Top 10 Bức tranh Đông Hồ đẹp và ý nghĩa nhất

Tranh Đông Hồ được biết đến như một nét đẹp văn hóa nghệ thuật cổ truyền, tái hiện chân thật đời sống của con người và hình ảnh làng quê Việt Nam. Những bức ... xem thêm...

  1. Tranh Đàn lợn âm dương hay tranh lợn đàn. Là bức tranh dân gian Đông Hồ mang hình ảnh 6 con lợn đang ăn cây ráy cùng nhau. Trong đàn có 1 con lợn mẹ và 5 con lợn con. Trên bụng và mông mỗi con đều có 2 vòng thái cực âm dương.


    Các con lợn đều là béo tốt: Mặt lợn to, tai lớn. Mắt có vành mi. Mõm lợn nghiêng. Nhưng mũi lại gần như quay ra hướng chính diện, tạo dáng ngồ ngộ và động. Ngấn mõm đều có 3 ngấn. Và không quên hai ngấn mép của con lợn như đang ăn ngấu nghiến. Bàn chân lợn có 3 móng, trông rất vững chân đế. Lưng lợn với độ cong hơi võng. Được thể hiện bằng một hoặc hai nét to bản. Nét của ngấn thủ (phần đầu lợn) với chân trước. Vòng bụng và nét ngấn của bắp đùi sau là nét to dầy nối vào nét cong lượn của bụng lợn. Riêng đuôi lợn ở bức lợn đàn để thẳng xuôi xuống. Còn các bức lợn ăn cây ráy hay lợn độc đuôi xoáy lên. Điều này tạo nên sự sinh động cho mỗi bức tranh lợn khác nhau. Song điểm chung của đuôi lợn vẫn là: Lông cuối đuôi đều được cách điệu như một chiếc quạt hình lá đề, và đều quay ra phía trước. Hình ảnh 5 chú lợn con cũng được miêu tả tương tự như mẹ Lợn. Nhưng mỗi con mỗi dáng vẻ: con muốn trèo lên lưng, con muốn rúc vào bụng mẹ. Các con khác đang hướng vào mầm lá khoai để ăn. Tất cả đều có bố cục khoẻ, giản dị, giàu chất trang trí cách điệu, mà đậm đà tính hiện thực. Nhưng mang nét tinh nghịch, và chuyển động nhiều hơn. Hai xoáy âm – dương này nằm phía trên ngang mình lợn. Vị trí (gần vai và mông) phía trên của 2 chân (trước và sau), thu hút sự chuyển động. Làm cho bạn càng có cảm giác như thấy con lợn có dáng sinh động. Nó vừa là cái đẹp hữu hình, vừa là ẩn chứa quan niệm về ngũ hành.


    Theo quan niệm thì tranh đàn lợn âm dương dân gian Đông Hồ có hình ảnh con lợn là con vật đẹp nhất, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Hình ảnh xoáy âm dương trên mình lợn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở. Tranh Lợn Đàn được treo nhiều trong ngày Tết là để thể hiện mong ước năm mới thịnh vượng, phát tài phát lộc, đông con nhiều cháu.

    Đàn lợn âm dương
    Đàn lợn âm dương
    Đàn lợn âm dương
    Đàn lợn âm dương

  2. Tranh chuột rước rồng dân gian Đông Hồ treo tường đẹp với hình ảnh 11 chú chuột lớn bé mang kèn trống cờ quạt và đèn cá chép, đèn lồng rộn ràng đi hội. Thoạt nhìn tổng thể, bức tranh như miêu tả trò chơi của trẻ em nông thôn xưa, khiến bầy chuột hồn nhiên thêm ngộ nghĩnh. Mô hình rồng uy nghi trùm lên, thu hút ánh nhìn vào trung tâm, nhưng vẫn không át được số đông của đàn chuột. Vì vậy, gọi là “chuột rước đèn”, có nơi gọi “chuột rước rồng”, nhưng không phải để tôn vinh rồng phượng, mà như một ngày hội vui, ngày biểu dương lực lượng của những chú chuột có thân phận thấp kém hơn rồng. Chuột vốn sợ ánh sáng, nhưng vẫn rước đèn, như ngầm gửi thông điệp về việc đàn chuột sung túc tự tin hội hè khi Tết đến xuân về.


    Hai con chuột cầm sào nâng hình con rồng cao lên thụp xuống, một con cầm sào đính vào đầu rồng, một con cầm sào đính vào đuôi rồng. Nét trào phúng thể hiện ở những cái đuôi chuột dài, ám chỉ tóc tết đuôi sam của người Mãn Châu đang trị vì Trung Quốc mà những người Hoa “bài Thanh phục Minh” căm ghét.


    Nhìn chung bức tranh chuột rước rồng nổi tiếng không những về bố cục, đường nét, cấu trúc, mầu sắc mà còn bởi nội dung triết lý về nhân văn, nhân bản, tính hài hước, châm biếm về sự bất công giữa dân chúng cần lao với bọn tham quan ô lại.

    Tranh chuột rước rồng dân gian Đông Hồ
    Tranh chuột rước rồng dân gian Đông Hồ
    Tranh chuột rước rồng dân gian Đông Hồ
    Tranh chuột rước rồng dân gian Đông Hồ
  3. Tranh lợn ăn cây ráy dân gian Đông Hồ treo tường là hình ảnh một chú lợn trong tư thế ngang với bức tranh. Chú lợn này có một thân hình đồ sộ, mũm mĩm chiếm gần hết bức tranh. Chú lợn đang đứng, đuôi cong, tai vểnh, bốn chân hơi chụm tạo thế chống để dồn sức goặm cây ráy. Đặc biệt là phần mõm dài với cái miệng rộng đến mang tai như cái gầu dai. Mà ông bà có câu “miệng gầu dai ngày nhai hai gánh cám” chứng tỏ đây là loại heo hay ăn chóng lớn.


    Cái lưng võng bụng sa là loại heo phàm ăn chóng mập. Trên lưng các con heo ta thấy nghệ nhân thường vẽ một viền đai màu khác hẳn đồng thời mọc một mảng lông đổ theo chiều khác thì loại heo đó giống tốt, ăn khoẻ đi nhiều và chóng lớn. Cây ráy màu xanh là loại thức ăn phổ biến của chú lợn. Mồm heo rộng, đang ngậm chặt, bẻ ngang cây lá ráy, toàn thân đồ sộ của nó hơi đổ về phía sau với thế khoẻ mạnh và dứt khoát. Trên bức tranh lợn ăn cây ráy không có dòng chữ Hán, chữ Nôm đề tự như những bức tranh khác. Nhưng với ngần ấy mô tô, ta cũng phần nào hiểu được bức tranh. Tranh lợn ăn cây ráy dân gian Đông Hồ được tạo nét chắc khoẻ mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể. Trên lưng con lợn có xoáy âm dương thể hiện ước nguyện cho sự phát triển, sự sinh sôi.


    Bạn có thể thấy hình ảnh trong đời sống sinh hoạt, có những chú lợn nhỏ, lợn gầy. Tuy nhiên, trong các bức tranh dân gian Đông Hồ, chú lợn luôn xuất hiện với dáng vẻ đầy đặn, béo tốt. Cũng như muốn thể hiện ước mơ bao đời của người nông dân: Heo béo tốt là kết quả lao động thành công theo năm tháng của người nông dân. Con heo là niềm vui, là nơi họ gửi gắm tình cảm: “Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm”. Nghệ nhân đã chọn lựa và sáng tác nó với cả một tình cảm yêu mến gắn bó thiết tha.

    Và vì thế, bức tranh lợn ăn cây ráy dân gian Đông Hồ cầu chúc cho sự sung túc, ấm no và an nhàn. Mong cho cuộc sống và công việc luôn an nhàn, phát triển, sung túc và thịnh vượng.

    Tranh lợn ăn cây ráy
    Tranh lợn ăn cây ráy
    Tranh lợn ăn cây ráy
    Tranh lợn ăn cây ráy
  4. Hình tượng Gà trống trong dân gian vô cùng ý nghĩa. Vì thế mà trong các bức tranh dân gian đều xuất hiện hình tượng gà. Và bức tranh gà trống hoa hồng cũng vậy. Bức tranh mang hình ảnh như sau:

    • Hình ảnh chú gà trống trong tư thế cất tiếng gáy. Đây là thế oai phong nhất của chú gà thể hiện “bản lĩnh” như một người đàn ông trưởng thành. Chân phải bước lên trên mỏm đá, chân trái vươn dài, toàn thân vươn ra hướng về phía mặt trời để cất tiếng gáy. Chân bên trái của chú gà trống có cựa dài sắc nhọn bám chắc vào mỏm đá. Bộ lông đủ màu sặc sỡ. Thân người chắc nịch, chiếc mào đỏ đẹp và bộ lông đuôi như những rẻ quạt nan rất đẹp. Chứng tỏ đây là một chú gà trống dũng mạnh, đang ở thế sinh lực căng trào. Ở bên dưới mỏm đá mọc lên cây hoa hồng. Hoa Hồng là biểu tượng của tình yêu của phú quý hạnh phúc trong năm mới.
    • Hình tượng của chú gà trống ở đây thể hiện sự trưởng thành với dáng vẻ đẹp nhất oai phong nhất. Gà trống mang ngụ ý của sự khỏe khoắn, mạnh mẽ. Là biểu tượng của ngũ đức: Văn, võ, dũng, nhân, tín.
      • Văn thể hiện ở chiếc mào đỏ giống mũ cánh chuồn. (Chữ Hán mào gà gọi là quan, đồng âm với quan (mũ) và quan (chức).
      • Vũ thể hiện ở cựa sắc nhọn như gươm – Cựa chính là vũ khí lợi hại nhất của một chú gà trưởng thành
      • Dũng thể hiện ở sự đấu đá không kiên trì, bền bỉ quyết phân thắng bại.
      • Nhân thể hiện ở thói quen chia mồi cho gà con
      • Tín thể hiện ở tiếng gáy đúng giờ.

    Khi kết hợp hình ảnh gà trống và hoa hồng mang ý nghĩa dũng mảnh oai phong của gà trống, mềm mại nhẹ nhàng mang tên của loài hoa tình yêu. Biểu tượng cho tình yêu, thịnh vượng phú quý và sung túc trong năm mới. Nó chính là tính chất âm dương ngũ hành được thể hiện qua bức tranh. Ngoài ra, hoa hồng ở đây còn có ý nghĩa là những gì tinh túy nhất giúp cho gà trống được thể hiện sự oai phong dũng mảnh của mình khi chuẩn bị cất tiếng gáy. Ngụ ý trong cuộc sống bên cạnh sự thành công của một người đàn ông trưởng thành bao giờ cũng có những cánh hồng làm hậu phương vững chắc. Cánh hồng ở đây là người mẹ, người vợ, người yêu thương luôn mong cầu cho người con, người chồng của mình được tỏa sáng nhất.

    Tranh gà trống hoa hồng dân gian Đông Hồ
    Tranh gà trống hoa hồng dân gian Đông Hồ
    Tranh gà trống hoa hồng dân gian Đông Hồ
    Tranh gà trống hoa hồng dân gian Đông Hồ
  5. Tranh tứ quý tố nữ là bao gồm bốn bức tranh với hình ảnh của bốn người con gái đẹp đang thể hiện sở trường đàn ca của mình. Bên cạnh bốn bình hoa đại diện cho bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trong năm. Bức tranh này thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ truyền thống được in khắc bằng các bản khắc gỗ với cách làm tranh dân gian truyền thống.


    Mỗi bức tranh đều có một đoạn thơ tứ tuyệt viết bằng chữ Hán. Tố nữ thể hiện vẻ đẹp không chỉ về ngoại hình mà còn về tâm hồn của phụ nữ Việt Nam. Các bức tranh này tôn vinh sự thanh tú và duyên dáng của phụ nữ trong trang phục truyền thống, thể hiện sự tinh tế và nét thuần khiết của họ.


    Bức tranh Tứ Quý Tố Nữ dân gian Đông Hồ mang ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp và tài năng của người con gái đẹp thời xưa. Người con gái đẹp khi thì trong veo, cao vút như tiếng sáo. Lúc lại mênh mang, mộng mơ như tiếng lòng của đàn nhị khiến người ta khó nắm bắt. Có lúc lại trầm hùng mạnh mẽ như tiếng đàn Tam. Và có khi lại mềm mại, dịu dàng như tiếng đàn Nguyệt.

    Tranh tứ quý Tố Nữ dân gian Đông Hồ
    Tranh tứ quý Tố Nữ dân gian Đông Hồ
    Tranh tứ quý Tố Nữ dân gian Đông Hồ
    Tranh tứ quý Tố Nữ dân gian Đông Hồ
  6. Cá chép là loài vật có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Mỗi chúng ta chắc ít nhiều cũng nghe tới câu chuyện cá chép cõng táo quân về chầu hoặc cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Dù chỉ là một loài vật bình thường nhưng bằng sự mạnh mẽ kiên trì, dám đương đầu với thử thách, loài cá này đã trở thành một sinh vật mạnh mẽ được nhiều người tôn thờ. Cá chép vừa cứng cỏi vừa kiên cường, vừa mềm mại linh hoạt. Bởi vậy khi có ai đó được thăng chức trong công việc, người đó thường được ví như là cá chép vượt vũ môn hóa rồng.


    Còn về phần ánh trắng, mặt trăng tròn vành vạch sáng trên trời cao lại mang đầy chất thi ca mộng mơ trữ tình. Chúng ta thường thấy mặt trăng hay được các nhà thơ, thi sĩ đưa vào trong thơ ca để ca ngợi vẻ đẹp của nó. Trăng hiền dịu, bí ẩn và hấp dẫn, là thứ con người chỉ có thể nhìn ngắm mà không thể chạm vào.

    Người ta ví, Mặt trời là cha, mặt trăng là mẹ, hay vật thể mang ánh sáng cho muôn loài trong vũ trụ bao la và gần gũi với tất cả sinh linh trong thế giới hiện hữu. Ánh trăng là mẹ, cá chép là con, trông ngóng nương tựa vào mẹ gần gũi thân thương. Tất cả hòa quyện che chở cho nhau.

    Bức tranh cá chép trông trăng đã đạt đến độ cao về mỹ thuật, sâu sắc, thâm thúy về ý nghĩa, dầm ấm gần gũi mọi người về bố cục và nội dung. Với mong ước cầu ấm no hạnh phúc trong năm.

    Tranh lý ngư vọng nguyệt
    Tranh lý ngư vọng nguyệt
    Tranh lý ngư vọng nguyệt
    Tranh lý ngư vọng nguyệt
  7. Tranh đánh ghen dân gian Đông Hồ treo tường ý nghĩa sâu sắc mang nội dung như sau: Bức tranh thể hiện bi kịch của một gia đình không hạnh phúc. Mà đây là hình ảnh của gia đình giàu có nhiều của ăn của để thể hiện ở bức bình phong và cây cổ thụ.


    Người chồng ngoại tình để vợ bắt được, con trai thì trông thấy. Thế nhưng lại ngược với lẽ thường tình khi trước mặt vợ, người đàn ông vẫn ngang nhiên để tay lên bầu ngực của ả tình nhân ra vẻ bảo vệ. Còn ả tình nhân khi gặp vợ cả cũng chẳng sợ sệt hay lén lút, mà trái lại còn rất vênh váo, khiêu khích kiểu bố đời.


    Và trong bức tranh này có 4 nhân vật chính như sau:

    • Người vợ: Mái tóc cũng dài đấy, nếu thả ra thì sẽ rất đẹp, còn đẹp hơn ả tình nhân của chồng. Thế nhưng đi đánh ghen, bạn có thấy chị vợ nào thả tóc không. Không dại gì mà để cho ả tình nhân kia nắm được tóc của mình. Nên người vợ đã búi tóc cao gọn gàng sẵn sàng chiến đấu cho ả kia một bài học. Xắn váy, chống nạnh, tay kia cầm kéo giơ cao như muốn cắt đứt mái tóc dài của ả tình nhân cho thỏa cơn giận. Ngày xưa kỵ nhất là đàn bà con gái bị cạo đầu bôi vôi.
    • Ả tình nhân: ả này mặc lẳng lơ, may còn mặc váy, áo không thèm mặc thể hiện sự thách thức với người vợ cả. Tư thế đứng quay lưng dựa vào người chồng, tay còn nâng mái tóc chìa về phía người vợ cho cắt tóc với vẻ rất vênh váo….
    • Người chồng: Một tay thì ngăn vợ, tay kia thì còn đặt lên bầu ngực ả tình nhân không một chút ngần ngại.
    • Người con: Hình ảnh đứa con cũng rất lớn đã đủ hiểu biết chắp tay cúi lạy khuyên răn mẹ. “Mẹ về tắm mát nghỉ ngơi, Ham thanh chuộng lạ mặc cho thày tôi với dì”.

    Phải nói là cái tài của người nghệ nhân sáng tác bức tranh dân gian Đông Hồ Đánh Ghen là tuyệt tác bởi một cảnh phản ánh rõ trong xã hội phong kiến cũ chỉ qua một vài nhân vật và hành động. Phê phán chế độ đa thê, phê phán người chồng không chung thủy phá vỡ hạnh phúc gia đình. Phê phán người vợ không đủ quan tâm, cảm thông chia sẻ kịp lúc để chồng phải tìm đến một người phụ nữ khác, để con trẻ phải nhìn thấy thảm kịch gia đình. Phê phán sự nóng giận của người vợ tự làm giảm giá trị của bản thân mình. Phê phán cả những người thứ 3 tự biến mình thành tình nhân để mang tiếng xấu ở đời.

    Bố cục sắp xếp tuyến nhân vật trong bức tranh như một vòng tròn luẩn quẩn không thể nào thoát ra được. Các nghệ nhân đã khéo léo đưa màn kịch đánh ghen lên cao trào tột độ cho người xem khi chứng kiến. Nhưng rồi lại thấy thương, thấy giận thay cho người vợ cùng đứa con phải chịu cảnh chung chồng.

    Tranh đánh ghen dân gian Đông Hồ treo tường ý nghĩa sâu sắc được ông cha ta để lại. Luôn nhắc nhở chúng ta nhiều hơn, nghĩa vợ chồng nên yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Cùng biết chia sẻ, cảm thông đặc biệt với những khoảnh khắc sai lầm nào đó của mỗi người trong cuộc sống. Hãy tha thứ và biết yêu thương hơn để tránh phạm phải sai lầm tiếp theo.

    Đánh ghen
    Đánh ghen
    Đánh ghen
    Đánh ghen
  8. Tranh hứng dừa dân gian Đông Hồ treo tường thuộc mảng tranh sinh hoạt xã hội, phản ánh cuộc sống, tâm tư tình cảm đời thường của nhân dân lao động thời bấy giờ. Tranh miêu tả cảnh hái dừa rất sinh động. Phía trên bên trái, chàng trai đang leo cây hái dừa, cô gái đứng dưới đất, tốc cả váy lên để hứng dừa! Ở dưới gốc cây, hai cậu bé đang tranh nhau trèo lên cây. Phía trên góc phải có đề thêm hai câu thơ nôm:


    “Khen ai khéo dựng lên dừa,

    Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”


    Hình ảnh và tình huống trong tranh “Hứng dừa” đầy những bất ngờ, dí dỏm và kịch tính. Các nhân vật, sự vật được thể hiện theo quan niệm tạo hình dân gian, cách điệu khái quát, động thái nhân vật đôi khi cường điệu và phi thực tế nhưng lại hết sức hài hòa, thú vị.

    Trong bức tranh được miêu tả như sau: Cây dừa có vẻ thấp so với thực tế và so với tỷ lệ nhân vật, phần trên cong xuống, như diễn tả sức nặng của chàng trai đang víu cành thả dừa, khuôn mặt vui vẻ, hóm hỉnh. Cô gái, vừa có cái nhí nhảnh như múa, vừa có cái hớ hênh kéo thốc váy lên để “hứng dừa”. Hình ảnh không thể thấy ở người phụ nữ thời phong kiến. Hình ảnh những đứa trẻ đang bấu chặt vào gốc cây. Khác hẳn với tâm lý của trẻ khi được chuẩn bị đón những trái dừa tươi mát, ngọt lành. Đáng ra chúng phải hớn hở nhảy dưới đất ngẩng mặt lên chờ đợi trái dừa. Nhưng không ở đây các bạn nhỏ như cũng muốn được trèo lên cây, muốn noi gương theo vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm. Mảng chữ Nôm trên góc phải vừa tạo nên sự chặt chẽ cho bố cục tranh, vừa biểu đạt rõ ý tưởng về nội dung. Hình ảnh và lời thơ quyện chặt lấy nhau, câu thơ ý nhị đã làm nổi bật tình yêu đôi lứa, sôi nổi, chân thực, phóng khoáng của người dân lao động vốn không bị gò bó, không bị trói buộc trong khuôn khổ, rường cột của lễ giáo phong kiến.


    Nhìn vào đậm nhạt, sáng tối của bức tranh, chúng ta thấy trên nền điệp trung gian là những mảng màu sáng và tối rất mạnh, chuyển động trên hình tượng nhân vật, sự vật…sự chuyển động của đậm nhạt, sáng tối có tác dụng tạo ra nhịp điệu và chuyển động, nhấn mạnh khu vực trọng tâm, gây hiệu quả thị giác mạnh mẽ. Lấy màu nóng làm chủ đạo, trong tranh sử dụng các màu nguyên: màu đen của nét, màu trắng của da, cây, lá, đất…. Màu vàng của không gian và cặp màu tương phản đỏ - lục trên y phục các nhân vật, sự vật… Tổng thể bức tranh tràn ngập sắc vàng của nền điệp, điểm xuyết của chất điệp tạo cho không gian sự long lanh và độ sâu nhất định.


    Bức tranh “Hứng dừa” phản ánh tâm tư nguyện vọng và những ước mơ bình dị, gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân, đưa ra được thông điệp sâu sắc về triết lý nhân sinh và tinh thần đạo lý người Việt, gây được ấn tượng sâu sắc cho người thưởng ngoạn.

    Hứng dừa
    Hứng dừa
    Hứng dừa
    Hứng dừa
  9. Tranh đám cưới chuột dân gian Đông Hồ treo tường truyền thống là dòng tranh dân gian nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ. Đám cưới chuột thuộc chủ đề tranh châm biếm hóm hỉnh. Trong bức đám cưới chuột có có tổng cộng 16 con vật. Đó là 12 con chuột, 1 con mèo, 1 con gà, 1 con chim, 1 con ngựa. Đám cưới chuột có 5 loài vật: Mèo, chuột, cá, chim, ngựa. Có 4 chú chuột quay đầu. Đó là chú rể, chú chuột cầm cờ, hai chú chuột khênh kiệu dâu phía sau. Các chú chuột quay đầu thể hiện sự lo lắng, xem ở phía sau có an toàn không. Sở dĩ có điều này bởi vì trong ngày vui là đám cưới, nhưng họ nhà chuột rất lo sợ mèo sẽ đến phá đám. Do đó dù đã cống nạp cho mèo rồi nhưng trong tâm lý của kẻ yếu thế, chuột vẫn rất sợ. Họ nhà chuột cống nạp chim câu và cá cho mèo. Đây là thức ăn mà loài mèo yêu thích nhất. Có 4 chú chuột đi cống nạp cho mèo, toàn là chú chuột có tiếng trong họ nhà chuột. Hàng trên có 4 chú chuột đi cống nạp, hàng dưới có 8 chú chuột trong đám cưới: cô dâu chú rể, 4 chú chuột khênh kiệu, 1 cầm cờ, 1 cầm võng lọng. Có 1 chú chuột không đuôi được coi là chú chuột già nhất, có tiếng tăm nhất trong họ nhà chuột. Chú đứng ở hàng trên và là chú đầu tiên cầm chim câu đi cúng nạp cho Mèo.


    Các nghệ nhân đã dùng hình tượng Mèo – Chuột để chỉ ra hiện trạng “Hối Lộ” của quan lại thời bấy giờ. Đó chính là châm biếm, dùng hình tượng tranh để phê phán thói nhận hối lộ. Chuột đại diện cho phái yếu là dân nghèo, tầng lớp dưới. Ông Mèo là kẻ mạnh ngôi trên đầu dân ngang nhiên vểnh râu nhận của cái của dân nghèo cống nạp. Tranh khổ lớn đám cưới chuột dân gian Đông Hồ thể hiện tình trạng tham ô, hối lộ như chú mèo mải nhận chim, nhận cá mà quên mất nhiệm vụ của mình là phải bắt chuột. Bên cạnh đó bức tranh cùng thể hiện cảnh sống của người dân thấp cổ bé họng, muốn được bình yên, sống sót thì phải cống nạp cho bọn tham quan, cường hào ác bá. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, bức tranh còn một màu sắc khác, màu sắc mang tính triết học mà giản dị của sự cộng sinh và chính điều này tạo nên những giá trị tư tưởng mang đậm văn hóa Việt. Ngày nay, vẫn còn những “con mèo” độc ác, tham nhũng vẫn còn tìm cách vơ vét, bóc lột của nhân dân nên bức tranh “Đám cưới chuột” này luôn có ý nghĩa sâu sắc cùng giá trị nhân văn, tính hiện thực và giàu tính chiến đấu. Bức tranh đám cưới chuột sử dụng màu sắc chủ đạo như đỏ, xanh, vàng. Gợi mở ra cho người xem khung cảnh đám cưới rực rỡ, nhộn nhịp. Nhưng lại không hề mất đi sự linh thiêng. Mặt khác với nhân vật mèo, dù chuột có thể là kẻ thù “không đội trời chung” của nó, song mèo vẫn tỏ vẻ hài lòng, tán đồng ngày lễ lớn của đôi vợ chồng trẻ.


    Qua tranh, ở phía tích cực bạn có thể nhận thấy một phần bản sắc văn hóa Việt Nam thời xưa. Ứng với các hình ảnh tượng hình, tượng thanh như ô, lọng, khèn, đoàn rước dâu kéo dài… Tranh đám cưới chuột khiến người ta nhớ lại những ngày tháng. Khi đám cưới không còn chỉ là việc riêng của một cá nhân, một gia đình. Mà nó còn là công việc trọng đại của một xóm làng, một xã hội thu nhỏ.

    Đám cưới chuột
    Đám cưới chuột
    Đám cưới chuột
    Đám cưới chuột
  10. Tranh vinh quy bái tổ dân gian Đông Hồ treo tường ý nghĩa được người xưa lấy cảm hứng từ hình thức lễ nghi của Việt Nam ở thời đại phong kiến. Sở dĩ có lễ nghi này là do bắt đầu từ năm 1484 dưới thời vua Lê Thánh Tông đã cho dựng bia đá ghi danh tiến sỹ đầu tiên. Nhằm đề cao Nho giáo và tôn vinh những vị tiến sỹ đỗ đạt trong kỳ thi. Đồng thời các tân khoa sẽ được vua đãi yến tiệc, ban tặng mũ áo cân đai và cho lính hầu đưa rước về nơi sinh quán để “Vinh quy bái tổ”


    Tức khi đỗ đạt họ phải nhớ đến quê hương, nhớ đến “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Đây luôn là một lễ nghi đáng quý mà thế hệ ta kế tiếp luôn cần phải đề cao, giữ gìn và tiếp bước. Khi về tới làng, vị tân khoa sẽ đến nhà thờ tổ của dòng họ và đình làng bái tạ tổ tiên, rồi về bái tạ thầy dạy và cha mẹ. Cũng kể từ năm 1484, lễ nghi “Vinh Quy Bái Tổ” trở thành điều hãnh diện và tự hào không chỉ đối với gia đình, dòng tộc. Mà còn là niềm tự hào của cả quê hương – Nơi vị tân khoa được sinh ra, dạy dỗ lớn lên và trưởng thành. Hình tượng đẹp này đã được thể hiện rất rõ trong bức tranh Đông Hồ Vinh Quy Bái Tổ này. Hình ảnh trong bức tranh vinh quy bái tổ dân gian đó là một ông quan đội mũ mão trên lưng ngựa, với cờ lọng, người đánh chiêng trống, quân lính theo sau tiến vào trong làng nhắc nhở những người con đi học, đi làm xa quê hương khi thành danh phải luôn nhớ về quê cha đất tổ, nơi sinh ra và trường thành của mình. Hành động vinh quy bái tổ không chỉ là vinh dự cho vị tân khoa, cho cha mẹ người thân mà còn là dịp để vị tân khoa bỏ bày lòng biết ơn đối với tổ tiên, cha mẹ và thầy dạy theo đúng đạo lý “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “uống nước nhớ nguồn”. Đây là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam.


    Tranh vinh quy bái tổ thường được treo ở nơi trang trọng trong nhà với niềm tự hào của gia chủ. Bạn nên treo tại phòng khách hoặc phòng sinh hoạt chung của gia đình để đồng thời giáo dục và khuyên răn con cháu chăm chỉ học hành, nhắc nhở cho con cháu về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra bức tranh này còn được dùng làm quà tặng cho các nhân vật quan trọng. Như Sếp lớn, lãnh đạo, đối tác, khách hàng thân thiết hoặc khách quốc tế thì đây rõ ràng là một món quà vô cùng quý.


    Ngày nay, những người làm công chức nhà nước, người kinh doanh, thành đạt thường treo tranh vinh quy bái tổ trong nhà. Với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và đấng sinh thành, bức tranh thể hiện sự kính hiểu của con cháu đối với cội nguồn. Đây còn là niềm tự hào của gia chủ bởi những cố gắng của bản thân. Bên cạnh đó, bức tranh còn mang ý nghĩa giáo dục và khuyên răn con cháu cố gắng học hành thật tốt.

    Tranh vinh quy bái tổ dân gian Đông Hồ
    Tranh vinh quy bái tổ dân gian Đông Hồ
    Tranh vinh quy bái tổ dân gian Đông Hồ
    Tranh vinh quy bái tổ dân gian Đông Hồ


loading...