhiều du khách, bởi đây là nơi lý tưởng nhất để ngắm phố cổ về đêm. Trên mặt nước sông Hoài khi đó không chỉ có ánh đèn lồng lấp lánh, huyền ảo mà còn ánh sáng hoa đăng lung linh, kỳ thú, hòa điệu với nét đẹp cổ kính, trầm lắng của đêm phố cổ. Vào những đêm rằm, những gì gọi là tinh túy nhất của Hội An được “khoe” với du khách. Lễ hội đêm rằm là sự sáng tạo của người dân phố cổ về phục hồi không gian xưa và tái hiện hoạt động của cư dân nơi này trong những năm đầu thế kỷ 20, khi nơi đây là một cảng thị sầm uất. Nếu đèn lồng là ánh mắt dịu dàng, đằm thắm của đêm phố cổ thì hoa đăng sông Hoài thật sự là một lễ hội của ánh sáng.


    Không chỉ có một dòng sông Hoài lung linh rực rỡ mà nhiều du khách biết đến qua những dịp lễ hội hoa đăng. Mà đây đó trên dòng sông Hoài, nơi nhộn nhịp những chiếc thuyền nan đưa đón khách lại qua hai bên bờ. Những chiếc ghe chở khách kiếm sống mưu sinh, những con người luôn mỉm cười với khó khăn làm đẹp thêm cho dòng sông, làm nên những khúc bình dị của cuộc sống.

    Sông Hoài
    Sông Hoài
    Sông Hoài
    Sông Hoài
  4. Sông Son hay còn có tên gọi khác là sông Tróc, một chi lưu của sông Gianh ở Bắc Trung Bộ nước ta. Dòng sông chảy hoàn toàn trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Một phần thượng nguồn của sông dài 7.729 m chảy ngầm trong các núi đá vôi ở phía Tây Quảng Bình. Con sông này chảy ra từ cửa động Phong Nha nằm trên đất làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Dòng sông Son thơ mộng với màu xanh thủy lục uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi Kẻ Bàng càng điểm xuyết thêm nét độc đáo nơi đây, mỗi khi du khách đến thăm Di sản Động Phong Nha. Đặc biệt, sông Son gắn với bao huyền thoại về sự chung thủy trong tình yêu để lại nhiều kỷ niệm nhất trong lòng du khách. Nằm ở phía nam đèo Ngang, Quảng Bình là vùng đất văn vật được nhiều người từng biết đến với những di tích lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng cả nước như: Đèo Đá Đẽo, bến đò Mẹ Suốt, động Phong Nha, động Tiên Sơn, vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, bãi biển Nhật Lệ, Đá Nhảy, suối nước nóng Bang…Trong đó có sông Son thơ mộng nơi đây gắn liền với câu chuyện tình yêu rất cảm động. Sông Son được nhiều du khách đánh giá là dòng sông còn nguyên sơ, một thắng cảnh tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây.

    Dòng sông Son thơ mộng với màu xanh thủy lục uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi Kẻ Bàng làm tô điểm thêm nét độc đáo mỗi khi du khách đến du lịch Quảng Bình tham quan Động Phong Nha.. Theo truyền thuyết, có nhiều cách hiểu về tên gọi của dòng sông này. Tuy nhiên, hợp lý nhất là câu chuyện tình của một đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Thế nhưng, tình yêu của họ bị gia đình phản đối do không “môn đăng hộ đối”. Cuối cùng, hai người dẫn nhau tới dòng sông này tự vẫn. Người dân quanh vùng cảm động trước mối tình của đôi trai gái sắt son nên đặt tên là sông Son để chỉ tấm lòng son sắt thủy chung với người mình yêu của họ.


    Du khách có dịp đến đây tham quan sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của dòng sông từ màu nước, ngọn núi đến thắng cảnh đôi bờ. Điều đầu tiên cảm nhận được là màu nước của dòng sông. Nước sông Son xanh biếc, xanh hơn ta tưởng. Dòng sông chảy lượn uốn cung theo chân núi và ôm sát những nương ngô, bãi chuối cạnh những xóm nhà rải rác bình yên. Hai bên bờ sông phong cảnh thanh bình. Tất cả làm nên một bức tranh thủy mặc hữu tình, một cuộc sống yên bình tươi đẹp giữa vùng hoang vu bát ngát núi rừng. Ngoài vẻ đẹp thiên tạo, đi trên dòng sông sinh ra từ lòng di sản này, nếu thích ta còn được tự chèo thuyền để thưởng thức và khám phá vẻ đẹp hoang dã đôi bờ. Đặc biệt, đến đây, du khách còn được thưởng thức nhiều món ngon, mà độc đáo nhất là món cá trắm sống dưới dòng sông này. Cùng với cá trắm, dọc hai bờ sông Son còn có những món ngon đặc sản quê hương khác.

    Sông Son
    Sông Son
    Sông Son
    Sông Son
  5. Sông Ngô Đồng là một dòng sông nhỏ thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nó là một chi lưu của sông Sào Khê (là sông nối sông Hoàng Long với sông Vạc). Sông Ngô Đồng bắt đầu chảy từ vùng đầm trũng trong lòng hệ thống núi đá vôi của quần thể thắng cảnh Tràng An, len qua các vách núi và cánh đồng lúa rồi đổ nước vào hệ thống sông Vạc tại gần cầu Vũng Trắm. Trên sông có các danh thắng rất dẹp phải kể đến như Tam Cốc, đền Thái Vi, là các địa điểm tham quan nổi tiếng của Ninh Bình. Du khách đến thăm các danh thắng này thường chèo thuyền trên sông Ngô Đồng để thưởng ngoạn, đắm chìm vào phong cảnh hữu tình dọc 2 bờ sông. Cảnh quan hai bên bờ sông Ngô Đồng là những vách núi đá vôi có lịch sử hình thành lâu đời. Vào tầm tháng 4 và tháng 5 là thời điểm mà sông Ngô Đồng đẹp nhất bởi cánh đồng lúa trải dọc hai bên bờ sông chín rộ, trổ một màu vàng khiến ai tới đây cũng phải mê mẩn.


    Sông Ngô Đồng có lẽ là con sông nổi tiếng và trữ tình nhất ở Việt Nam. Cách Hà Nội chừng 100 km, cách thành phố Ninh Bình khoảng 7 km. Sông trong xanh, dịu hiền bốn mùa. Theo tài liệu của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình, nước từ vùng đầm trũng trong lòng hệ thống núi đá vôi của quần thể di sản thế giới Tràng An, khởi đầu từ khu vực đền Suối Tiên len qua các vách núi và cánh đồng lúa, nước sông sau đó đổ vào hệ thống sông Vạc tại gần cầu Vũng Trắm. Điều đặc biệt là sông Ngô Đồng không có bờ, ruộng lúa hai bên chính là bờ phân định dòng sông, bởi thực ra nó chỉ là một rạch nước uốn lượn giữa những cánh đồng và thung nước mênh mông. Thế nhưng, trên dòng sông Ngô Đồng lại có tới hai danh thắng tuyệt đẹp là Tam Cốc và đền Thái Vi. Những ngày cuối tháng 5, sông Ngô Đồng vốn đã đẹp lại càng thêm hút hồn du khách bởi sắc vàng và hương thơm của lúa.

    Trời nắng, nhiệt độ dự báo lên đến 40 độ C nhưng giữa dòng sông xanh mát, thỉnh thoảng lại xuất hiện một cơn gió nhẹ thoảng qua mang theo hương lúa thơm nồng tinh khiết khiến tôi có cảm giác như đang đi giữa tiết trời và cảnh sắc mùa Thu mát rượi. Vào mùa nước rút, hai bên dòng sông sẽ lộ ra những khoảnh đất phù sa màu mỡ. Người dân lúc đó sẽ gieo cấy lúa và lúa cứ thế từng ngày vươn lên theo con nước cho đến khi chín vàng rực thì chèo thuyền vào thu hoạch.

    Sông Ngô Đồng
    Sông Ngô Đồng
    Sông Ngô Đồng
    Sông Ngô Đồng
  6. Sông Hàn Đà Nẵng mang nét đẹp dịu dàng, quyến rũ của thiếu nữ tuổi trăng tròn, nước sông sạch sẽ, mát lành không bị ô nhiễm bởi rác thải, vậy nên cảnh vật trên sông càng thêm lôi cuốn là nguồn cảm hứng sáng tác thi ca cho người nghệ sĩ.


    Dọc hai bên bờ sông là đường Trần Hưng Đạo và đường Bạch Đằng có cây xanh phủ bóng mát, theo trật tự hàng lối thẳng tít tắp. Chính nét thanh bình đó tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp với dòng sông nước chảy hiền hòa xung quanh thành phố trẻ đang vươn mình phát triển. Bình minh trên sông Hàn khi đường sá vẫn chưa tấp nập xe cộ qua lại, chỉ có người dân cùng nhau đi bộ tập thể dục hai bên bờ sông, tất cả vẫn còn đang bị sương đêm giăng kín nhưng cũng dần tan biến khi ánh mặt trời ngày mới chiếu rọi. Khi này ánh sáng trên sông vẫn chưa thực sự rõ nét chỉ như một dải lụa được pha màu trắng của hơi sương. Sông cứ bình thản trôi ra biển cả, từng cơn gió mát thổi vào như vẫn chưa muốn đánh thức thành phố ra khỏi giấc ngủ ngon.


    Vào buổi trưa du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi cảnh vật nơi đây dường như được lột xác hoàn toàn, không còn thứ ánh sáng trắng mờ sương nữa mà thay vào đó là những tia nắng vàng của ánh mặt trời chiếu rọi lên mặt sông. Từng tia nắng như đang nhảy nhót nhịp nhàng theo giai điệu cuộc sống để cùng hòa vào nhịp sống đang dần tấp nập, hối hả. Thời điểm giữa trưa khiến mặt sông lại như chiếc gương thần khổng lồ khiến ai nhìn xuống đều bị lóa mắt, thứ ánh sáng ấy khiến mặt sông lấp lánh ánh bạc nên thơ. Sông Hàn Đà Nẵng lúc này hiện ra như một thiếu nữ rạng rỡ, tươi tắn thêm phần kiều diễm nhưng không e lệ, nép mình. Khi chiều về, ánh nắng mặt trời đã bớt gay gắt từng tia nắng đó bắt đầu trốn chạy sau đám mây và khuất dần sau rạng núi ở phía xa nơi cuối chân trời. Mặt sông là hình ảnh của ráng chiều đỏ rực một màu cam sẫm, sông bắt đầu rơi vào trạng thái trầm lặng, không còn nét khỏe khoắn của buổi ban trưa. Màn đêm bắt đầu buông xuống một màu đen huyền bí, nhưng nó lại thêm phần lung linh khi ánh đèn điện bắt đầu được thắp sáng. Mảng màu sáng tối hòa quyện càng tôn thêm nét bí ẩn.


    Mặt sông đã bắt đầu khoác lên cho mình bộ váy dạ hội nổi bật nhiều màu sắc là một trong những các cảnh đẹp ở đà nẵng, không còn bộ váy rực rỡ nắng vàng và bộ váy trắng tinh khiết của buổi sớm. Một ngày thưởng thức sự thay đổi biến hóa thứ ánh sáng trên sông Hàn khiến bất cứ ai đều ngơ ngẩn. Đúng vậy, thành phố Đà Nẵng về đêm đẹp hơn khi có dòng sông Hàn tô điểm thêm cho bức tranh thêm phần phong phú, đa dạng. Sông Hàn càng thêm đẹp hơn khi được tô điểm trên những chiếc cầu rộn ràng người qua lại từ bên này sông sang bên kia sông.

    Sông Hàn
    Sông Hàn
    Sông Hàn
    Sông Hàn
  7. Sông Thu Bồn là địa điểm du lịch Hội An với diện tích lưu vực rộng đến 10,3 km2, là một trong những lưu vực sông nội địa lớn nhất của đất nước Việt Nam, mang đậm dấu ấn văn hoá, hình ảnh lịch sử lâu đời theo dòng thời gian vẫn chảy mãi, vẫn chăm chỉ bồi đắp phù sa làm nên châu thổ. Bắt nguồn từ rất nhiều những con suối nhỏ chảy xuống từ ngọn núi Ngọc Linh, sông Thu Bồn được hình thành từ đó tràn đầy sinh lực, dòng sông đi qua núi non hùng vĩ, qua phía tây Quảng Nam, chảy xuống những cánh đồng lúa mang lại sự tươi tốt, sức sống cho cây cối nơi đây. Sông Thu Bồn dài gần trăm cây số từ bến Trà Linh xuôi về Cửa Đại, Hội An, nơi đây chính là sự giao thoa giữa 2 nền văn hoá lâu đời Chăm – Việt, nhiều du khách quốc tế ghé qua cũng phải ngỡ ngàng với cảnh đẹp rất riêng và độc đáo của dòng sông, họ ưu ái ví von dòng Thu Bồn giống như phiên bản thứ hai của dòng sông Hằng nổi tiếng trên đất nước Ấn Độ mà thần tạo hoá vô tình hay hữu ý tạo ra, với dòng nước lịch sử chảy xuyên suốt từ ngàn xưa đến hiện tại qua nhiều thế hệ.

    Khi hoàng hôn buông xuống, khi ánh nắng vàng le lói, chiếu từ mặt nước ánh nên hoà quyện vào cùng màu xanh mướt của bờ bãi, nương dâu, những làng đò ven sông, các điểm đến Hội An nổi tiếng như Hòn kẽm Đá Dừng, mỏ than Nông Sơn, làng cây trái Đại Bường, Làng Bích Họa Tam Thanh…tất cả tạo nên một khung cảnh đẹp tuyệt trần. Lênh đênh trên chiếc thuyền gỗ mộc mạc, du khách ghé thăm khu chợ Trung Phước để ngắm nhìn cảnh buôn bán sầm uất, tấp nập nhưng vẫn còn đọng lại những nét dân dã, bình dị của chợ làng quê xưa, ngồi xuống một quán ăn và thưởng thức tô mì Quảng trong không gian chân quê hoà cùng hương vị thơm ngon của ẩm thực, là cái thú thật chân thực. Những du khách đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh không khỏi phấn khích khi chụp lại được những tấm ảnh lưa niệm đẹp về địa điểm du lịch Hội An dòng sông Thu Bồn, về khung cảnh hai bên bờ sông.


    "Sông Mẹ” Thu Bồn không những ban phát cho dân chài tôm cá đầy ắp, mà còn giúp cư dân của nhiều làng nghề nức tiếng như làng trầm Nông Sơn, làng dệt vải Tằm Tang (Duy Xuyên), làng gốm Thanh Hà (Hội An), đưa những sản phẩm nổi tiếng của mình xuôi theo dòng sông qua thương cảng Hội An đến với bạn bè thế giới từ thời thế kỉ XVII. Vào tháng 3 hàng năm, cư dân vùng Duy Xuyên lại tổ chức Lễ hội bà Thu Bồn để tưởng nhớ “sông Mẹ” đã ban phát cho họ nghề cày cấy và nghề nuôi tằm dệt vải. Vào ngày ấy, dân làng ra sông rước “Mẹ Thu Bồn” đến với từng nhà như khẳng định một ý niệm đầy tính nhân văn, đó là “sông Mẹ” đã hiện hữu và đến từng nhà cư dân đôi bờ để ban phát mùa màng và sự ấm no. Sông mẹ” Thu Bồn ra đến Cửa Đại tạo nên một cảnh quang vừa mênh mông hùng vĩ, vừa nên thơ sâu lắng với cảnh sóng nước mênh mang và những làng chài, những chiếc vó bè rực vàng trong ánh hoàng hôn… Trước khi về với biển, “sông Mẹ” Thu Bồn chồm lên thành những ngọn sóng kiêu hãnh đỏ nặng phù sa để sẵn sàng hòa mình vào biển lớn. Và kể từ đây, “Mẹ Thu Bồn” đã hoàn thành xứ mệnh chở phù sa bồi đắp cho ruộng đồng và văn hóa của người xứ Quảng.

    Sông Thu Bồn
    Sông Thu Bồn
    Sông Thu Bồn
    Sông Thu Bồn
  8. Sông Lam xưa có tên là Sông Cả (sông mẹ). Tiếng Cả vừa hàm nghĩa là “lớn”, vừa có hàm nghĩa là “mẹ”, mẹ của những con sông nhỏ đổ về như: Nậm Nơm, Nậm Mộ, sông Giăng, sông La…Có lẽ do màu nước trong xanh lại chảy qua nhiều núi non, làng mạc tạo nên cảnh đẹp khác thường nên các nhà nho, các tao nhân mặc khách đã đặt cho sông những cái tên hoa mỹ: “Lam Giang”, “Thanh Long Giang”, “Lam Thuỷ”…đồng thời sáng tác nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp có một không hai của nó. Sông Lam nước xanh phẳng lặng, không chỉ là một cảnh đẹp của Nghệ An mà còn gắn với đời sống sinh kế của nhiều thế hệ con người. Bức tranh cuộc sống nên thơ, êm đềm đã đi vào nhiều bài thơ, bài hát về xứ Nghệ.


    Từ xưa, người xứ Nghệ, Thành Vinh đã ý thức được vẻ đẹp của con sông, gửi gắm ước vọng được tiên giao, thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông. Những người dân xứ Nghệ, du khách về Nghệ – Tĩnh vẫn có ước muốn được đi dọc sông Lam ngắm cảnh non xanh, nước biếc, thưởng thức đặc sản quê hương và đặc biệt là nghe những câu hò, điệu ví của vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Sông Lam với nước xanh ngăn ngắt, dòng chảy êm đềm và những cảnh đẹp thơ mộng đôi bờ không chỉ đi vào thi ca mà còn trở thành một điểm nhấn du lịch đáng nhớ của xứ Nghệ 'non xanh nước biếc'.


    Chỉ là một dải sông uốn lượn theo thế núi, thế đất mà nên dòng, ấy vậy mà sông Lam đã để lại ấn tượng thật khó quên. Nhìn từ trên cao, dòng sông giống như một dải lụa đang uốn lượn, tưởng chừng như muốn bay lên với sương, với nắng. Và đây chính là con sông của yêu thương, của nỗi nhớ bao người. Lam giang ơi! Tha thiết biết chừng nào khi đi qua mấy mùa nỗi nhớ…

    Sông Lam
    Sông Lam
    Sông Lam
    Sông Lam
  9. Dòng sông Hương chảy lượn uốn quanh qua Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành và qua Đại nội, càng làm tô điểm thêm nét đẹp tự nhiên của một kinh đô phong kiến độc đáo này. Sông Hương có chiều dài tới tận 80km, riêng đoạn từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An dài 30km. Chẳng biết tự bao giờ sông Hương đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào và tốn không biết bao nhiêu giấy bút của giới văn nhân, thi sĩ. Khi nhắc tới thủ đô Paris hoa lệ, người ta không thể không nói tới dòng sông Seine nổi tiếng cũng như khi nhắc đến cố đô Huế, cũng không ai có thể quên được dòng Hương giang trôi hiền hòa giữa lòng thành phố.


    Được hợp thành từ 2 con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, sông Hương như một dải lụa mềm mại, dài miên man, uốn lượn chảy qua bao cảnh đẹp xứ Kinh kỳ mộng mơ, từ khu vườn Vĩ Dạ với những thảm cỏ xanh tươi, qua ngôi chùa Thiên Mụ cổ kính văng vẳng tiếng chuông ngân nga, rồi rẽ vào sông Bạch Yến để lãng đãng phiêu du cùng mây gió. Trên hành trình ngao du ấy, dòng sông quyện theo những mùi vị và hương thơm của muôn vàn cỏ cây hoa lá và thảo mộc nhiệt đới, tạo nên mùi thơm ngát hương đặc trưng cho con sông. Sông Hương mang những vẻ đẹp khác nhau ở mỗi thời điểm trong ngày. Ban ngày, sông Hương mang một vẻ đẹp bình yên và thơ mộng. Dòng sông xanh màu ngọc bích, trong vắt như soi bóng cả quang cảnh thành phố dưới mặt nước êm ả và lung linh ánh nắng mặt trời. Bên bờ sông, những công trình kiến trúc bao gồm đền chùa, vườn tược, rừng núi,…phản chiếu xuống dòng nước êm ả của dòng Hương Giang. Sông Hương như một nét vẽ mềm mại và dịu êm trong bức tranh xứ Huế vốn đã vô cùng nên thơ và hữu tình.


    Khi hoàng hôn buông xuống, dòng Hương Giang như được khoác lên mình tấm áo màu vàng cam ấm áp. Cảnh vật như đang lắng xuống trong không gian yên tĩnh lạ lùng và chìm vào một màu tím nhạt đặc trưng. Phải chăng vì sự trầm mặc này mà xứ Huế được mệnh danh là “thành phố buồn”. Và lúc màn đêm buông xuống bao phủ dòng sông, trong đêm tối tĩnh mịch, những con thuyền vẫn “mải mê” xuôi ngược với điệu hò ngân nga, lắng đọng chút trầm tư và sâu lắng. Cầu Tràng Tiền lên đèn, toả ra những ánh đèn lung linh rực rỡ sắc màu, chiếu sáng cả một vùng sông tĩnh lặng. Bên bờ sông, những ánh đèn vàng le lói lần lượt được thắp lên. Nếu có dịp đến Huế vào những ngày hội, bạn còn được chứng kiến vẻ đẹp của Sông Hương như được “bừng tỉnh” giữa những ánh đèn hoa đăng lấp lánh trong làn nước huyền ảo. Vẻ đẹp sông Hương đã đi vào thi ca nhac họa nhưng chỉ khi bạn tự mình trải nghiệm thì mới có thể cảm nhận trọn vẹn sự thơ mộng, huyền ảo của dòng sông này. Sông Hương hiền hòa chảy quanh năm trong thành phố luôn là điểm đến không thể bỏ qua cho những du khách khi đặt chân đến Huế.

    Sông Hương
    Sông Hương
    Sông Hương
    Sông Hương
  10. Bắt nguồn từ phía bắc tỉnh Svay Rieng của nước bạn Cambodia, sông Vàm Cỏ Đông có tên Khmer là Prek Kampong Spean. Khi qua biên giới Việt Nam sông có tên gọi theo tiếng bản địa là sông Cái Cay. Tổng chiều dài của sông hơn 280 km trong đó phía Việt Nam là 180 km chảy dài. Sông chảy uốn khúc quanh co qua nhiều làng mạc trù phú của cả nước Việt- Cam và hàng năm đem lại rất nhiều huê lợi cho cư dân ven bờ. Lữ khách ai đó một chiều ngang bến sông thơ, con sông đã mang nhiều huyền thoại và sử tích lưu danh truyền đời mà dừng chân ngắm trời non nước mới thấy cái thú tiêu dao của kẻ phong hồ quả cũng là không uổng.


    Về đây cảm nhận và khám phá con sông huyền thoại rồi lần theo dấu vết thăng trầm lịch sử của dòng sông Vàm Cỏ Đông từ cách nay mấy trăm năm ta thấy quả nhiên dòng sông này chất chứa trong mình nhiều điều rất ư thầm kín. Người xưa gọi là sông Quang Hóa hay Khê Lăng. Có lẽ thế nên trong phần giới thiệu về thổ nhưỡng sông núi của trấn Phiên An - Nam Việt thì sách Gia Định Thành Thông Chí của Trình Hoài Đức thời nhà Nguyễn chép rằng: “Ở thượng lưu sông Thuận An cách phía tây trấn 160 dặm rưởi. Phủ sở ở bờ phía Bắc sông lớn có người Trung Hoa và Cao Miên ở chung lẫn lộn làm ăn, có tuần ty coi thâu thuế lệ cước đồn và phòng giữ biên cảnh. Từ đây chảy 24 dặm rưởi có cửa sông Khê Lăng, 91 dặm rưỡi đến thủ sở Quang Phong giáp địa giới Cao Miên. Đây là con dường mà sứ thần Cao Miên sang cống hiến phải đi ngang qua. Dọc theo sông ruộng đất mới khẩn còn nhiều rừng rú. Lên hướng Tây chia làm 2 nhánh. Nhánh phia Bắc tục danh là Cái Bát đi thẳng ra Bắc 100 dặm chỗ cùng tuyền về đằng Bắc 100 dặm nữa là rừng Quang Hóa. Nhánh phía Nam tục gọi là sông Cái Cay đi lên hướng Tây hơn 100 dặm cũng cùng tuyền. Tới đây đều là đất rừng Quang Hóa liên tiếp nối dài…”...

    Sông Vàm Cỏ Đông
    Sông Vàm Cỏ Đông
    Sông Vàm Cỏ Đông
    Sông Vàm Cỏ Đông


loading...