Ta Không Làm Thiếp
Chương 39: Chương 39
Qua được mấy ngày ý đậm tình nồng, hôm đó Thẩm Lan đang đứng trước chiếc bàn gỗ lê vàng vẽ hoa văn như ý, nâng một cây bút tre lông sói, chấm mực, tỉ mỉ phác nên cành liễu trên giấy Ngọc Tiết.
“Họa liễu trước hết phải họa từ thân đến cành trước, sau đó mới họa từ ngọn tới lá.” Bùi Thận đứng bên cạnh hướng dẫn: “Trước tiên, ta vẽ ra thân cây liễu, cành liễu khúc khuỷu đung đưa, đoạn này nên dùng bút pháp kiểu Kim Thác Đao (1) để vẽ.”
Thẩm Lan được y dạy dỗ ba năm, nghe vậy, nàng đeo đồ quấn cổ tay vào, trong chốc lát đã vẽ xong một bức liễu rũ.
Nàng ngắm nghía tỉ mỉ tác phẩm lớn của mình một phen, gác bút vào bình rửa bút ba chân vẽ hình hoa mai, vừa lòng nói: “Tặng ngài đấy.”
Bùi Thận sửng sốt, nhịn không được bật cười: “Đây chỉ là bản vẽ luyện tay của nàng mà thôi, đem tặng cho ta như thế, không hợp tình lắm đâu?”
Thẩm Lan dùng ngón tay gõ lên cành liễu trên giấy, nhướng mày nói: “Mỹ nhân tặng ngài Kim Thác Đao, vậy mà ngài không muốn?”
Bùi Thận cười lớn một tiếng, lập tức tháo vòng bạch ngọc song ngư đeo bên hông xuống đáp lễ:
“Mỹ nhân tặng ta kim thác đao,
Sao để báo đáp, ngọc quỳnh dao.” (2)
Thẩm Lan nhận lấy vòng ngọc kia, đeo lên đai lưng của mình, ngắm nhìn một lát mới nói: “Nước ngọc rất đẹp, xứng đôi với tranh của ta.”
Dùng bức vẽ luyện tay chơi chơi, dám mang đi đổi vòng bạch ngọc giá trị năm lượng bạc ròng.
Bùi Thận bị nàng chọc cười, cầm cây quạt Kim Xuyên gõ trán nàng, cười mắng: “Nàng đúng là biết làm ăn đấy.” Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Thẩm Lan liếc nhìn y, cười hỏi: “Ta tặng ngài bức họa này, ngài không vui sao?”
Bùi Thận biết rõ nàng tinh ranh, mở miệng chắc chắn có hố đang chờ phía sau, nhưng dù thấy rõ như vậy, cuối cùng y vẫn cam tâm tình nguyện nói: “Vui chứ.”
“Ngài đã thấy vui vẻ, lẽ nào niềm vui của ngài không đáng giá hơn cái vòng ngọc này sao?”
Bùi Thận cười to, gật đầu liên tục: “Tất nhiên là đáng hơn rồi.”
Thẩm Lan giả vờ tin tưởng: “Đáng thì tốt rồi.”
Bùi Thận bị nàng dùng lời lẽ lòng vòng một hồi, không những không giận, ngược lại còn thấy sướng vui trong lòng.
Đã nhiều ngày nay, nàng quả thực như đổi một con người khác.
Tính tình hoạt bát, nói năng dí dỏm, tinh nghịch thích đùa, rất giống một miếng bánh nếp đường, nhai vào dính răng, khiến người bức bối, ấy vậy mà vẫn thích thú cái vị ngọt lan tỏa trong khoang miệng, thấm vào tận trong lòng.
Bùi Thận thấy nàng như vậy, cảm thấy trái tim như cũng mềm tan ra, dịu dàng nói: “Thấm Phương, qua bảy tám ngày nữa, ta sẽ phải đi Sơn Tây để nhậm chức, lúc đó nàng hãy theo ta đi thôi.”
Thẩm Lan cũng không quá bất ngờ, chỉ gật đầu: “Vậy ta đi dặn dò nha hoàn, vú già trong viện lo chuẩn bị hành lý.”
Bùi Thận gật đầu, nắm tay nàng nói: “Mấy ngày tới, ban ngày ta có việc cần phải ra ngoài, không thể ở cạnh nàng, nàng cứ an tâm, thong thả đợi trong nhà.”
Thẩm Lan không chút nào kinh ngạc, sắp tới ngày nhậm chức, Bùi Thận có hàng dài những vị các lão trong triều, trưởng bối phải đi chào tạm biệt, đồng liêu bạn bè cần giao hảo, thậm chí còn phải yết kiến Hoàng đế các thứ, tất nhiên không có dư thời gian lãng phí trên người nàng.
Huống hồ, người một lòng hướng về quyền lực như Bùi Thận, có thể dành ra nửa tháng để bồi đắp tình cảm mặn nồng với nàng, Thẩm Lan đã đủ thấy kinh ngạc.
Nàng gật đầu, cười đáp: “Ngài cứ lo việc của mình đi thôi.”
Bùi Thận tươi cười hài lòng.
Y rất thích điểm này của Thấm Phương, biết tiến thối, biết nặng nhẹ, biết đúng mực.
Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Nói rồi, Thẩm Lan nghiêng người tránh ra, cầm một thỏi mực Tùng Yên sáu cạnh, cẩn thận mài ra.
Bùi Thận lấy từ trong hộp khắc sơn nhỏ trên án một tờ giấy Bạch Lộc to chừng hai ngón tay, cẩn thận dùng lối Quán Các Thể, viết xuống năm chữ “Quyến sinh Bùi Thận bái”.
Trần các lão tính thích đơn giản, chữ phải viết trên giấy Bạch Lộc.
Mà Thôi các lão thì xa hoa lãng phí hơn một chút, phải đổi sang giấy Bạch Lục có vòm hoa màu hồng từ bột nước.
Các quan lớn trong triều mỗi người một tính cách, tình nghĩa thì sâu cạn khác nhau, có người là địch, cũng có người là bạn, cho nên cách ghi bái thiếp cũng không đồng nhất.
Có đan hồng, song hồng, tiêu kim, phùng đoạn… Những lắt léo bên trong rất nhiều, khiến Thẩm Lan nhìn mà trố mắt không thôi.
Bùi Thận dùng mười lăm phút để viết xong các bái thiếp xin gặp các vị các lão, lại tự mình viết thiếp cho các bạn đồng niên, đồng hương, sau đó gọi Trần Tùng Mặc tới, bảo hắn mang gửi đi.
Hôm sau, sáng sớm Bùi Thận đã ra ngoài, để lại Thẩm Lan ở nhà chán ngán ngây người.
“Bảo Châu, có gì vui để chơi không?” Thẩm Lan nhàm chán hỏi.
Bảo Châu đang cầm chiếc lược gỗ đàn, tỉ mỉ nhẹ tay vấn tóc cho nàng, nghe thế mới cười: “Cô nương muốn chơi bài không? Trên giá đang có một bộ bài ngà voi ba mươi hai tấm.”
Thẩm Lan lắc đầu: “Các em nào dám thắng ta? Còn phải vắt óc nghĩ cách để ta thắng, thật là vô nghĩa.”
Bảo Châu vốn định đề xuất đánh mã điếu, nghe vậy cũng đành thôi, lại nói: “Nếu vậy, hay là chơi ném xúc xắc?” Ném xúc xắc đều dựa vào may rủi, dĩ nhiên cũng không thể nói người khác cố vắt óc nghĩ cách để thắng Thẩm Lan được.
Ai ngờ Thẩm Lan lắc đầu: “Ném xúc xắc thắng hay thua đều là chuyện của trời, sáng nay trời hơi mưa lất phất, có thể thấy tâm trạng của ông trời cũng không tốt lắm.”
Bảo Châu lại đề nghị: “Nếu thế, hay là chơi ném thẻ vào bình.”
Thẩm Lan nghiêm túc đáp: “Tay nghề ném thẻ của ta rất kém, ném chưa chắc trúng, chứ đừng nói tới ném cho đúng thế ỷ can, thế đới kiếm, thế liên hoa tiêu…”
Thế này không được, thế kia cũng không xong, Bảo Châu ríu rít xin tha: “Cô nương, nô tỳ hết nghĩ ra cái gì rồi.”
Thẩm Lan thở dài một tiếng, rầu rĩ ngồi nhìn mưa bay ngoài hiên cửa sổ, bỗng nhiên nói: “Bảo Châu, lúc nhỏ em hay chơi những gì?”
Bảo Châu lần lượt kể ra: “Nhảy dây, đá cầu, tung hứng, toàn là mấy trò chơi dân dã thôi.”
“Em nhắc ta mới nhớ.” Thẩm Lan lẩm bẩm: “Hội chùa mấy hôm trước, không chỉ nhảy dây, đá cầu, trong đội rước Thần còn có những người hát xướng theo kịch, vui lắm.” Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Bảo Châu cười nói: “Cô nương cũng thích nghe những thứ này sao? Lão thái thái có nuôi một gánh hát hí nhỏ trong phủ, tuy không hát những vở trong nhạc viện, nhưng cũng là có thể lên sân khấu hát ra dáng.
Nếu cô nương thích, cứ đi qua chỗ Lão thái thái…”
Bảo Châu nói đến đây, bỗng kinh hoảng quỳ xuống: “Cô nương, nô tỳ có tội, là nô tỳ không đúng.”
Thẩm Lan vốn đã uể oải, lúc này càng thêm rũ rượi, chỉ xua tay: “Đứng lên đi.
Không liên quan gì đến em.”
Một đứa thiếp hầu thôi, chạy tới tìm lão tổ tông của Phủ Quốc Công, đòi gánh hát tới hát khúc cho nàng nghe… Thẩm Lan ngắm nhìn người đẹp trong gương, cười nhạt, đây chính là cái giá khi làm thiếp đấy thôi.
Nàng xua tay nói: “Thôi, em ra ngoài đi, ta ngồi một mình yên tĩnh chút.”
Ra khỏi cửa, đi tới hành lang, thấy bốn bề vắng lặng, Thu Hạnh lúc này mới thấp giọng nói: “Bảo Châu tỷ tỷ, có cần đi mời Gia tới?”
Bảo Châu hơi giật mình, lắc đầu: “Đừng nói bậy.”
Thu Hạnh mới tới nửa tháng, lúc nào cũng bị Bảo Châu đè đầu, khó tránh khỏi muốn biểu hiện trước mặt Thẩm Lan một chút, lại thì thầm nói: “Bảo Châu tỷ tỷ, tỷ đề xuất nhiều trò chơinhư vậy, phu nhân không ưng lấy một cái, đâu phải là do những thứ này chơi không vui, rõ ràng là không có Gia bên cạnh, phu nhân làm gì cũng chán nản, thiếu tinh thần thôi.”
Nói xong, lại hạ giọng tiếp tục: “Mới rồi phu nhân còn nhắc tới hội chùa, lần đó là Gia dẫn phu nhân đi xem, lúc này phu nhân nhắc tới, có lẽ là có ý mong Gia bầu bạn cạnh nàng chăng.”
Bảo Châu hơi ngây ra, rồi lại sầm mặt, lạnh lùng sắc bén nói: “Em điên rồi phải không? Làm nha hoàn, các chủ nhân nói gì thì là cái đó.
Phu nhân chưa nhắc tới mời Gia, em lắm miệng làm gì? Coi chừng chọc chủ nổi giận, đuổi cổ em ra khỏi viện!”
Thu Hạnh bị dọa sợ, mới thôi ý định lấy lòng Thẩm Lan.
Chạng vạng, Bùi Thận uống chút rượu nhạt xã giao lúc này mới về, uống chén canh giải rượu, người mới tỉnh táo lại, cười hỏi: “Ngày nay ở nhà chơi những gì?”
Thẩm Lan chán chường ngồi trên sạp mỹ nhân, nghe vậy, ngẩng đầu nói: “Còn có thể chơi gì chứ? Không được ra ngoài phủ, cũng không thể đi dạo quanh trong sân.” Một thiếp hầu như nàng, phải sáp tới chỗ các vị tiểu thư, thái thái, hay là nên gom chung với thiếp thất của những phòng khác?
Bùi Thận cười đáp: “Nàng nếu rảnh rỗi sinh chán, có thể tự tập viết, vẽ tranh, hoặc là đọc vài quyển sách.” Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Thẩm Lan hỏi: “Tháng tám tới kỳ thi Hương, ta ngày ngày đọc sách tập viết, phải chăng có thể đi khảo Trạng Nguyên?”
Bùi Thận bị nàng chọc cười: “Một tu mi tài tử (3) miệng lưỡi sắc bén thế này, không để nàng khảo Trạng Nguyên quả là đáng tiếc.” Dứt lời, vươn tay ôm lấy nàng.
Thẩm Lan để mặc y ôm lấy, dịu ngoan nằm trong ngực y, lầu bầu: “Trạng Nguyên hay không cũng thế thôi, chỉ là ngài vừa đi khỏi, cả ngày ta đều thấy rảnh rỗi, chán chường.
Hôm nay, vốn định hỏi hai nha hoàn xem có gì hay để chơi không? Ai ngờ em ấy nhắc tới nhảy dây.
Làm ta bỗng nhiên lại nhớ tới hội chùa mấy hôm trước, trong đội rước Thần không chỉ có nhảy dây, còn có người hát hí kịch nữa, nhìn là thấy buồn cười rồi.”
Thẩm Lan thơ thẩn chơi đùa dải lụa bên hông y, thuận miệng nói: “Ta có thể mời một tiên sinh nữ kể chuyện tới, nghe nàng hát mấy bản hí kịch, hài kịch được không?”
Bùi Thận vuốt ve tóc mai của nàng, lắc đầu: “Những người làm nghề kể chuyện như tiên sinh nữ, tiên sinh mù, nữ giúp việc, đi từ nam ra bắc để hành nghề, hay làm những chuyện dơ bẩn, quen bàn lộng thị phi.
Vào phủ suốt ngày hát những tiết mục bậy bạ, thậm chí còn muốn leo lên các nam chủ nhân trong phủ, dễ gây thui chột nề nếp gia phong.”
Thẩm Lan nghe vậy nhíu mày: “Nhưng ta ở chỗ này thật là chán ngán, các nha hoàn vú già cũng không dám nhiều lời, chơi cùng ta còn trăm phương nghìn kế muốn ta thắng, sợ ta không hài lòng.
Chẳng thà nghe kịch còn vui hơn.”
Bùi Thận: “Niệm Xuân chưa đi, nàng có thể sang bên ấy trò chuyện tán gẫu.”
Vừa nói đến đây, Thẩm Lan phát bực, đứng dậy: “Ngài có ý gì vậy? Ngài vừa về cũng không muốn nói chuyện với ta? Vậy mà đuổi ta đi trò chuyện với người khác?”
Bùi Thận kinh ngạc ngẩn ra, giải thích: “Ta đâu có ý này? Nàng chớ có gây sự không đâu.”
Lửa giận của Thẩm Lan chợt bùng lên, oán hận nói: “Ta gây sự vô lý? Bùi đại nhân luôn là người rõ lý lẽ.
Thế thì ngài cứ ở đó mà giảng đạo lý của ngài đi!”
Dứt lời, nàng đứng dậy lê giày vải, xốc rèm châu bỏ vào giường trong.
(4)
Thẩm Lan vào bên trong, thả dây ngọc buộc rèm xuống, nhìn ra bên ngoài, thấy Bùi Thận vẫn chưa đuổi theo, thế là xoay người vào trong, nhắm mắt ngủ.
Chẳng được bao lâu, Thẩm Lan chợt thấy bên gối hơi chìm xuống, hẳn là do Bùi Thận ngồi xuống mép giường.
Thẩm Lan không nhúc nhích, cãi nhau ấy mà, ai mở miệng trước thì người ấy thua.
Lại thêm một lát, Thẩm Lan chợt nghe bên tai có người nhẹ nhàng húng hắng một tiếng.
Nàng không động đậy, hai người dày vò lẫn nhau trong chốc lát, Bùi Thận rốt cuộc mở miệng trước, lạnh giọng nói: “Nàng bây giờ càng ngày càng ngang ngược kiêu ngạo, dám nhăn mặt với ta?”
Thẩm Lan mở mắt ra, lạnh lùng đáp trả: “Là ta không đúng, không nên nhăn nhó với Gia.” Dứt lời, tiếp tục xoay người đi ngủ.
Bùi Thận bị nàng chọc tức đến nghẹn lời, phẫn hận nói: “Ta trêu chọc nàng lúc nào, để nàng phải trút giận lên đầu ta?”
Thẩm Lan nổi giận trong lòng, im lặng không đáp.
Bùi Thận quyền cao chức trọng, trước nay có từng bị đối xử như vậy? Y cũng lạnh mặt: “Chẳng qua cưng chiều nàng mới nửa tháng, mà đã bắt đầu sinh thói kiêu căng.
Đã thế, nàng ra ngoài tự kiểm điểm bản thân lại đi.”
Thẩm Lan nhéo đùi mình một cái, đau đến nước mắt lưng tròng: “Ngài bảo ta ra ngoài, ta ra ngoài là được chứ gì.” Dứt lời liền định đứng dậy.
Thấy nàng hai mắt rưng rưng, Bùi Thận lập tức mềm lòng, nhưng ngoài miệng vẫn nói: “Là nàng nổi nóng với ta trước, rồi cũng là nàng khóc trước, thật đúng là ngang ngược.”
Thẩm Lan cố nén nước mắt: “Phủ này người nào cũng đều là chủ, một đứa thiếp thất như ta, chỗ nào cũng không thể tới.
Ngài ra ngoài rong chơi vui sướng thì cũng thôi đi, về rồi lại mắng mỏ ta.”
Bùi Thận thấy đôi mắt nàng ngấn lệ long lanh, ôm chầm lấy nàng, mềm giọng nói: “Ta rong chơi khi nào? Trong buổi tiệc đều là thầy, là trưởng bối, ta chăm chú lắng nghe còn không kịp, đâu dám thả lỏng chơi bời?” Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
Thẩm Lan lau nước mắt, chuyện chơi gái trong giới văn nhân đã phát triển rực rỡ thành một phong trào, nàng vốn dĩ không tin trong bữa tiệc không có con hát hát tuồng, thế là kéo đề tài quay lại, nói: “Ai biết đám người đọc sách các người tụ lại một chỗ, có phải là chơi gái, tìm vui hay không chứ?”
Nghe vậy, Bùi Thận thoáng chốc hiểu rõ vì sao hôm nay nàng lại khó chịu, thì ra là ghen tuông.
Lòng y khấp khởi vui mừng, ôm nàng, dùng khăn lau nước mắt cho nàng, dịu dàng nói: “Nói bậy gì đó! Những thứ thấp kém tạp nham, không sạch sẽ đó, sao ta lại muốn dây vào.
Tiệc hôm nay cũng có hát mấy khúc, nhưng đó là người khác gọi tới, ta chẳng qua chỉ ngồi nghe mấy câu đã tan cuộc quay về rồi.”
Thẩm Lan nương theo: “Ngài thật vô lý, ngài đi nghe hát một mình, vậy mà không cho ta mời người tới hát?”
Bùi Thận bị nàng khóc đến hết cách, đành nói: “Thôi thôi, nàng đã muốn nghe, thế thì mời tiên sinh nữ kể chuyện tới.”
Thẩm Lan liếc nhìn y, sợ y nghi ngờ, nàng oán giận nói: “Ngài nói cái gì thì là cái đó sao? Ta không muốn nghe nữa!”
Bùi Thận càng mừng nàng không nghe nữa, hùa theo: “Nàng nói không nghe thì không nghe nữa.”
Thẩm Lan càng không để y vừa lòng: “Ta không đấy! Ta muốn nghe hát đấy!”
Bùi Thận bị nàng chọc tức đến nghẹn lời, thầm nghĩ nữ tử trong thiên hạ này tính cách đều như thế sao? Thấm Phương trước giờ tuy bướng bỉnh, ít ra ngoài mặt cũng dịu ngoan.
“Nghe nghe nghe.” Bùi Thận không còn cách nào khác, “Vậy cho nàng nghe hát mấy ngày, sau đó theo ta đi Sơn Tây nhậm chức.” Nói xong, lại hạ giọng dỗ dành nàng.
Thẩm Lan lúc này mới nín khóc mỉm cười, lầu bầu sán lại gần, dính lấy y như miếng kẹo đường.
Bùi Thận thấy đôi mắt nàng sáng trong như được gột rửa, hai má hồng hồng, đôi mày hơi nhíu, ánh mắt đưa tình, nhẹ nhàng nói: “Đừng khóc nữa.” Nói rồi, chuẩn bị ôm nàng ngã lên giường.
Ai ngờ đúng lúc này, ngoài cửa chợt vang lên tiếng gõ.
Bùi Thận nhíu mày, đang định cất giọng hỏi, Lâm Bỉnh Trung bên ngoài vội vàng nói: “Gia, Sơn Tây có tin cấp báo!”
Bùi Thận giật nảy mình, lập tức đứng dậy ra cửa, mới vừa mở cửa, Lâm Bỉnh Trung vội vàng thấp giọng nói: “Đại quân của Yêm đáp đã đến gần, Bệ hạ phái người tới truyền khẩu dụ, người tới đang chờ trong phòng khách.”
Bùi Thận đoán hẳn là khẩu dụ bảo y lập tức tiếc về Sơn Tây nhậm chức, liền xoay người nói: “Lâm Bỉnh Trung, đi chuẩn bị ngựa khỏe.
Bảo Trần Tùng Mặc ở lại, chờ chiến sự trôi qua thì hộ tống phu nhân tới Sơn Tây.”
Nói tới đây, bước chân y chợt ngưng lại, rồi thấp giọng dặn dò: “Đi nói với Trần Tùng Mặc, phu nhân muốn một tiên sinh nữ hát kịch, bảo hắn tìm một người tới.
Mỗi lần ra vào phủ đều phải lục soát toàn thân.” Truyện được edit bởi Mạnh bà và đăng tải trên blog tamsinhtamthe.wordpress.com
“Ngoài ra, chờ người này hát hết các vở rồi, hoặc là khi phu nhân không thích nữa, tìm cái sân nhỏ mời tiên sinh vào ở lại, để lại hai người hầu hạ.
Chờ phu nhân an toàn tới được Đại Đồng, thì viết thư về, mời tiên sinh tự rời đi.”
Lâm Bỉnh Trung sửng sốt, giam giữ người hát kịch lại làm gì? Hắn nghĩ tới nghĩ lui mới chợt hiểu, phu nhân đã chạy trốn một lần, đây là sợ phu nhân lại giở trò.
“Tuân lệnh.” Lâm Bỉnh Trung cúi đầu đáp.
Trăng sáng treo cao trên cành liễu, một vài ngôi sao rải rác trên bầu trời, ánh trăng lành lạnh phủ lên mặt đất, Bùi Thận mặc một thân áo đen, vụt ngựa phi nhanh, lao đến Sơn Tây nhậm chức.
Chú thích:
1) bút pháp Kim Thác Đao: loại nét cọ được hình thành bằng cách run và kéo bút trong quá trình viết/ vẽ.
Có nguồn gốc từ vị vua cuối của Nam Đường Nguyên Tông là Lý Dục.
Hoặc cũng ý chỉ cây đao mạ vàng
2) Mỹ nhân tặng ngã kim thác đao, Hà dĩ báo chi anh quỳnh dao: hai câu trong bài Tứ sầu thi của Trương Hành (trang Thivien.net).
Bài sử dụng bản dịch của Điệp Luyến Hoa.
Kim Thác Đao ở đây chỉ đao mạ vàng
3) tu mi tài tử: tu mi ý chỉ mày, râu của đàn ông, ở đây lấy từ câu “cân quắc bất nhượng tu mi” nghĩa là những người phụ nữ mà tài cán không thua gì các đấng mày râu
4) câu này lấy ý từ lời của Khổng Tử trong cuốn Luận Ngữ: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” tức là nữ tử cũng khó giáo dưỡng như tiểu nhân vậy, thân cận thì sinh vô lễ, xa lánh thì lại oán giận.
Ta Không Làm Thiếp