Thái Y Nhất Phẩm
Chương 39
Hôm mùng sáu tháng mười một, Long Nguyên Đế đã phê chuẩn cho thỉnh cầu cáo lão hồi hương của Vương Thái y, thuận tiện bảo năm nay ông ta có thể ở nhà ăn tết.
Đừng nói mọi người, ngay chính Vương Thái y cũng bị bất ngờ, bởi vì vụ thỉnh cầu này ông ta làm mỗi năm trong suốt ba năm qua, nhưng Long Nguyên Đế luôn khuyên ông ta ở lại.
Vốn tưởng rằng năm nay sẽ giống năm rồi trấn an như vậy, ai ngờ hóa ra lại phê chuẩn.
Mọi người trong Thái Y Viện đồng loạt tiến lên chúc mừng, còn nói muốn góp tiền làm bữa tiệc tiễn đưa.
"Lão huynh đang hưởng tuổi hạc, làm lụng vất vả nửa đời nên trở về nghỉ ngơi." Có đồng liêu rất hâm mộ, "Từ nay về sau ngậm kẹo đùa cháu vui thú điền viên, lão huynh thật có phúc!"
"Đúng vậy đúng vậy, nghe nói lệnh lang cũng là trò giỏi hơn thầy, thật có thể nói là gia tộc Hạnh lâm..."
"Đáng thương cho con cháu ta chờ không được phúc phần này, e là phải làm việc đến khi chết già!"
Vương Thái y chắp tay cảm tạ một vòng, nhìn Thái Y Viện vô cùng náo nhiệt, trong lòng khó tránh khỏi vài phần chua xót và mất mát.
Đặc biệt nghe câu nói của người cuối cùng, nụ cười trên mặt cứng đờ, không thể phân rõ đối phương là thiệt tình hay mượn cơ hội châm chọc.
Ông ta trao cho thái giám truyền chỉ phong bao lì xì, uyển chuyển hỏi: "Bệ hạ không còn dặn dò gì khác sao?"
Thái giám truyền chỉ gật đầu: "Vâng, ngài còn cầu điều gì khác à?"
Vương Thái y vội nặn ra nụ cười: "Không có, ta chỉ lo lắng mình đi rồi Thái Y Viện sẽ bị thiếu người, không biết khi nào bệ hạ chọn người bổ khuyết, ta cũng được an tâm."
Thái giám kia nghe xong mỉm cười đáp: "Hóa ra là vì điều này, ngài không cần lo lắng, cứ yên tâm nghỉ hưu.
Bệ hạ nói không vội điều người thay thế, bệ hạ đã có an bài."
Vừa nghe lời này, đáy lòng Vương Thái y luôn le lói một tia hy vọng nháy mắt tan thành mây khói, chỉ cảm thấy miệng mồm khô đắng.
Cái gọi là 'Tài năng', tuy nhìn không thấy sờ không được nhưng thật sự quan trọng, ông hành y hơn nửa đời người, tự biết tài năng có hạn, dù sử dụng hết toàn lực cũng khó có thể tiến thêm một bước.
Vì thế ông định dùng hơn ba mươi năm thâm niên đổi một tiền đồ cho nhi tử, ai ngờ biến khéo thành vụng...
Có lẽ do ông cứ lôi chuyện nghỉ hưu của mình ra để làm bộ làm tịch, e là Long Nguyên Đế đã bực, cho nên ngay cả thể diện cuối cùng là giữ lại kinh thành ăn tết cũng không cho...
Khổ nỗi ông đâu còn biện pháp khác, người làm cha tính toán thay cho nhi tử chẳng phải là chuyện 'thiên kinh địa nghĩa'?
Nghĩ đến đây, thân hình Vương Thái y hơi còng xuống.
Mọi người trong Thái Y Viện nghe thái giám truyền chỉ nói xong, đồng loạt suy đoán xem ai sẽ được chọn thay thế.
Tính ra, có hai cách để được nâng lên thành Thái y trong Thái Y Viện:
Một là lựa chọn theo thứ tự từ dưới lên trên lần lượt bổ sung.
Hai là địa phương tiến cử danh y lên kinh thành rồi thông qua khảo hạch.
Nhưng hơn nửa năm qua chưa từng nghe nói nơi nào có danh y đặc biệt xuất sắc, e rằng phải tuyển chọn trong số hai mươi bốn, à quên, hai mươi ba Lại mục hiện tại.
Kế tiếp sẽ chọn hai người trong nhóm y sĩ tăng chức thành Lại mục...!Như vậy là thỏa đáng nhất.
Bên kia.
Trong cung Thái Hậu luật lệ nghiêm cẩn, cấm tuyệt cung nhân trên dưới truyền tin tức lung tung, cho nên Hồng Văn và Hà Nguyên Kiều hoàn toàn không biết gì về vụ này.
Sức khỏe của hai vị Hoàng tử tốt hơn rất nhiều so với nửa năm trước, lần này bị cảm lạnh cũng phát hiện kịp thời, do đó uống thuốc bốn ngày là đã khỏi hơn phân nửa.
Hôm nay sau trận tuyết trời quang đãng, Hồng Văn lại dẫn hai Hoàng tử ra ngoài hành lang hít thở không khí nói chuyện dân sinh.
Long Nguyên Đế là Hoàng đế tốt, Trưởng công chúa là Công chúa tốt, Hồng Văn hy vọng trong tương lai hai vị Hoàng tử cũng có thể thành một minh quân một hiền thần tạo phúc cho dân.
Ban đầu Hà Nguyên Kiều thấy hành động của Hồng Văn khiến anh ta hãi hùng khiếp vía, sợ Hồng Văn bị gán cho tội danh đi quá giới hạn.
Ai ngờ mấy ngày qua đi, Thái Hậu chẳng những không ngăn cản, ngược lại thường sai người tới đưa điểm tâm, nghiễm nhiên ngầm đồng ý, lúc này Hà Nguyên Kiều mới an tâm.
"Hai vị điện hạ biết vì sao bá tánh dân gian vừa thích vừa ghét trời đổ tuyết lớn hay không?" Hồng Văn chỉ vào đống tuyết đọng ở góc tường hỏi.
Ánh nắng chiếu trên người ấm áp, quả thực là động lực cho người lười nhác vươn vai.
Nhưng Hà Nguyên Kiều là người Giang Nam, không chịu nổi cái lạnh rét buốt của Vọng Yến Đài, ăn cơm xong là ôm lò sưởi tay rúc trên giường đất trong phòng, chỉ thỉnh thoảng ló đầu qua khung cửa sổ, tỏ vẻ chính mình còn chưa bị đông chết.
Đống tuyết trắng tinh, hai cậu nhóc liếc nhau, bắt đầu vắt óc suy nghĩ.
Qua một lát, bàn tay mũm mĩm của Ngũ Hoàng tử giật giật ống tay áo Hồng Văn: "Sẽ té ngã, sẽ sinh bệnh, đau lắm."
Mấy ngày trước bé và Tam ca bị trời tuyết rét lạnh làm bịnh một trận khó chịu lắm đấy.
Hừ, trời tuyết thật không ngoan, là đứa thích gây sự phá hư!
Hồng Văn cười khích lệ: "Đúng vậy, tuyết rơi khiến trời rét đường trơn, bá tánh đi lại khó khăn, chẳng may sinh bệnh hay té ngã bị thương thì phải uống thuốc, không chỉ đau mà còn tốn bạc.
Nếu dùng bạc để mua thuốc thì họ không thể mua đồ ăn áo mặc."
Ngũ Hoàng tử trầm ngâm một chút, lôi từ trong túi tiền đeo bên hông hai viên bạc nhỏ, đặt trong lòng bàn tay thịt mum múp đưa qua: "Ta sẽ cho họ tiền mua đồ ăn."
Hồng Văn cảm động xoa má cậu nhóc: "Thật ngoan, nhưng có câu 'Đưa cá cho người chi bằng dạy người bắt cá', điện hạ biết không?"
Sang năm Ngũ Hoàng tử mới học vỡ lòng, mấy ngày nay bắt đầu đọc Thiên Tự Văn, nghe xong lời này ngơ ngác lắc đầu.
Tam Hoàng tử chậm rãi giải thích: "Lời này ý là, trực tiếp đưa cá thì người ta ăn hết chỉ một ngày, sau đó vẫn bị đói chết, đấy là trị ngọn không trị gốc.
Quan trọng nhất là dạy người ta biện pháp đánh cá, đã có tay nghề thì tương lai tự nhiên ăn no mặc ấm.
Cho nên phụ hoàng vẫn luôn xây dựng công xưởng khắp nơi, phái người đào tạo phát triển nông nghiệp, chứ không phải chỉ đơn thuần bố thí cứu tế."
"Điện hạ giỏi quá!" Hồng Văn vỗ tay, mấy cung nhân vẩy nước quét nhà xung quanh thấy thế cũng hùa theo reo hò khiến mặt Tam Hoàng tử đỏ bừng.
Hồng Văn thầm nghĩ cái gì mà "từ nhiều năm trước", hiện giờ ngươi mới nhiêu tuổi?
"Tam ca thật là oách," Ngũ Hoàng tử cực kỳ sùng bái, sau đó nhíu mày truy vấn: "Vậy nếu không có cá thì sao?"
Tam Hoàng tử khịt mũi: "Ngốc quá, đây chỉ là ví dụ! Nếu không có cá thì trồng trọt, không thể trồng trọt thì đi săn, không nữa thì dệt vải, buôn bán, mọi thứ đều có thể."
Ngũ Hoàng tử thắc mắc: "Đi săn là gì, mọi thứ đều có thể là gì?"
Tam Hoàng tử đột nhiên cảm thấy đau đầu: "Ừm, chờ đệ lớn lên sẽ biết."
Ngũ Hoàng tử thở dài, chống cằm nói: "Thật muốn lớn lên nhanh hơn."
Tam Hoàng tử nghiêm nghị chỉnh: "Con nít không thể thở dài."
"Cơ mà Tam ca vẫn thường xuyên thở dài đấy." Ngũ Hoàng tử nghiêm túc chỉ ra.
Tam Hoàng tử cứng họng, khóe mắt thoáng nhìn Hồng Văn đang cố nhịn cười, không khỏi hơi luống cuống: "Đó là vì...!đó là vì...!ta đã là người lớn! Người lớn đương nhiên có thể thở dài!"
Ngũ Hoàng tử đếm đầu ngón tay liệt kê: "Người lớn không cần móc ngoéo, còn có thể thở dài, ôi, lớn lên thật tốt!"
Vì sao con nít có quá nhiều thứ không thể làm vậy chứ?
Thấy thế, Tam Hoàng tử dứt khoát chuyển đề tài: "Để ta dạy đệ viết chữ."
Nói xong cũng không sai người đi lấy giấy bút mực, cúi đầu nhìn quanh tìm một nhánh cây.
Bạch tiên sinh từng nói, khi còn trẻ ông thường nổi thi hứng sau trận tuyết lớn, tìm một nhánh cây viết chữ trên mặt tuyết ngay tại chỗ, nghe ra vô cùng phong nhã, nhóc đã muốn bắt chước từ lâu.
Thực mau có tiểu thái giám vẩy nước quét nhà lanh lợi cầm tới một cây gậy gỗ ngắn bóng loáng: "Đây là phần cán của cây chổi lông gà đã không còn dùng được, nô tài thấy đẹp nên giữ lại, rất sạch sẽ ạ."
Hồng Văn nhận ra tiểu thái giám này chính là người hôm đó bị đau vì trượt ngã, cười tiếp nhận: "Đa tạ, thương thế của ngươi khỏi chưa?"
Tiểu thái giám gật đầu thật mạnh: "Vâng, uống ba thang thuốc là khỏi hoàn toàn ạ, vẫn chưa chính thức cảm tạ ngài."
Hồng Văn xua xua tay, cầm một đầu cây gậy gỗ ấp trong tay cho ấm mới đưa Tam Hoàng tử: "Hôm đó ngươi đã cảm tạ."
Tiểu thái giám hơi ngượng ngùng, chỉ khúc khích cười ngây ngô.
Thái Hậu nhân từ, luôn khoan dung với tôi tớ trong cung, chỉ cần làm xong nhiệm vụ là được, không câu thúc bọn họ.
Tiểu thái giám đã quét sân xong, lúc này không trở về phòng sưởi ấm mà cứ theo bên cạnh Hồng Văn, khuyên thì hắn nói ngay: "Nô tài không sợ lạnh, nếu hai vị điện hạ và ngài cần gì thì có người tiện sai sử."
Thấy hắn khăng khăng như thế, Hồng Văn cũng không cố khuyên: "Đúng rồi, gọi ngươi là gì?"
Tiểu thái giám cười: "Nô tài là Tiểu Khuyên Nhi."
Hồng Văn hiếu kỳ hỏi: "Tại sao kêu như vậy?"
Tiểu Khuyên Nhi thẹn thùng kể: "Hồi mới tiến cung, nô tài bị chân vòng kiềng, công công cấp trên đã đặt cho nô tài tên này."
Khi nói lời này, trông hắn thật sự rất vui vẻ.
Bởi vì khi ở quê, những đứa trẻ nhà nghèo làm gì có tên, con nhà ai cũng đều kêu thằng cả thằng hai là xong.
Vào cung bị "tịnh thân" tuy rằng rất đau, hắn cũng lén khóc vài lần, nhưng nghĩ đến mình được đặt tên lại vui ngay, cảm thấy giống như tái sinh một lần.
Nguồn năng lượng khó tả này đã ở bên hắn cho đến ngày hôm nay.
Thấy Tiểu Khuyên Nhi luôn nhìn lén Tam Hoàng tử dạy Ngũ Hoàng tử viết chữ, Hồng Văn hỏi: "Ngươi biết chữ à?"
Tiểu Khuyên Nhi lắc đầu, rồi lại gật đầu: "Lúc trước nô tài thấy các đại thái giám và cung nữ tỷ tỷ viết qua, nô tài cũng trộm nhớ mấy chữ."
Hồng Văn rất kinh ngạc, Tam Hoàng tử nghe vậy cũng ngẩng đầu, chỉ vào mấy chữ mình vừa viết trên mặt tuyết: "Ngươi nhận thử xem."
Tiểu Khuyên Nhi thật cẩn thận vươn đầu nhìn vài lần: "Chữ kia là 'tam', 'tử', 'văn', còn chữ kia là 'tuyết'.
Nô tài ngu dốt, mấy chữ khác không nhận được ạ."
Trên tuyết viết "Hoàng tam tử Văn Tu Tề thưởng tuyết hữu cảm", xác thật không nhận sai.
Tam Hoàng tử kinh ngạc: "Ngươi nhận được khá nhiều chữ đấy."
Tiểu Khuyên Nhi gãi gãi đầu, ngượng đến mức mặt mày đỏ ửng.
Hồng Văn đánh giá hắn, đột nhiên hỏi: "Muốn biết chữ không?"
"Muốn ạ!" Tiểu Khuyên Nhi buột miệng thốt ra, đôi mắt sáng lấp lánh nhưng lập tức ảm đạm, tựa như ngọn lửa bị gió lạnh thổi tắt, "Chỉ là, chỉ là..."
Chỉ là hắn nào có phúc này.
"Ta dạy cho ngươi." Hồng Văn nói.
Tiểu thái giám này không giống với những thái giám Hồng Văn đã gặp, ánh mắt trong sáng, có lòng khao khát cầu tiến, cho nên Hồng Văn không nhịn được muốn đưa tay ra giúp một phen.
Tiểu Khuyên Nhi đỏ bừng mặt, hai tay xoắn vào nhau như muốn gãy nát, lẩm bẩm nói không nên lời, "Nô tài, nô tài..."
Tam Hoàng tử cũng thấy hứng thú, nghiêng đầu hỏi: "Về sau ngươi muốn làm gì?"
Tiểu Khuyên Nhi liếc Hồng Văn một cái, thấy anh chàng gật đầu cổ vũ thì chợt cảm giác nguồn năng lượng không tên tự đáy lòng lại trào dâng lần nữa, mặt đỏ như sắp rỉ máu.
Lòng dũng cảm không thể giải thích được thúc giục, hắn mạnh dạn đáp: "Nô tài, nô tài muốn ra cung làm buôn bán nhỏ!"
Hắn muốn làm chưởng quầy, muốn đường đường chính chính đoàn tụ với người nhà!
Tam Hoàng tử sửng sốt, theo bản năng nhìn về phía thái giám đi theo hầu mình: "Các ngươi có thể rời cung à? Tại sao ta chưa bao giờ nghe nói qua?"
Thái giám kia cũng vô cùng kinh ngạc: "Hồi bẩm điện hạ, theo lý là có thể ạ.
Bệ hạ nhân từ, ban lệnh cung nữ thái giám chỉ cần qua hai mươi tuổi là có thể tự xin ra cung sinh sống.
Ngặt nỗi thứ nhất thái giám không giống cung nữ có thể lấy chồng sinh con, thứ hai lúc trước nếu lựa chọn tiến cung, thân thích phần lớn coi như đoạt tuyệt.
Hiện giờ dù đi ra ngoài cũng chỉ là người cô đơn chờ chết, chi bằng lưu lại trong cung, ít nhất mọi người tụ họp một chỗ còn có thể ăn bữa cơm chung."
Ngũ Hoàng tử bỗng khụt khịt, đôi mắt đỏ hoe: "Thật tội nghiệp quá!"
Thái giám kia cười nói: "Chọc điện hạ thương tâm là nô tài không phải.
Thật ra nhờ các chủ tử nhân từ, không động một chút là đánh chửi, so với ở bên ngoài chịu đói chịu rét tốt hơn nhiều lắm ạ."
Tam Hoàng tử cảm thán: "Hóa ra phụ hoàng cần chính như vậy mà vẫn có người ăn không đủ no mặc không đủ ấm!"
Hồng Văn nói: "Thiên hạ quá lớn, dân chúng nhìn trời ăn cơm, cứ lo năm nào mưa quá nhiều úng đất hoặc nắng quá nhiều khô hạn, vậy thì mùa màng không thu hoạch đủ, đây là vấn đề không thể tránh được."
Tam Hoàng tử thở dài như ông cụ non: "Tuy nói như thế nhưng vẫn khiến người cảm thấy hụt hẫng."
"Con có thể nghĩ như vậy, lòng trẫm rất an ủi." Sau lưng bỗng vang lên giọng Long Nguyên Đế.
Mọi người đầu tiên là sửng sốt, sau đó răm rắp xoay người hành lễ.
Long Nguyên Đế vẫy tay cho mọi người đứng lên, trước tiên vui mừng vỗ vỗ vai Tam Hoàng tử, xoa đầu Ngũ Hoàng tử, sau đó nhìn Hồng Văn đầy ẩn ý.
Hồng Văn buột miệng thốt lên: "Thần chẳng hề làm gì cả ạ!"
Long Nguyên Đế: "...!"
Trẫm nói gì sao? Nhìn ngươi đúng là có tật giật mình!
Cũng không biết Hoàng đế đã đứng nghe bao lâu, chắp tay sau lưng lững thững đi vài bước rồi hỏi Hồng Văn: "Nghe nói mấy ngày nay ngươi dạy hoàng nhi không ít?"
Hồng Văn tức khắc cảm thấy da đầu tê dại, rõ ràng là cha ruột người ta tới tính sổ, vội vàng thưa: "Thần không...!À ừm, thần chỉ nói một ít về cuộc sống của bá tánh bên ngoài cho vui thôi ạ, thật sự không có gì khác."
"Vậy lúc nãy ngươi hỏi bá tánh vì sao vừa thích vừa ghét trời đổ tuyết, cũng chỉ hỏi cho vui?" Long Nguyên Đế cười như không cười.
Rốt cuộc ngài nghe lén bao lâu thế?!
Hồng Văn sờ sờ mũi, lí nhí: "Chỉ, chỉ thuận miệng nhắc tới..."
Mình sẽ không bị phạt chứ?
Anh chàng cúi đầu không dám nhìn cha ruột người ta, còn Long Nguyên Đế dạo tới dạo lui rồi đứng trước mặt hắn bất động, cứ nhìn chằm chằm đến mức Hồng Văn nổi da gà đầy người.
Cũng không biết trải qua bao lâu, Hồng Văn nghe thanh âm nghiêm túc của Long Nguyên Đế vang lên trên đỉnh đầu mình: "Lại mục Hồng Văn Thái Y Viện tiếp chỉ."
Hồng Văn sửng sốt, theo bản năng quỳ xuống.
"...! Tận tâm trong công việc, biết lo lắng những gì người khác không thể lo lắng, nhân phẩm xuất chúng y thuật tinh vi, lần này có công chăm sóc sức khỏe cho hai vị Hoàng tử, ngay trong ngày tấn phong thành Thái y." Trong giọng nói Long Nguyên Đế bỗng mang theo ý cười, dùng mũi chân đá đá mông Hồng Văn, "Mặt khác, trẫm đặc biệt ân chuẩn cho ngươi nói chuyện với các Hoàng tử về sinh kế của người dân bên ngoài khi rảnh rỗi, nhưng không được phép dối gạt."
Cái gì?
Thái y?!
Mình thăng quan?
Hồng Văn choáng váng.
Phía sau Hà Nguyên Kiều nhìn không được, dùng sức hắng giọng thật mạnh.
Lúc này Hồng Văn mới phục hồi tinh thần, thiệt tình dập đầu hành lễ bằng cả tấm lòng: "Thần tạ chủ long ân!"
Mình thăng quan rồiii!
Bổng lộc cao hơn rồiiiiiiiii!.
Thái Y Nhất Phẩm