Top 10 Bài văn thuyết minh về cây bưởi hay nhất

Bưởi là loại cây trồng phổ biến đã được trồng tại Việt Nam từ rất lâu đời với tác dụng chính là cây ăn trái. Nhiều nơi cũng trồng cây bưởi trước nhà để làm ... xem thêm...

  1. Cây bưởi là một trong những cây ăn quả quen thuộc và có lợi ích rất lớn trong kinh tế với con người. Vì thế theo một lẽ tự nhiên cây bưởi trở nên gắn bó và được mọi người yêu thích.


    Bưởi có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á, Đông Dương, Trung Quốc, Ấn Độ có tên khoa học là Citrus Grandis thuộc họ Cam quýt, ưa khí hậu nóng ẩm nên chỉ trồng được ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới nóng. Các quần đảo Angti (thuộc vùng biển Caribê - Châu Mỹ) cũng có bưởi nhưng là bưởi chùm, tên khoa học là Citrus pradisi, còn gọi là bưởi Pômelô. Phương Tây ưa bưởi chùm ngược lại với phương đông chúng ta ưa bưởi ta vì mọng nước hơn.


    Cây bưởi thuộc loại cây thân nhỏ, sống đa niên, có thể sống hơn 30 năm tuỳ vào giống cây và chăm sóc. Bưởi là loài cây to, cao trung bình khoảng 3-4 m ở tuổi trưởng thành, vỏ thân có màu vàng nhạt, ở những kẽ nứt của thân đôi khi có chảy nhựa. Từ thân cây chia thành ba cành lớn, từ ba cành lớn chia thành nhiều cành, cành có gai dài, nhọn. Lá bưởi có gân hình mạng, phiến lá hình trứng, dài 10 -12 cm, rộng 5-6 cm, hai đầu tù, nguyên, dai, cuống có dìa cánh to.


    Hoa bưởi rất đẹp. Hoa bưởi màu trắng ngà ngà, là loại hoa kép có năm cánh nở uốn cong bao quanh nhị vàng như màu nắng mùa thu. Hoa bưởi không mọc đơn lẻ mà mọc thành từng chùm với nhau. Mỗi chùm có khoảng sáu đến mười bông hoa. Hoa bưởi rất thơm. Mùi hương nhè nhẹ không gắt mà thoang thoảng trong gió rất dễ chịu.


    Quả bưởi hình cầu to, vỏ dày, màu sắc tùy theo giống. Da bưởi trơn, bóng. Nhìn xa trông những quả bưởi lúc lỉu thích mắt. Hạt bưởi màu trắng, dẹt, rất có lợi trong nhiều bài thuốc tốt.


    Họ hàng nhà bưởi rất phong phú và đa dạng. Việt Nam là một trong những vùng nguồn gốc cây bưởi nên có rất nhiều giống bưởi, có nhiều giống bán hoang dại chua đắng, nhưng cũng có nhiều giống ngon như bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, bưởi Thanh Trà, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, bưởi Biên Hòa...


    Cây bưởi có rất nhiều lợi ích đối với đời sống chúng ta. Hoa bưởi thơm thường được dùng để tết thành vòng hoa, ướp chè. Chè ướp hương hoa bưởi trở thành thức uống đặc sản dân giã của con người Việt Nam. Hoa bưởi cũng được dùng cùng vỏ bưởi để nấu thành nước gội đầu cho các bà các mẹ các chị vì không chỉ gội rất sạch mà còn rất thơm.


    Tháng Tám hàng năm là mùa bưởi chín. Những quả bưởi chín lúc lỉu được hái xuống mang lên thắp hương ngày Rằm. Những múi bưởi dưới bàn tay trang trí khéo léo được tạo thành những hình thù ngộ nghĩnh cho mâm hoa quả Trung Thu. Bởi vậy mùa thu nhắc tới gắn liền với cây bưởi.


    Ngoài ra bưởi còn được chế biến thành nhiều thức ăn tốt cho sức khoẻ như salad, chè bưởi, nước ép bưởi,… Những món ăn đó có chứa nhiều vitamin có lợi cho da và hệ tiêu hoá. Vì thế bưởi còn được sử dụng trong các bài thuốc chữa các bệnh như đau bụng, ăn không tiêu, vàng da,…


    Những người dân trồng bưởi muốn thu được vụ mùa cao phải có những bí quyết riêng của mình. Họ cần chú ý đến những yếu tố sau : Giống cây phải chuẩn, kỹ thuật chăm sóc cây phải khéo léo, chính xác,…Ngoài ra để cây sinh trưởng và phát triển tốt còn phụ thuộc vào những yếu tố tự nhiên như : Đất ẩm, kết cấu xốp, khí hậu ôn hoà, nguồn nước cung cấp cho cây phải sạch, phân bón vừa đủ, đúng lúc…


    Cây bưởi có rất nhiều lợi ích trong cuộc sống chúng ta. Nó là loại cây đa năng góp phần tăng nguồn vốn sinh hoạt cho người dân. Vì thế cây bưởi luôn được mọi người yêu quý và trân trọng.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 1
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 1
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 1
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 1

  2. Dạo bước trên con đường Nguyễn Chánh, hương thơm vấn vương, dịu nhẹ của hoa bưởi níu chân người qua đường. Mở ra trước mắt tôi là sắc trắng tinh khôi của những bông hoa bưởi e ấp trong gánh hàng rong của những người tiểu thương. Trong dòng người hối hả, vội vã giờ tan tầm, tôi chợt nhận ra mùa hoa bưởi đã về. Bưởi là loại cây quen thuộc mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên mỗi vùng quê Việt Nam, đó là thức quà ngọt lành của tự nhiên ban tặng cho con người.


    Bưởi có tên khoa học là Citrus grandis Osbeck, đây là một loại cây thuộc chi Cam chanh. Bưởi có nguồn gốc ở Châu Á, bưởi ưa khí hậu nóng ẩm nên được trồng nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Việt Nam, bưởi là cây trồng quen thuộc ở hầu hết các vùng quê, trong đó có một số giống bưởi ngon nổi tiếng như: bưởi da xanh Bến Tre, Bình Phước, bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn,...Bưởi không chỉ mang đến một thức quả ngon giàu dinh dưỡng mà còn có giá trị kinh tế cao.


    Bưởi là thực vật thân gỗ, sống lâu năm, trung bình một cây bưởi có thể sống 20-30 năm tùy điều kiện đất đai và sự chăm sóc của con người. Cây bưởi trưởng thành cao từ 3- 4 mét, khi cây còn non thân và lá thường có màu xanh sẫm, khi cây trưởng thành, thân cây to, tán rộng, thân cây chuyển sang màu xám đậm.


    Từ thân chính mọc ra rất nhiều nhánh, cành bưởi với tán lá xum xuê, xanh tốt, bởi vậy mà bưởi cũng có thể cho bóng mát, có thể che mưa, che nắng. Lá bưởi to bằng nửa bàn tay người lớn, mặt trước xanh sẫm, nhẵn bóng, mặt sau có những đường gân nổi lên rõ nét. Một đặc điểm khác chỉ có ở cây bưởi và họ hàng nhà bưởi, đó là những chiếc gai nhọn mọc trên cành và các nhánh của cây bưởi. Những chiếc gai nhọn, cứng có màu xanh đậm giống màu của những chiếc lá.


    Hoa bưởi nhỏ, màu trắng tinh khiết và thường mọc thành chùm 6-10 bông. Hoa bưởi khi nở rộ cũng khi to bằng ngón tay người lớn, những cánh trắng nở bung khoe ra phần nhụy màu vàng cam rực rỡ bên trong. Những nụ bưởi chưa nở thì e ấm chụm lại đầy duyên dáng. Hoa bưởi không quá rực rỡ, hương thơm không quá ngào ngạt mà thoang thoảng vô cùng dễ chịu. Hoa bưởi cũng được coi là loài hoa của làng quê, đồng nội, vào tháng 3,4 hàng năm, trên những đường phố nhỏ lại xuất hiện rất nhiều những gánh hàng rong với những chùm hoa thanh khiết. Người ta thường mua hoa bưởi để trang trí và tạo hương thơm thanh mát cho ngôi nhà của mình. Hương thơm nhẹ nhàng, vấn vương của hoa bưởi vì thế cũng đi vào thơ ca bằng vẻ đẹp tự nhiên, bình dị ấy:


    "Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi

    Rắc trắng vườn nhà những cành hoa vương

    Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận

    Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương"


    Hay:

    "Hương bưởi thơm cho lòng bối rối

    Cô bé như chùm hoa lặng lẽ

    Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu".


    Hoa bưởi rụng đi để lại những trái bưởi non có màu xanh, hình tròn với lớp da nhẵn nhụi. Quả bưởi khi chín phần vỏ sẽ ngả sang màu vàng vô cùng bắt mắt. Tùy từng giống bưởi mà kích thước quả bưởi khi trưởng thành cũng không giống nhau, bưởi Diễn thường có hình tròn, khi chín có màu vàng tươi, kích thước bằng một chiếc bát tô nhỏ. Giống bưởi da xanh khi chín lớp vỏ vẫn giữ nguyên màu xanh sẫm, lớp vỏ sần sùi và kích thước thường lớn hơn so với giống bưởi diễn. Bưởi là một loại quả giàu giá trị dinh dưỡng, bên trong lớp vỏ bưởi là phần cùi trắng, mềm, khi ăn có vị hơi hăng và đắng. Phần cùi này thường được dùng để làm món chè bưởi hoặc được dùng để phơi khô cùng với vỏ bưởi để gội đầu, dưỡng tóc. Phần ruột của bưởi là những múi bưởi xếp san sát với nhau thành hình cầu. Mỗi múi lại có rất nhiều tép nhỏ, mọng nước và có vị chua thanh.


    Ở Việt Nam có rất nhiều những loại bưởi khác nhau, trong đó có nhiều loại bưởi nổi tiếng có giá trị kinh tế cao như: Bưởi năm roi, bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng. Hiện nay, bưởi không chỉ được trồng để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà đã bắt đầu xuất khẩu sang nước ngoài, mang đến nguồn thu đáng kể cho người nông dân.


    Là loại cây dân dã, quen thuộc nhưng bưởi lại mang đến giá trị vô cùng cao, hầu hết các bộ phận của cây bưởi đều có thể sử dụng. Bưởi là loại cây ăn quả giàu hàm lượng vitamin, bưởi cũng là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày tết, thân cây bưởi có thể sử dụng làm than, củi, lá bưởi khi kết hợp với một số loại thảo dược khác có thể trị cảm cúm. Hoa bưởi dùng để trang trí, ướp trà giúp tinh thần con người trở nên thanh tỉnh.


    Bưởi là loại cây tương đối dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu của nhiều vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi trồng cần chú ý chọn loại đất phù hợp, có khả năng thoát nước tốt, đất có dinh dưỡng để cho cây phát triển. Cây bưởi không cần tưới nước thường xuyên, bên cạnh đó người trồng cũng cần thường xuyên tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh để cây sinh trưởng tốt.


    Cây bưởi dễ trồng lại mang đến giá trị kinh tế cao. Hơn hết, với bất kì người dân Việt Nam nào cây bưởi cũng là loài cây gắn liền với kí ức tuổi thơ, là loài cây gợi nhớ về quê hương, xứ sở. Hiện nay, dù có rất nhiều loại cây ăn quả mới nuôi trồng, chăm sóc ở Việt Nam thì cây bưởi vẫn giữ nguyên vị trí và vai trò của nó trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của con người.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 2
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 2
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 2
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 2
  3. Ai được sinh ra và lớn lên ở những vùng nông thôn chắc hẳn sẽ không còn xa lạ với những vườn trái cây xanh mướt và thật sai quả. Mùa nào thức ấy. Trong tất cả các loại cây ăn quả thì em thích nhất là cây bưởi với những trái bưởi thật to, tròn và thật đẹp biết bao nhiêu.


    Ngắm nhìn quả bưởi có hình tròn khoác lên mình chiếc áo màu xanh xanh hoặc khi chín thì có màu vàng. Cũng có thể là tùy thuộc vào loại bưởi chứ không phải bưởi xanh tức là chưa ăn được đâu nhé! Em còn nhìn thấy giống bưởi da xanh trên tivi mặc dù xanh nhưng ăn rất ngon. Khi bổ trái bưởi ra em nhận thấy ở vỏ bưởi có một mùi thơm mát kì lạ biết bao nhiêu, và bà ngoại em kể ngày xưa phụ nữ thường dùng vỏ bưởi để gội đầu. Bà em bảo rằng vì vỏ bưởi có nhiều tinh dầu giúp dưỡng tóc, xanh tóc và rất thơm nữa.


    Bưởi thường có hai loại nếu như phân loại theo hương vị là vị chua và vị ngọt. Học sinh chúng em thì thường thích ăn bưởi chua chấm muối ớt ăn sẽ rất ngon. Có nhiều người thích ăn bưởi Diễn vì nó rất ngọt. Khi bổ quả bưởi hết lớp vỏ bao bọc bên ngoài là lớp vỏ xanh ăn thật ngọt. Mẹ em khéo tay lắm! Mẹ thường lấy vỏ bưởi này để nấu chè. Chè bưởi ăn ngon và bổ, em có thể ăn được 2 cốc mà không ngán.


    Tiếp theo là bên trong của lớp cùi trắng là rất nhiều múi nhỏ cong cong hình lưỡi liềm, cứ mỗi khi ăn ta thường tách những múi bưởi ra. Em còn nhận thấy được với những múi bưởi căng mọng và rất nhiều nước, thực sự trong các múi bưởi thì lại có hạt màu vàng. Và khi bóc múi bưởi để ăn ta phải bỏ hạt và vỏ đi.


    Nghĩ đến hương vị thơm ngon và bổ dưỡng của nó khiến em không thể quên được. Em mong ước nhà em có một khu vườn nhỏ trồng thật nhiều bưởi để hàng năm em lại được thưởng thức những quả bưởi thơm ngon.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 3
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 3
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 3
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 3
  4. Nước Việt Nam ta được thiên nhiên ban cho nhiều thuận lợi về thời tiết và tự nhiên. Vì thế nước ta có thể trồng rất nhiều hoa quả hữu ích. Bên cạnh lúa gạo thì nước ta có rất nhiều cây hữu ích: cây nhãn, cây vải… Nhưng được nhiều người chuộng nhất là cây bưởi.


    Cây bưởi, ở một số còn gọi với cái tên là quả bòng, chúng có tên khoa học là Citrus grandis (L.) Osbeck, thuộc họ Cam chanh (Rutaceae), là loại cây có nguồn gốc ở khu vực châu Á. Ngày nay, có nhiều loại bưởi xuất hiện tùy theo từng vùng, từng địa phương mà có các giống bưởi khác nhau về kích thước, mùi hương, vị ngọt…


    Bưởi là một cây ăn quả rất thơm ngon và bổ dưỡng và có nhiều lợi ích cho con người. Cây bưởi thường cao từ ba đến năm mét. Thân cây không quá to nhưng khi đến mùa lại sai trĩu quả. Từng quả bưởi có kích thước khác nhau, quả to quả bé lúc lỉu trên cành. Thân cây và cành cây có rất nhiều gai nhọn, thân bưởi không thẳng và hơi sần sùi, vỏ cây thô cứng, màu nâu đen. Đã là cây thì phải có lá và cành. Lá cây không quá to chỉ bằng một bàn tay, màu xanh đậm và có nhiều gân, chia làm hai nửa hình tròn to nhỏ như chú lật đật.


    Cành bưởi mọc ra xum xuê, xòe những tán lá rộng, bao trọn một bóng tròn dưới mắt đất. Đến mùa thu, cây bưởi sẽ ra hoa kết trái, lớn dần thành những trái bòng tròn, to như trái bóng. Hoa bưởi mang màu trắng tinh khiết và có mùi hương thơm. Mỗi mùa hoa đến, hương bưởi bay khắp mọi ngóc ngách trên làng quê, tạo nên không gian thôn dã, gần gũi với thiên nhiên vô cùng.


    Trái bưởi không chỉ la đồ tráng miệng mà có rất nhiều công dụng hữu ích. Từ hoa bưởi đến lá bưởi, cùi bưởi, … Tất cả đều có thể tận dụng làm những bài thuốc, những đồ ăn thức uống thơm ngon, bổ dưỡng cho con người.


    Cây bưởi không chỉ là một biểu tượng thân thuộc của làng quê mà mà còn là một hương vị rất riêng của đất Việt. Hiện nay, bưởi đang được trồng trên diện rộng, được lai giống nhiều loại và mang lại rất nhiều ích lợi cho người tiêu dùng và người bán. Hi vọng rằng bưởi sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ như thế, đem lại cho chúng ta một thức quả đặc biệt của đất Việt.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 4
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 4
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 4
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 4
  5. Ai xa quê hương trong lòng cũng nhớ. Nhớ về quê hương, người ta nhớ về cây đa bến nước sân đình – những sự vật thân quen gần gũi. Nhớ về quê hương, người ta cũng có thể nhớ về cây tre nơi rìa làng ngày ngày vươn cao như khí chất con người dũng cảm. Nhưng với riêng tôi, tôi nhớ về cây bưởi “sau nhà ngan ngát hương thơm”. Bưởi có thể không phải là một loài cây quá tiêu biểu cho làng quê, nhưng cũng là một loài cây quen thuộc nhiều giá trị.


    Bưởi là loại cây ăn trái thuộc chi Cam chanh. Một số tỉnh phía Bắc gọi bưởi là bòng. Trong tiếng Anh, bưởi gọi là Pomelo. Tuy nhiên nhiều từ điển Anh Việt ở Việt Nam lại dịch bưởi là grapefruit. Chính xác thì grapefruit là tên gọi bằng tiếng Anh của bưởi chùm (Citrus paradisi) - một giống cây được lai giữa cam và bưởi, quả nhỏ, vỏ giống quả cam, nhưng lại có mùi bưởi, ruột màu hồng, vị chua chua và hơi đắng. Sai lầm trong từ điển này đã dẫn đến lỗi tiếng Anh của nhiều người khác, từ đó tạo nên sự hiểu lầm trong tên gọi giữa bưởi chính thống và bưởi chùm (hay còn gọi là cam lai bưởi). Bưởi là loại cây thân gỗ, có tán lớn. Ở tuổi trưởng thành, cây bưởi cao trung bình 3 - 4m. Thân cây có màu nâu hơi ngả vàng nhạt. Ở những kẽ nứt trên thân cây đôi khi sẽ chảy mủ nhựa. Cành cây thường có gai dài, cứng và nhọn. Lá cây hình trứng, gan lá hình mang, có độ dài trung bình khoảng 10 - 12cm và rộng khoảng 5 - 6cm. Cuống lá có dìa cánh khá lớn. Hoa bưởi là hoa kép, mọc thành từng chùm khoảng 6 - 10 bông, có màu trắng. Mùi hương của hoa bưởi rất dễ chịu, có thể sử dụng để cắm hoa nghệ thuật hoặc xông hơi. Quả bưởi hình cầu, có màu xanh hoặc màu vàng tùy vào giống bưởi. Quả bưởi có múi, được hình thành từ các tép bưởi nhỏ li ti xếp cạnh nhau. Vị quả có thể chua, ngọt, the… tùy loại bưởi và thời điểm thu hoạch.


    Ở Việt Nam có nhiều loại bưởi khác nhau, tuy nhiên, một số giống nổi tiếng được biết đến như bưởi năm roi, bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn,… Bưởi năm roi có dạng quả lê, khi chín quả ngả vàng, bề mặt quả hơi nhám, vỏ dày. Tép bưởi dễ tách, nhiều nước, thịt mềm, vị chua nhẹ và rất ít hạt. Giống bưởi này cho năng suất rất cao từ 280 đến 300 quả / cây/ năm. Bưởi da xanh có đặc tính là từ khi còn non đến khi đã chín quả vẫn giữ màu xanh không đổi. Đây là giống cây đặc sản tỉnh Bến Tre và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bưởi kích thước khá lớn, vỏ mỏng. Một quả có từ 13 – 14 múi, thịt quả ngọt, ít hạt hoặc không hạt. Bưởi Đoan Hùng là giống bưởi ngọt trồng lâu đời ở Đoan Hùng (Phú Thọ). Bưởi có vỏ mỏng, khi chín có màu vàng, ăn có vị ngọt, thơm mát. Bưởi Diễn có nguồn gốc từ bưởi Đoan Hùng song có mã đẹp hơn, cây sinh trưởng khỏe, múi bưởi dày và mọng nước, quả có vị mát thanh, ngọt dịu.


    Loài cây ăn quả này mang nhiều giá trị với đời sống con người. Thân cây có thể dung làm thành than củi, chất đốt, có thể dùng để trồng nấm,..Lá cây có thể được đun nấu với các loại thảo dược khác: xả,…để xông chữa những bệnh cảm cúm, lá khô còn có thể trở thành chất đốt. Hoa bưởi thơm được ướp cho hương chè thêm thanh nồng, giúp thanh tỉnh tâm hồn người. Quả bưởi có thể dùng ăn trực tiếp bởi đó là loại quả có nhiều chất xơ, vitamin, ngừa ung thư, ngừa sỏi thận. Ngoài ra có thể dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn hấp dẫn khác: cùi bưởi dùng để nấu chè, bưởi có thể làm nước ép, tinh dầu. Vỏ hạt bưởi có thể dùng làm thuốc cầm máu. Ngay cả gai bưởi từ xưa cũng được dung để các bà các mẹ xỏ lỗ tai hay dùng để khêu ốc,… Ngày nay, bưởi còn được trồng như một thú chơi, làm cây cảnh hay quả được bày biện trong nhiều mâm ngũ quả, không thể thiếu mỗi dịp lễ tết hay ngày rằm.


    Bưởi là một loại cây ăn quả tương đối dễ trồng nên có thể trồng bưởi quanh năm. Tuy nhiên, để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, nên trồng cây và khoảng tháng 5 đến tháng 6. Cây bưởi dễ sống, ta không cần chăm sóc quá nhiều chỉ cần tưới nước hàng ngày và lựa chọn đất phù hợp, thường là những loại đất có khả năng thoát nước tốt, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây phát triển sau này. Ngoài ra, cần sát sao phòng tránh những loại sâu bệnh cho cây,nên tỉa cành lá,…giúp cây có điều kiện sinh trưởng tốt nhất. Không chỉ gắn bó mật thiết trong cuộc sống, trở thành một người bạn thân thuộc, một nét đẹp đặc trưng của làng quê Việt Nam xưa, cây bưởi còn đem đến những giá trị tinh thần khi không ít lần trở thành niềm cảm hứng:


    “Bởi vì hoa bưởi ngát hương

    Nên tôi hái tặng người thương gội đầu

    Để hồn lạc bước vào nhau

    Hương thơm quấn quýt nhớ nhau suốt đời.”

    (Bởi vì)


    Hương bưởi thơm đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca, đó như hương thơm tượng trưng cho những người yêu nhau thầm lặng:


    “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố,

    Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ,

    Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp,

    Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa

    ….

    Nào ai đã một lần dám nói

    Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối”

    (Hương thầm)


    Để rồi cũng từ hương bưởi vấn vương ấy, bài thơ đã được phổ nhạc thành bài hát da diết, nói hộ nỗi lòng gái trai thời trước. Bưởi còn đi vào thơ ca nhạc họa, là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ sĩ. Cây bưởi có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của con người. Nó là loài cây gần gũi, gắn bó thân thiết với đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Là loài cây có nhiều giá trị, ở nơi đâu cây bưởi cũng luôn được yêu quý, chăm sóc, bảo vệ.


    Đối với riêng tôi, cây bưởi có gắn với những nỗi niềm riêng, tôi nhớ những lần trèo cây hái hoa cài lên mái tóc, nhớ những lần bẻ gai bưởi để chụm đâu khêu mẻ ốc luộc mà chúng tôi mới bắt từ mương, nhớ những lần tách vỏ hạt làm khuyên tai cùng đám bạn,…Bưởi trong tiềm thức của tôi đã và sẽ luôn là người bạn thuở ấu thơ đẹp đẽ.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 5
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 5
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 5
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 5
  6. Ai xa quê hương trong lòng cũng nhớ. Nhớ về quê hương, người ta nhớ về cây đa bến nước sân đình – những sự vật thân quen gần gũi. Nhớ về quê hương, người ta cũng có thể nhớ về cây tre nơi rìa làng ngày ngày vươn cao như khí chất con người dũng cảm. Nhưng với riêng tôi, tôi nhớ về cây bưởi “sau nhà ngan ngát hương thơm”. Bưởi có thể không phải là một loài cây quá tiêu biểu cho làng quê, nhưng cũng là một loài cây quen thuộc nhiều giá trị.


    Bưởi là một loài cây thuộc chi Cam chanh, có tên khoa học là Citrus grandis Osbeck, bắt nguồn từ khu vực châu Á và dần trở thành một loài cây khá phổ biến ở Việt Nam.


    Về đặc điểm cấu tạo, bưởi là loại cây lâu năm, thuộc dạng thân gỗ, một cây trưởng thành có độ cao từ 3 – 4m. Khi còn non, thân và cành thường có màu xanh sẫm, khi lớn lên, thân cây to, rộng và chuyển sang màu xám nâu. Cây có nhiều cành, nhánh mọc từ thân chính, trên cành có những gai dài và nhọn, đây chính là điểm đặc biệt của loại cây này so với các cây ăn quả . Lá bưởi màu xanh sẫm, to bằng nửa bàn tay, hình trứng, hai đầu lá tù, dìa cánh to.


    Nụ hoa bưởi trắng, hình tròn hơi bầu, hoa mọc thành từng chùm từ 6 -10 bông. Từng cánh hoa trắng nhỏ, mỏng manh chụm vào khi còn non và nở bung khi đúng thời điểm, tỏa ra hương thơm ngan ngát.


    Rễ bưởi thuộc dạng rễ cọc, cắm sâu vào lòng đất để nuôi cây. Quả bưởi có dạng hình cầu, quả khi còn non thường có màu xanh nhẵn nhụi, khi chín, bưởi ngả màu vàng đẹp mắt. Cùi bưởi gần vỏ, màu trắng, sau lớp cùi bưởi chính là các múi bưởi. Một quả bưởi thường gồm nhiều múi nhỏ hơn, trong múi có những tép bưởi, mọng nước, chua ngọt thanh dịu. Ở Việt Nam có nhiều loại bưởi khác nhau, tuy nhiên, một số giống nổi tiếng được biết đến như bưởi năm roi, bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn,… Bưởi năm roi có dạng quả lê, khi chín quả ngả vàng, bề mặt quả hơi nhám, vỏ dày. Tép bưởi dễ tách, nhiều nước, thịt mềm, vị chua nhẹ và rất ít hạt. Giống bưởi này cho năng suất rất cao từ 280 đến 300 quả/cây/ năm. Bưởi da xanh có đặc tính là từ khi còn non đến khi đã chín quả vẫn giữ màu xanh không đổi.


    Đây là giống cây đặc sản tỉnh Bến Tre và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bưởi kích thước khá lớn, vỏ mỏng. Một quả có từ 13 – 14 múi, thịt quả ngọt, ít hạt hoặc không hạt. Bưởi Đoan Hùng là giống bưởi ngọt trồng lâu đời ở Đoan Hùng (Phú Thọ). Bưởi có vỏ mỏng, khi chín có màu vàng, ăn có vị ngọt, thơm mát. Bưởi Diễn có nguồn gốc từ bưởi Đoan Hùng song có mã đẹp hơn, cây sinh trưởng khỏe, múi bưởi dày và mọng nước, quả có vị mát thanh, ngọt dịu.


    Loài cây ăn quả này mang nhiều giá trị với đời sống con người. Thân cây có thể dung làm thành than củi, chất đốt, có thể dùng để trồng nấm,..Lá cây có thể được đun nấu với các loại thảo dược khác: xả,…để xông chữa những bệnh cảm cúm, lá khô còn có thể trở thành chất đốt. Hoa bưởi thơm được ướp cho hương chè thêm thanh nồng, giúp thanh tỉnh tâm hồn người. Quả bưởi có thể dùng ăn trực tiếp bởi đó là loại quả có nhiều chất xơ, vitamin, ngừa ung thư, ngừa sỏi thận. Ngoài ra có thể dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn hấp dẫn khác: cùi bưởi dùng để nấu chè, bưởi có thể làm nước ép, tinh dầu. Vỏ hạt bưởi có thể dùng làm thuốc cầm máu. Ngay cả gai bưởi từ xưa cũng được dung để các bà các mẹ xỏ lỗ tai hay dùng để khêu ốc,… Ngày nay, bưởi còn được trồng như một thú chơi, làm cây cảnh hay quả được bày biện trong nhiều mâm ngũ quả, không thể thiếu mỗi dịp lễ tết hay ngày rằm.


    Bưởi là một loại cây ăn quả tương đối dễ trồng nên có thể trồng bưởi quanh năm. Tuy nhiên, để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, nên trồng cây và khoảng tháng 5 đến tháng 6. Cây bưởi dễ sống, ta không cần chăm sóc quá nhiều chỉ cần tưới nước hàng ngày và lựa chọn đất phù hợp, thường là những loại đất có khả năng thoát nước tốt, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây phát triển sau này. Ngoài ra, cần sát sao phòng tránh những loại sâu bệnh cho cây,nên tỉa cành lá,…giúp cây có điều kiện sinh trưởng tốt nhất.


    Cây bưởi có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của con người. Nó là loài cây gần gũi, gắn bó thân thiết với đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Là loài cây có nhiều giá trị, ở nơi đâu cây bưởi cũng luôn được yêu quý, chăm sóc, bảo vệ.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 6
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 6
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 6
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 6
  7. Nhắc đến Việt Nam, người ta thường chỉ nhớ đến những cây tre, cây chuối dân dã chứ ít ai nhắc đến cây bưởi, một loài cây cũng khá là quen thuộc với người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Bưởi cho hoa thơm, quả ngọt, vỏ bưởi còn dùng để đun nước gội đầu cho các bà, các cô nữa. Đó là một loài cây có rất nhiều tác dụng.


    Để trồng được một cây bưởi thì có rất nhiều cách, nhưng người ta thường chiết bưởi để trồng. Cách đó rất nhanh và hiệu quả. Khi chiết nên chọn những cành nhiều lá, không cần thiết là có quả, khi cành đó mọc rễ, ta có thể cắt và cắm xuống đất để trồng. Bưởi chiết khi mới trồng sẽ rụng hết lá để bắt đầu một cuộc sống mới, một năm sau bưởi ra lá và hai, ba năm sau nó đã cao to hơn trước rết nhiều, có khả năng ra hoa kết quả được. Có rất nhiều giống bưởi như bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, bưởi Năm Roi,…


    Bưởi là loại cây ăn quả, rễ cọc, thân cành xù xì. Khi lớn bưởi có thể cao đến chục mét, có nhiều cành, xum xuê. Lá bưởi rất đặc biệt, lá nhỏ ở gần cuống, hình trái tim, lá to nối tiếp lá nhỏ hình bầu dục. Bưởi ra hoa kết quả vào hai mùa: mùa thu và mùa xuân. Hoa bưởi trắng, năm cánh, mịn, uốn cong xuống dưới để lộ ra nhị vàng, hoa cũng rất thơm, một mùi thơm dịu, nhẹ nhàng, tinh tế. Bưởi có quả tròn, nhỏ, nhưng cũng có quả rất to, thường để bày mâm ngũ quả.


    Cây bưởi gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam. Bưởi chua cho quả vào tháng tám âm lịch, tức là mùa Trung thu. Thật vậy, Trung thu phá cỗ mà không có bưởi là mất vui. Ngon nổi tiếng là bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh. Quả bưởi nhỏ, múi đều, ăn rất ngon. Vào đêm Trung thu, các nhà thường bày mâm ngũ quả lên bàn thờ và bưởi là thứ quả không thể thiếu. Tết âm lịch là mùa ra quả của bưởi ngọt. Ngày Tết, nhà nhà đều mua bưởi để ăn, để thưởng thức hết vị ngọt mát của bưởi. Cây bưởi còn có rất nhiều tác dụng khác nữa: lá bưởi, vỏ bưởi đun với hương nhu, lá sả có thể làm nước gội đầu cho thiếu nữ, rất sạch và thơm. Đó là thứ nước gội đầu được ưa chuộng chỉ sau nước bồ kết mà thôi. Hạt bưởi còn có thể chữa rụng tóc nữa. Vào một nhà dân mà vườn nhà đó trồng những cây bưởi sai trĩu quả, thưởng thức mùi thơm của hoa bưởi ta thấy trong lòng thật nhẹ nhõm.


    Cây bưởi đúng là một loài cây không thể thiếu đối với cuộc sống của dân Việt Nam. Nó là một phần của những ngày lễ, ngày hội quan trọng. Nếu thiếu bưởi thì cuộc sống tinh thần của người dân Việt Nam sẽ vô vị đến mức nào.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 7
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 7
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 7
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 7
  8. Ở thành phố chắc bạn chỉ biết trái bưởi nhưng những người từng sống ở thôn quê và vùng ven thành phố ai cũng đều biết cây bưởi.


    Cây bưởi, cái tên nghe mộc mạc, thân quen làm sao. Cái cây có họ với nhà chanh, cam cùng thuộc loài cây có múi, có dạng lá không lẫn vào đâu được, phần thùy trên của lá to đều, phần dưới qua vết thắt trở nên nhỏ hơn, cứng cáp hơn và cứ như là 2 chữ B trong chữ bưởi ráp vào nhau vậy.


    Cây bưởi không chịu ngập, không ưa úng nhưng có thể chịu hạn. Nếu trồng vùng đất đồi hoặc vùng đất cao nhiều dinh dưỡng, cây bưởi chiết nhánh sẽ cho hoa lứa đầu sau chừng hơn 1 năm. Nếu trồng từ hạt thì phải 3 năm mới cho hoa trái lứa đầu.


    Nói đến hoa, người ta không thể quên được cái vẻ "trắng ngần" của bông bưởi thường được đem ra ví với nước da trắng nõn nà của các thiếu nữ thôn quê. Cái mùi hoa bưởi cứ thoang thoảng, ngan ngát lan tỏa trong đêm. Sáng sớm bước ra vườn, không khí trong lành như được lọc sạch một cách tinh khiết bằng mùi hương hoa bưởi. Cái mùi hương ấy thường đi vào bánh trôi, bánh chay trong cái tiết Hàn thực tháng 3. Tinh dầu hoa bưởi thường được chọn bỏ vào chè, vào bánh và đặc biệt chiếc bánh dẻo đêm trung thu không thể thiếu mùi thơm hoa bưởi - dù chỉ là tinh dầu.


    Con gái quê thường tự hào với mái tóc dài mượt mà thơm ngát mùi hoa bưởi. Cái nồi nước gội đầu mẹ nấu gồm bồ kết, lá bưởi, cỏ mần trầu và ít cánh hoa bưởi rụng sao mà thơm mà quyến rũ đến vậy, chẳng loại dầu gội dù sản xuất trong nước hay nhập ngoại nào sánh bằng. Lá bưởi cũng có mặt trong nồi nước xông lúc cảm, nồi nước tắm lúc giao thừa và trong những bó lá diệt tà của ngày tết Đoan Ngọ.


    Mùa hè đến, những trái bưởi non rụng xuống thường được bọn trẻ chăn trâu hay trẻ em vùng quê chọn làm bóng đá. Cũng từ những trái bóng bưởi non này, nhiều cầu thủ chân đất đã trở thành những cầu thủ danh tiếng.


    Qua mùa tu hú, những trái bưởi lúc lỉu, trĩu cành bắt đầu vàng rám da, hương bưởi nhè nhẹ trong trái bưởi căng da. Mùa trung thu, hiếm mâm cỗ nào lại vắng mặt trái bưởi. Nào là bưởi làm chó bông, bưởi làm thỏ trông trăng. Mẹ bảo trái bưởi vừa thơm, ngon, giàu dinh dưỡng, dễ ăn lại trị được nhiều bệnh. Ăn bưởi trị được bệnh tiểu đường, kích thích tiêu hóa, chống béo phì. Hạt bưởi dùng trị bệnh sạn thận, nếu phơi khô xâu dây rồi đốt cũng thật vui.


    Vỏ bưởi dùng đun nước gội đầu, làm chè bưởi hoặc phơi khô rồi đốt chống muỗi rất hay. Và một điều mình quên kể với bạn, cái gai bưởi dùng để nhể ốc luộc ăn rất là ngon nhé!


    Cuối cùng, sau cả một vòng đời dài mấy chục năm tuổi thọ, cây bưởi lão hạ xuống sẽ giúp người nông dân làm cột làm cây chống rất tốt.


    Có bao nhiêu giống bưởi để bạn lựa chọn, Nào là Bưởi Đoan Hùng, Bưởi Diễn, Bưởi Bố Trạch, Bưởi Biên Hòa, Bưởi 5 roi, Bưởi da xanh ruột hồng... Bạn thấy đấy, cây bưởi có ích như vậy, không trồng lấy được một cây thì thật là tiếc.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 8
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 8
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 8
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 8
  9. Sau những cơn mưa xuân đầu tháng 3, những chùm hoa bưởi bắt đầu nở trắng, mang theo mùi hương dịu nhẹ và rất quyến rũ lòng người. Đối với ở vùng thôn quê, chắc hẳn chẳng ai không biết được cây bưởi thế nào. Còn đối với người thành phố, mùa hoa bưởi được trở về trên những gánh hàng rong để biết được rằng, xuân vẫn đang hiện hữu nơi đây.


    Cây bưởi là một loại cây có họ với nhà chanh, cam, quả bưởi to có màu xanh, lá bưởi cũng to hơn các loại lá cùng họ khác, phần mặt trên của lá to đều, phần dưới lại có một vết thắt nhỏ hơn. Cây bưởi rất dễ trồng, người ta thường chiết những cành bưởi, bọc một lớp đất sau đó được trồng xuống. Tùy thuộc vào từng loại bưởi khác nhau nhưng khoảng tầm một đến hai năm, cây bưởi đã bắt đầu ra hoa kết trái.


    Bưởi là loại cây rễ cọc, chịu hạn rất tốt. Hoa bưởi trắng, mịn, thường kết thành từng chùm hoa trắng rất đẹp. Hoa mang đến một mùi hương rất dễ chịu, nhẹ nhàng. Có rất nhiều người yêu thích mùi hoa ấy, vậy nên cứ mỗi độ đến mùa hoa bưởi, ta lại bắt gặp hình ảnh những gánh hàng rong được mang ra bày bán những chùm hoa trắng tinh. Có người thì mua về để ướp chè mạn, hay hấp mía cho thơm. Đặc biệt, thời xa xưa, hoa bưởi cùng lá bưởi được các bà, các mẹ nấu cùng nước để gội đầu. Cái mùi hoa bưởi ấy đã làm say đắm biết cõi lòng biết bao con người. Hiện nay, cuộc sống trở nên hiện đại hơn, hoa bưởi còn được ép để lấy tinh dầu, dùng vào rất nhiều việc và mang đến cho tinh thần con người một cảm giác rất thư thái, dễ chịu.


    Quả bưởi tròn, mềm, khi những trái bưởi non rụng xuống còn được các trẻ em thôn quê dùng làm quả bóng để đá banh. Còn những trái bưởi to già, khi chín mang đến một hương vị hơi chua chua ngọt ngọt, khiến người ăn chẳng thể nào quên được. Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết như trung thu, tết nguyên đán, mỗi nhà đều cần phải có một quả bưởi thì mới gọi là đầy đủ, sung túc. Hiện nay, có rất nhiều các loại bưởi ngon ngọt, nổi tiếng còn mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho nhiều người dân. Nổi tiếng như loại bưởi da xanh, có nguồn gốc từ ấp Thanh Sơn, xã Thanh Tân, huyện Mỏ cày. Giá trị một trái bưởi được tính từ 80-100.000 VNĐ, mà một cây bưởi thường mang đến rất nhiều quả. Chính vì thế, giống bưởi này ngày càng được lan rộng và yêu thích trên khắp cả nước.


    Bưởi cung cấp rất nhiều vitamin C, A1,…tăng cường sức khỏe cho con người, đặc biệt là những người bị bệnh tiểu đường, máu nhiễm mỡ,… khi ăn bưởi hàng ngày sẽ có tác dụng rất tốt đến việc thuyên giảm bệnh. Hạt bưởi được dùng để trị rụng tóc, điều trị bệnh sỏi thận,….


    Trải qua biết bao đời nay, cây bưởi vẫn luôn là một giống cây trồng quen thuộc, dễ chăm ở vùng quê Việt nam. Với rất nhiều công dụng và lợi ích đặc biệt, cây bưởi cần được trân trọng, chăm sóc và nhân ra nhiều loại giống tốt để góp ích cho cuộc sống con người.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 9
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 9
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 9
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 9
  10. Bưởi là một loại quả được trồng nhiều và phổ biến trên đất nước ta. Cũng bởi vì thứ quả này dễ trồng, thơm ngon và lợi ích kinh tế của nó đem lại là không hề nhỏ. Ở quê em, gia đình nào cũng trồng bưởi. Vì vậy bưởi là loại quả em thích ăn nhất.


    Bưởi có rất nhiều loại: bưởi năm roi, bưởi cam đường, bưởi Tân Triều. Nhưng em thích ăn nhất là trái bưởi ở làng bưởi Tân Triều quê em. Trái bưởi Tân Triều là đặc sản nổi tiếng mà rất nhiều người biết đến. Vì bưởi đẹp, có vị ngọt đặc trưng mà không một loại bưởi nào có thể sánh bằng. Khi quả bưởi lớn nó nặng khoảng tám trăm gam đến hơn một kí. Nó có hình bầu dục. Phần sát cuống hơi nhỏ còn phần dưới thì phình to ra. Bưởi rất sai quả và nặng trĩu cành.


    Lúc bưởi còn xanh thì vỏ của nó cũng xanh, sần sùi. Khi bưởi chín vỏ của nó không có màu vàng như những loại bưởi khác mà vỏ của nó cũng màu xanh. Bởi vậy chỉ có người trồng bưởi mới có thể biết được lúc nào là thời điểm mà bưởi chín có thể thu hoạch. Khi ăn phải để vỏ bưởi héo đi lúc ấy là lúc bưởi cho ta vị ngọt ngào nhất. Bổ quả bưởi ra, sau cái lớp vỏ xanh và lớp cùi màu trắng là những múi bưởi dần dần hiện ra. Múi bưởi to, dài ăn rất đã. Một thứ vị ngọt đậm đà mà rất đặc trưng tỏa khắp khoang miệng.


    Tép bưởi mọng nước và có màu hồng đậm. Hạt bưởi nhỏ, thỉnh thoảng chỉ có vài cái hạt chứ không nhiều hạt như một số loại bưởi khác. Bày ra đĩa trông rất đẹp mắt và ai cũng muốn ăn thật nhiều. Chính vì bưởi ngon, nhiều vitamin lại đẹp nữa nên nó là món tráng miệng phổ biến trong các nhà hàng, tiệc cưới hỏi. Nó cũng là loại quả có giá thành cao. Mọi người hay mua để bày mâm ngũ quả ngày Tết. Nó là một loại quả đem lại lợi ích kinh tế cao cho những gia đình trồng bưởi.


    Em vẫn nhớ những kỉ niệm ở làng bưởi Tân Triều quê em. Nhớ những buổi tối ngồi quây quần bên gia đình và cùng nhau thưởng thức những trái bưởi ngon lành ấy. Em càng yêu quê hương mình biết bao và trân trọng những thành quả lao động của người dân quê hương mình mang lại.

    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 10
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 10
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 10
    Bài văn thuyết minh về cây bưởi - mẫu 10


loading...