Sơn Gian Tứ Thực
Chương 17: 17: Dịch Bệnh Kết Thúc
Thời điểm Trúc ca nhi tới tìm hai người bọn họ, Lục Vân Xuyên đang quét tước chuồng gà ở sân sau, Sầm Ninh hái rau từ vườn chuẩn bị nấu mễ đậu phụ[1].
[1] : Một món ăn ở vùng núi Vũ Lăng, tỉnh Tứ Xuyên.
Gạo được vo sạch tạp chất, sau đó ngâm khoảng 3 tiếng.
Xay nhuyễn gạo và nước theo tỉ lệ, cho vào nồi vừa nấu vừa khuấy dần thành dạng sệt rồi lấy ra để nguội.
Khi ăn thì cắt thành từng miếng nhỏ và trộn với gia vị.
Nếu mùa màng mỗi năm may mắn bội thu, nhà nào trong thôn cũng sẽ làm mễ đậu phụ ăn, cứ đi đến cổng là có thể ngửi thấy mùi nước gạo thơm nức.
Năm nay vốn cũng muốn làm, nhưng do gặp mưa dầm nên bắp trong ruộng sinh trưởng không tốt, lại bùng phát ôn dịch, chẳng có mấy nhà còn tâm tình làm món này.
So với việc làm mễ đậu phụ nếm cái vị mới mẻ thì tích trữ lương thực qua mùa đông vẫn thiết thực hơn.
Lẽ ra Sầm Ninh cũng không định làm, chỉ là hôm qua y ra nhà trước tìm Diêu Xuân Linh thêu khăn, lúc Chỉ ca nhi đang chơi ở một bên đột nhiên nhớ tới mễ đậu phụ rồi nói muốn ăn, người nhà yêu thương Chỉ ca nhi, lập tức mang gạo trắng ra làm.
Làm mễ đậu phụ khá rầy rà, chỉ dùng cối xay gạo thành nước đã tốn không ít sức, đến khi đổ nước gạo vào trong nồi đảo qua đảo lại, cánh tay của Sầm Ninh và Diêu Xuân Linh đều đã mỏi nhừ, đành kêu hai huynh đệ Lục Vân Xuyên cùng Lục Vân Lãng tới đảo.
Rang nước gạo quánh thành khối, bôi một lớp dầu mỏng lên mặt đĩa tròn, lại bỏ khối gạo vào vuốt nhẵn là có thể cho vào nồi chưng cách thủy ngay.
Thả khối gạo vào nồi, sắc trời bên ngoài cũng tối dần.
Chỉ ca nhi vui tươi hớn hở bấu víu bệ bếp, Diêu Xuân Linh cười rồi nhéo nhéo khuôn mặt bé con: "Phải chưng lâu đấy, hôm nay không kịp ăn rồi, chờ sáng mai mẹ nấu cho con canh mễ đậu phụ ăn nhé."
Chưng xong mễ đậu phụ rồi để lạnh một đêm là có thể ăn, tinh mơ hôm nay Diêu Xuân Linh đã cắt một nửa đưa tới.
Sầm Ninh lấy dao cắt thành hình khối, bốc một miếng nếm thử, mễ đậu phụ dẻo chắc, nhai một miếng mà cả miệng thơm đầy mùi gạo.
Lục Vân Xuyên quét tước chuồng gà xong thì múc nước rửa tay, đi ngang qua bên cạnh được Sầm Ninh nhét nửa miếng còn lại vào trong miệng hắn: "Nếm thử hương vị xem."
Lục Vân Xuyên nhai nhai rồi gật đầu nói: "Ngon."
Sầm Ninh cười nói: "Vậy buổi sáng không ăn cháo với màn thầu, nấu mễ đậu phụ ăn."
Mễ đậu phụ làm gỏi hay chiên rán nấu canh đều hợp, nhưng khí trời vào thu se lạnh, sáng sớm ăn chút món nóng hôi hổi thì trong bụng dễ chịu hơn.
Bởi vì dẻo dai, bình thường canh mễ đậu phụ đều cho ớt vào nấu, đun sôi dầu rồi xối lên ớt, lại bỏ mễ đậu phụ vào nấu nhừ, ăn một miếng ngon không thể tả.
Sầm Ninh mới hái được ớt cùng một bó rau xanh từ vườn, Trúc ca nhi đã đến, bước chân vội vàng, trong miệng còn ngậm cái bánh màn thầu: "Ninh Nhi, Xuyên Tử ca."
Sầm Ninh đáp: "Ở đây, sao ăn màn thầu khô thế, ta đang chuẩn bị nấu mễ đậu phụ này, đến ăn một miếng."
"Các ngươi làm mễ đậu phụ á? Vậy ta phải nếm thử một chén, nhưng mà giờ có chuyện quan trọng hơn." Giọng điệu của Trúc ca nhi sốt ruột, "Có người tới cổng thôn!"
Sầm Ninh bị Trúc ca nhi kéo đến cổng thôn, Lục Vân Xuyên đi theo phía sau bọn họ, biết hai người chưa ăn cơm sáng, Trúc ca nhi còn chia cho cái bánh màn thầu.
"Nhà ta đang ăn cơm, nghe thấy có người trong thôn đi tìm trưởng thôn, trong miệng la cái gì mà người tới, người tới, cha mẹ ta bưng chén ra cổng thôn luôn rồi, ta sợ các ngươi không biết, nên tới tìm các ngươi đi xem chung."
Ba người không ngừng tăng tốc đến cổng thôn, bị một vòng người vây quanh, từ xa đã nghe thấy tiếng cãi cọ ầm ĩ.
"Thím, có chuyện gì thế?" Trúc ca nhi lại gần hỏi thím bên cạnh.
Bà thím đang xem kịch, nghe Trúc ca nhi hỏi thì hăng hái: "Đứa con gái được nhà lão Trương ôm về kia mang theo tướng công cùng nhi tử từ trên trấn chạy về muốn tới nhờ vả hai huynh đệ, vừa thấy chúng ta đào hầm đã oang oang cả lên."
Sầm Ninh mới gả lại đây, còn chưa biết mặt toàn bộ người trong thôn, nghe xong thì ngẩng đầu lên xem.
Bên kia đường hầm có một đôi phu thê đang đứng cùng hai đứa nhỏ, cả bốn đều ăn mặc như người thị trấn, quần áo và giày toàn là vải bông tốt nhất.
Chẳng qua vào giờ phút này hai đứa nhỏ kia đang ngửa đầu khóc dữ dội, sắc mặt hai vợ chồng càng thêm đỏ bừng.
"Hai vị cữu ca, ta mang theo vợ con chạy đường núi cả đêm tới đây tìm nơi nương tựa, các ngươi như vậy có phải quá đáng lắm không!"
"Đúng đó, huynh trưởng tẩu tẩu, coi như thương hai đứa cháu ngoại trai của các ngươi, cũng không thể ngăn cả nhà bọn ta ở đây như vậy chứ."
Người một nhà họ Trương đứng bên này cùng với trưởng thôn, sắc mặt hai huynh đệ Trương gia và tức phụ xấu hổ không muốn nói chuyện, ngược lại trưởng thôn đã mở miệng trước.
"Chàng trai, hầm này do ta kêu bọn họ đào, dịch bệnh bên ngoài bùng phát nghiêm trọng, người ngoài thôn nào cũng không được vô, chẳng riêng gì các ngươi, theo ta thấy, các ngươi vẫn nên mang con quay về sớm đi."
"Quay về?!" Vương Lai Tài dậm chân nói: "Bây giờ trên trấn nguy hiểm như vậy, mấy người đuổi cả nhà ta về không phải là hại chết bọn ta hay sao? Chỉ biết đào hầm giữ mạng cho mình, mà chưa từng nghĩ tới việc giúp đỡ người khác một phen, mấy người còn lương tâm không vậy?"
Trương thị vừa nghe bọn họ bị đuổi về cũng sốt ruột: "Huynh trưởng, chúng ta là người một nhà mà, sao ngươi đuổi chúng ta đi thế, nếu mẹ còn sống, chắc chắn bà sẽ không làm vậy."
"Mẹ có còn thì các ngươi cũng phải đi!" Trương đại gằm mặt nói: "Hầm đã chặn xong, ta không thể để các ngươi vào gây họa cho cả thôn.
Còn nữa, đừng nhận người thân với ta, ta và lão nhị đã không có muội muội này từ lâu rồi."
Trương đại nhìn tiểu muội trước mặt mà nặng lòng, cả nhà bọn họ đối đãi tiểu muội không tệ, từ nhỏ đã không để nàng chịu tủi thân, xuất giá cũng nở mày nở mặt.
Chuyện của tiểu muội cùng muội phu làm mấy năm trước thực sự khiến cho tâm bọn họ nguội lạnh, sau khi mẹ qua đời, nhiều năm không qua lại như vậy nên hắn cũng tỏ rõ thái độ.
Thấy huynh trưởng quyết tâm không muốn giúp mình, Trương thị hoảng sợ đến mức túm lấy góc áo của Vương Lai Tài: "Vậy, vậy làm sao đây, ngươi nghĩ ra cách gì chưa."
"Huynh trưởng tốt của ngươi đó, ta có thể nghĩ ra cách gì giờ." Vương Lai Tài nói năng hung tợn.
Hai bên giằng co, trong khoảng thời gian ngắn chỉ có thể nghe thấy tiếng hai đứa nhỏ gào khóc cùng tiếng Trương thị nức nở.
Vương Lai Tài xuôi giọng, khuôn mặt đưa tang thay đổi cho phù hợp: "Huynh trưởng, ta biết ngươi cũng bất đắc dĩ, hầm đã đào xong, bọn ta không nên quấy rầy thêm nữa.
Chỉ là dù sao chúng ta cũng là người một nhà, hai đứa nhỏ ít được gặp cữu mợ, ngươi cho bọn ta chút lương thực và gà vịt, coi như cho bọn nhỏ thấy chút tâm ý của cữu cữu một phen, thế nào? Dù sao cũng đâu thể làm bọn nhỏ thực sự thất vọng chứ."
Nghe trượng phu nói như vậy, Trương thị quẹt nước mắt rồi lén nhéo mấy đứa con trai một cái, hai đứa nhỏ ngay lập tức khóc to hơn.
Còn chưa đợi huynh đệ Trương gia đáp lời, tức phụ lão nhị đã chống nạnh mắng trước: "Mắc ói, thất vọng hay không thất vọng cái gì, ta nói này hai người các ngươi dựa vào mặt mũi con cái đến đây đòi lương thực mới làm tụi nó thất vọng đấy! Từ lúc tiểu muội gả vào nhà các ngươi, nhà các ngươi ăn không bao nhiêu lương thực của bọn ta chắc trong lòng tự rõ ràng.
Giờ lại dìu già dắt trẻ chạy tới đòi cơm, vì biết ngươi ở trên trấn làm quản sự, không còn tưởng rằng ở trên đấy làm ăn mày cơ đấy."
Người vây xem nghe hết những lời này của tức phụ Trương nhị, cũng bàn tán sôi nổi.
"Ta cứ tưởng rằng khuê nữ nhà họ Trương gả cho người đàng hoàng chứ, ngay cả lương thực cũng phải đòi nhà vợ, đúng là không thể ngờ."
"Phải đấy, ở trên trấn kiếm nhiều bạc như thế mà không mua nổi thức ăn hay sao? Chúng ta trồng chút lương thực đâu có dễ gì, toàn lợi dụng nhà mẹ đẻ, phải ta thì một hạt gạo cũng đừng hòng."
Càng có thêm người quen thân với nhà họ Trương khuyên nhủ: "Khí hậu năm nay chả biết thu được bao nhiêu bắp, nhà mình trải qua mùa đông cũng khó khăn, thân thích kiểu này vẫn nên đuổi đi mau một chút."
Bị trách mắng như vậy một hồi, Vương Lai Tài thấy không lấy được đồ ăn còn mất cả mặt mũi, tức đến mức không thèm mang vẻ người thành thị nữa, vén vạt áo ngồi xuống đất, điệu bộ vô lại nếu không có lương thực thì không buông xuôi.
Sầm Ninh thấy mà mở to mắt: "Sao có thể như vậy chứ."
Lục Vân Xuyên nói: "Sợ là giá gạo và bột mì trong thành tăng cao, không nỡ tốn tiền vào những thứ đó, mới về quê đòi lương thực như vậy."
Sầm Ninh khẽ nhíu mày: "Vậy, vậy sau này không mua nổi thức ăn, người tới thôn chẳng phải sẽ ngày càng nhiều ư."
Lục Vân Xuyên gật đầu: "Cho nên trưởng thôn làm như vậy là đúng, hôm nay mới chỉ là thân thích của người trong thôn, đến sau này dù quen hay không quen đều sẽ chạy tới đòi thực phẩm, mua cũng được xin cũng được, một khi đã mở miệng sẽ ngăn không được.
Nhưng cũng không cần quá lo lắng, qua một khoảng thời gian nữa hẳn là quan phủ sẽ ra mặt ép giá xuống."
Sầm Ninh hiểu đạo lý này, cũng không kiên nhẫn ở đây xem cãi nhau nữa, kéo Lục Vân Xuyên định chạy.
Lại hỏi Trúc ca nhi: "Trúc ca nhi, có qua nhà ta ăn mễ đậu phụ hay không."
Trúc ca nhi cũng lười nhìn bộ dạng Vương Lai Tài lăn lộn la lối khóc lóc, nghe Sầm Ninh nói xong vội gật đầu, sáng nay đã nổi gió còn có chút lạnh lẽo, ăn chén mễ đậu phụ nóng hầm hập còn tuyệt hơn.
Vương Lai Tài dẫn theo vợ và con cái ngồi ở cổng thôn đến buổi trưa, cả nhà nghĩ đến nhờ vả Trương thị có thể ăn ngon hơn, trong bao quần áo ngay cả lương khô chống đói cũng chẳng mang, đến lúc thực sự đói không chịu nổi lại thấy Trương gia quyết tâm không cung cấp lương thực, đành phải hùng hùng hổ hổ quay về.
Song đúng như Lục Vân Xuyên nghĩ, mấy ngày sau người từ trên trấn chạy tới thôn càng ngày càng nhiều, lúc nhìn thấy cái hố to ở cổng thôn đều sững cả người y như nhau.
Vài người thấy không qua được liền đi đến thôn khác, nhiều hơn cả là gào khóc để dẫn thôn dân tới xin chút lương thực.
Một lần có người trong thôn nhìn thấy một đứa bé đói đến đáng thương nên ném qua cái bánh màn thầu, không bao lâu cửa thôn đã tụ đầy người, nếu không cho thức ăn sẽ ném đá vào người trong thôn.
Sau khi trưởng thôn biết thì tìm người tới nghiêm khắc mắng cho một trận, còn nói với người trong thôn: "Về sau lại cho bên ngoài thức ăn, ta sẽ dẫn người đến dọn sạch lương thực của nhà ngươi ra, coi như thay ngươi làm việc thiện."
Hò hét ầm ầm ở cổng thôn, trái lại chỗ của Lục Vân Xuyên cùng Sầm Ninh ở dựa sau núi nên rất thanh tịnh, chẳng qua nghe người ta kể thì vẫn thấy không thoải mái trong lòng.
Mấy ngày liền Sầm Ninh chưa nấu cơm, bột thì dùng bột trộn là nhiều, mỗi bữa chính là cháo và bánh bao không nhân, cũng ít món xào.
Lục Vân Xuyên hiểu rõ tâm tư của y, Sầm Ninh làm cái gì hắn sẽ ăn cái đó, ở mặt này chưa từng than một chữ nửa câu.
Một lần khi Diêu Xuân Linh lại đây tặng đồ rồi nhìn thấy, hỏi: "Sao thế này, một bữa cơm trưa sao lại không xào cái gì để ăn?"
Sầm Ninh nắm góc áo ậm ừ nói không nên lời, Lục Vân Xuyên tiếp: "Trong ruộng không có gì làm, ta định ăn qua loa mấy miếng là được."
"Sao mà được," Diêu Xuân Linh quở trách Lục Vân Xuyên rồi nói, "Lại chả phải thời kì khốn khổ mấy năm trước, bữa trưa vẫn nên ăn rau, rau trong vườn không ăn cũng lãng phí.
Huống hồ ngươi ăn được, nhưng sao có thể để Ninh Nhi ăn theo ngươi thế này."
Hai người gật đầu tiễn Diêu Xuân Linh đi, trên mặt Sầm Ninh đã đỏ bừng: "Ta, ta đi xào hai món."
Lục Vân Xuyên nắm chặt cổ tay y, ăn nói vụng về không biết dỗ người ta, đành tìm lời trấn an rồi nói: "Không cần, đã ăn một nửa rồi, với lại ta thấy ăn thế này khá tốt, lúc chưa thành thân thì ngay cả cháo nóng ta cũng chẳng ăn đâu."
Nhưng vô tình hắn vừa nói như vậy thì Sầm Ninh càng thêm áy náy: "Ta không nên như vậy, ta nghe Trúc ca nhi nói những người ở cổng thôn đó......"
"Ta biết, ngươi cũng đừng lo lắng, tới thời điểm bá tánh không có nổi cơm để ăn, quan phủ sẽ cho người dựng lều phát cháo.
Hơn nữa khoảng thời gian gần đây thế mà không mưa nữa, hy vọng dịch bệnh cũng nên kết thúc."
Quả nhiên, từng ngày trôi qua, người vây quanh cổng thôn ngày càng ít đi, non nửa tháng sau, mấy ngày liên tiếp cũng không thấy người tới thêm nữa.
Trưởng thôn một lần nữa dẫn nhóm hán tử trong thôn lấp đầy nửa đường hầm, để Bình tiểu tử vào thành tìm hiểu tin tức, Bình tiểu tử trở về nói kinh thành phái thái y xuống, dịch bệnh trên trấn đã sắp ổn định, rất nhiều cửa hàng bên đường đều đã mở cửa buôn bán.
Hết một tháng, rốt cuộc dịch bệnh đã lắng lại, Bình tiểu tử cùng Đại Lang nhà họ Ngô lần nữa xách tay nải quay lại trấn trên làm công, hầm ở cổng thôn cũng đã lấp lại hoàn toàn.
Sáng sớm Sầm Ninh đẩy cửa phòng ra, đón gió thổi tới trước mặt, tràn ngập lạnh lẽo, mặt còn chưa rửa mà người đã thần thanh khí sảng[2].
[2]Tinh thần và sức lực thoải mái dễ chịu.
Y về phòng lục từ trong rương ra hai cái áo khoác dày một lớn một nhỏ: "Trời lạnh rồi, nên mặc áo ấm thôi.".
Sơn Gian Tứ Thực