Lili Marleen
C2: Chương 2
Vào thứ ba, trời nắng đẹp. Chim bồ câu nghe theo tiếng còi bay về phía Quảng trường Tòa thị chính vắng vẻ. Bầu trời xanh thăm thẳm, những đám mây trắng thật giống những đóa hoa bông gòn đến từ Ai Cập, từng đóa hoa lớn nở rộ bên bờ sông Danube tựa như một thước phim u sầu.
Vào lúc 9 giờ có một lớp học về lịch sử kiến trúc Châu Âu, Tố Tố phải ra ngoài trước khi trời sáng. Cô thay một chiếc áo khoác kẻ sọc màu xám đậm, đeo găng tay da cừu, vội vàng xuống nhà.
Thịch-thịch-thịch, bản hợp xướng cọt kẹt vang lên, đó là sự vật lộn của chiếc cầu thang gỗ không muốn buông bỏ tuổi già.
Cô tình cờ gặp Antony con trai út của gia đình Boulanger ở sân trước, anh đội mũ Beret màu nâu, hai chân bị nhồi nhét suốt hai ngày trong đôi giày da cuối cùng cũng được giải thoát. Anh ngẩng đầu lên, nhìn gương mặt có phần hốc hác của Tố Tố, nhoẻn miệng cười, "Sáng tốt lành, Isabelle."
Dáng người Antony không cao lắm, trên gương mặt luôn tươi cười được điểm thêm đôi mắt xanh sâu thẳm, hàng lông mi cong dài ẩn giấu đi con ngươi màu ngọc lục bảo, như một dòng sông ngập trong sương mù dày đặc, khiến cho người khác càng muốn tìm hiểu sâu hơn.
"Sáng tốt lành, Antony."
"Isabelle thân mến, trông em không được khỏe, có phải là vì anh không từ mà biệt đúng không? Chúa ơi, anh hứa, lần sau trước khi biến mất anh sẽ để lại một lá thư thật dài trên bàn cho em."
Anh múa may hai cuốn sách 《 Huy hiệu mũ trắng 》và《 Tự truyện của Louise Michelle 》trên tay, mỉm cười rạng rỡ hơn cả ánh mặt trời mùa đông. Nhưng bạn biết đấy, cái nắng ở miền bắc nước Pháp luôn không được như ý. "Isabelle thân mến, cuốn sách này là dành cho em, em nên làm quen với cô gái tóc đỏ đến từ Montmartre này, cô ấy cũng tuyệt vời như em vậy."
"Cảm ơn đồng chí Boulanger. Nhưng em khuyên anh nên đem giấu cuốn sách này đi, nếu bà Boulanger phát hiện ra anh đang làm cuộc cách mạng sau lưng người Đức, bữa tối của chúng ta sẽ bị hủy hoại mất." Tố Tố cho rằng, nếu "Alexander" đến Paris, nhất định sẽ trở thành chiến hữu thân thiết với những con người theo chủ nghĩa xã hội mặc vest chỉnh tề đứng trước mặt mình, dù sao thì bọn họ cũng là những con người đam mê "Lật đổ" "Hủy diệt" và "Thanh trừng". "Em còn phải đi học, hy vọng anh có thể tạo ra một lý do chính đáng cho sự biến mất đột ngột của mình trước bữa sáng."
Antony cởi mũ hành lễ chào cô, "Hẹn gặp lại vào chiều nay, quý cô phương Đông thần bí."
Anh hạnh phúc như một con chim bồ câu được ăn no, đàn bồ câu đang tuần tra kiểm soát trước Quảng trường Tòa thị chính với chiếc bụng phệ, như thể chúng là niềm hy vọng và là chủ nhân của thành phố này, thậm chí là cả đất nước này.
"Hãy kiên nhẫn, Antony."
Paris tháng 11 trời thật sự rất lạnh, trong thời gian chiến tranh những nhân viên dọn vệ sinh đã trốn hết về quê, tuyết đọng trên đường phố đã lâu không được quét tước. Con đường vắng tanh không một bóng người, một tiếng chúc buổi sáng tốt lành dường như cũng để lại tiếng vang. Tố Tố xách túi da bước đi trong tuyết, cam chịu cúi đầu, ngược chiều gió đi về phía thánh đường.
Cảm ơn Chúa, nhà của giáo sư Boulanger chỉ cách học viện một quãng đi bộ.
Leng keng leng keng, chiếc xe điện chạy qua ngã tư, trên xe chỉ có các nhân viên hành chính từ sáng sớm đã vội vã chạy đến Tòa thị chính làm việc, tất cả đều đang cúi đầu đọc tiểu thuyết tình yêu trên tay mình. Ồ, sau tháng sáu, ở Paris sẽ không còn chính trị nữa.
Tố Tố đang định đi đến góc phố, chiếc ô tô màu nâu đỗ ven đường hôm qua đã từ số nhà 38 lao vút về phía trước, tiếng động cơ dần tăng lên, cách Tố Tố ngày càng gần.
Cô hy vọng nó sẽ bay nhanh như một chiếc Stuka*, hoặc là cô sẽ phóng nhanh như điên rẽ xuống Đại lộ Saint-Germain rộng lớn.
*Junkers Ju 87 còn gọi là Stuka là máy bay ném bom bổ nhào, máy bay cường kích mặt đất hai người của lực lượng không quân Đức Quốc xã thời Chiến tranh thế giới thứ hai, do Hermann Pohlmann thiết kế
Không, cô phải kiên nhẫn, không thể để bị chĩa súng như một kẻ đào tẩu được.
Chỉ trong ba đến năm giây, nhưng đối với Tố Tố đang loạng choạng trong tuyết mà nói, tựa như ba đến năm tiếng, thậm chí là lâu hơn.
Cô vô cùng hối hận, đêm qua cô đã xưng tội và cầu nguyện với Chúa nhiều lần nhưng cũng vô ích. Quỷ dữ đang đuổi theo phía sau cô, cô không còn chút sức chống cự nào cả. Có thể cô sẽ bị nhấn chìm xuống sông Seine, hoặc có thể sẽ bị Vệ quốc quân tra tấn đến chết, nỗi sợ hãi khiến cô run lẩy bẩy, cô túm chặt cổ áo khoác, cổ họng cũng bị đau rát bởi gió lạnh.
Không hề có bất kỳ cảnh báo nào, chiếc Sedan Volkswagen bản giới hạn bất ngờ giảm tốc, gần như là kéo dài theo nhịp thời gian, mang theo quyết tâm của một lão thợ săn già trên núi, vẫn giữ nguyên tốc độ giống với con mồi của lão.
Không cần quay đầu lại, cô vẫn cảm nhận được ánh mắt của anh ta, cặp mắt u buồn rực lửa đang khóa lấy cô qua cửa kính xe.
Đây là phố Jacques vào lúc 8h20 sáng Thứ Ba ngày 10 tháng 11, chim chóc kiếm ăn trên mái nhà, mèo hoang lục lọi thùng rác hôi hám, một bà nội trợ đang đeo tạp dề chiên thịt xông khói, một quý ông đáng kính đang uống cà phê nhỏ giọng oán giận về "Thỏa thuận cà phê mới" của người Đức, các tiểu thương trong chợ đã mở cửa đón khách -- những người Do Thái cật lực, đáng thương.
Còn Tố Tố thì sắp không thở nổi nữa rồi.
Cô bị giam cầm trong xiềng xích, mỗi một bước đi đều phải kéo mạnh những chiếc gông cùm nặng nề. Cô là một tử tù ở phố Jacques, cô sẽ bị giám sát hành quyết ngay khi vừa bước ra đường.
Cô hận bản thân mình, vô cùng sâu sắc hối hận.
Heinz ngồi ở sau xe, vị trí bên cạnh cửa sổ bên phải. Hans rất khó hiểu trước lệnh giảm tốc đột ngột này, lén nhìn qua gương chiếu hậu, thấy ngài Thiếu tá hơi nghiêng người sang một bên, nụ cười trên môi hiện lên rồi lại biến mất, chỉ trong chớp mắt, không một ai có thể đoán được tâm tư của ngài ấy. Giống như bạn không thể tin được một đức ngài cao quý lúc nào cũng xông pha ra tiền tuyến, trở thành một kẻ điên cuồng chiến tranh không dứt.
Khung cảnh nhộn nhịp ở ngã tư đang gần ngay trước mắt, chiếc xe điện kêu leng keng liên hồi, cuối cùng chiếc ô tô cũng lướt qua thiếu nữ tóc đen.
"Tăng tốc."
"Hả?"
"Hội nghị lúc 9 giờ, nếu anh không muốn bị Donitz làm thịt."
Là ai đã hạ lệnh chạy qua phố Jacques với tốc độ rùa bò chứ hả? Hans có chút bực dọc, nhấn ga, chạy theo phía sau xe điện rồi rẽ vào Đại lộ Saint-Germain.
"Buổi sáng tốt lành, Isabelle." Anh khẽ nói bằng tiếng Đức.
Hội nghị được tổ chức tại hội trường trên tầng ba của Tòa thị chính, khi lên lầu sẽ đi ngang qua những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng được sắp xếp đối xứng nhau. Nước Pháp kiêu hãnh một thời giờ đây chỉ có thể trơ mắt nhìn quân Phổ chiếm đóng Paris, săn lùng tộc người Gaule*.
*Gallia (tiếng Pháp: Gaule, tiếng Hà Lan: Gallië, tiếng Đức: Gallien) là một khu vực ở Tây Âu trong thời kỳ đồ sắt và thời kỳ La Mã, bao gồm Pháp, Luxembourg và Bỉ ngày nay, phần lớn Thụy Sĩ, mạn Tây Bắc Ý, cũng như những phần đất của Hà Lan và Đức ở bờ trái sông Rhine. Người Gallia là tộc người nói tiếng Gallia (một hình thức cổ của tiếng Celt) và sống ở Gallia. Theo lời kể của Julius Caesar, tiếng Gallia thực sự khác biệt với tiếng Aquitaine và tiếng Belgae. Theo khảo cổ học, người Gallia đã dựng nên nền văn hóa La Tène trải dài khắp xứ Gallia, và về mạn Đông tới Rhaetia, Noricum, Pannonia cùng với miền Tây Nam Germania.
Đầu năm 1871, khi chiến tranh Pháp-Phổ tiếp tục diễn ra ác liệt, người dân biểu tình phản đối kế hoạch đầu hàng quân Phổ đã xảy ra xung đột với chính quyền, bên phe cánh tả đã đốt cháy toàn bộ tòa nhà.
Ân oán tình thù giữa Pháp và Phổ đã kết thúc hoàn hảo vào ngày 22 tháng 6 năm 1940.
"Heinz, Đại tá Luther muốn trưng cầu ý kiến của anh."
Anh bần thần trong chốc lát giữa sự tranh luận của một nhóm cựu chiến binh, hai tuần huấn luyện tác chiến đã khiến anh kiệt sức, bây giờ còn phải dành ra thời gian để tâm đến việc bắt giữ các phần tử tội phạm kháng chiến ở quận 5, đã đến lúc đến viện Tolerance để thư giãn rồi.
Thật kinh khủng là, Hans lại nói, một nơi như viện Tolerance không phù hợp với ngài Thiếu tá cao quý.
Lúc còn ở chiến hào, cả người anh toàn là rận chấy, hoàn toàn không liên quan gì đến hai chữ cao quý cả.
"Đại tá Donitz, tôi cảm thấy lực lượng đồn trú ở mặt trận phía tây rất tốt, đáng được khen ngợi." Một khi chiến tranh kết thúc, điểm yếu của đàn ông sẽ lập tức gây ra cơn ác mộng cho phụ nữ. Quân đội Đức mặc dù có kỷ luật quân sự nghiêm minh, nhưng rất khó để kiểm soát binh lính quá chặt chẽ, tóm lại là, trong thời gian đồn trú sau chiến tranh, thỉnh thoảng sẽ xảy ra một số chuyện bẽ mặt, nhưng đây là cái giá mà kẻ yếu phải trả, và anh không hiểu còn có gì để mà tranh cãi.
Gương mặt lạnh lẽo của Donitz cuối cùng cũng giãn ra được một lúc, tính tình của ông ta tựa như tảng băng không bao giờ tan trên dãy Alps, thật sự rất khó đối phó.
" 'Sư tử biển' đang tác chiến ở eo biển nước Anh, tập đoàn quân* số 16, số 18, tập đoàn quân thiết giáp số 4 đều được tập kết ở mặt trận phía đông, với tư cách là tướng lĩnh của đế chế thứ ba Đức, các người chỉ đang lợi dụng những con sâu rượu và tội phạm cưỡng dâm để đáp lại lời kêu gọi của Quốc trưởng vĩ đại thôi sao?" Không cần phải suy đoán nữa, kẻ khiến người khác cảm thấy khó chịu nhất trong hội nghị chắc chắn là đội trưởng Droschi của Vệ quốc quân. Kẻ sát nhân tàn ác và tận tụy, máy xay thịt đế quốc đang chuẩn bị cho một đợt bắt giữ mới ở Paris. Ôi, những tên khốn Do Thái tội nghiệp. Heinz nhìn đôi má gầy gò lõm sâu của Droschi mà cảm thấy thương tiếc cho lũ ma cà rồng tham lam đó.
*Tập đoàn quân là thuật ngữ chỉ một đại đơn vị cấp chiến dịch - chiến lược trong tổ chức quân đội chính quy tại một số nước có quân đội rất lớn như Liên Xô, Đức Quốc xã, Anh, Mỹ..., hợp thành từ các quân đoàn hoặc các nhóm sư đoàn hỗn hợp, được sử dụng chủ yếu trong hai cuộc thế chiến.
Heinz sờ soạng túi, lấy ra một gói mười điếu "Finas", mở bật lửa định châm một điếu.
Cặp mắt lạnh căm căm của Donitz đảo qua, điếu thuốc lá trên miệng anh giật giật, anh bực bội lấy xuống, sau đó ném cả hộp thuốc và bật lửa lên bàn.
Calius, kẻ đang say rượu bí tỉ bất ngờ đứng dậy thách thức Droschi, "Chẳng phải lính của chúng ta đang chiến đấu hăng hái trong các trận chiến đẫm máu nơi tiền tuyến đó sao, vào kỳ nghỉ lễ vẫn phải huấn luyện không ngừng nghỉ, chỉ vì một ly rượu, một lần sơ suất mà đã bị hành quyết, định để lại rượu vang trắng của Pháp và các cô nàng Paris cho Vệ quốc quân ư?"
Hóa ra sự việc một thiếu nữ bị làm nhục gần đây chỉ là một sơ suất trong cơn say.
Cơn nghiện thuốc lá của Heinz lại ập đến, từng ngón tay thon dài chán nản xoay xoay hộp thuốc, những tháng ngày sau chiến tranh chắc sẽ rất nhàm chán. Anh cần rượu, tình dục và súng ống............ Ôi, Donitz chết tiệt, lúc nào cũng chõ mũi vào chuyện người khác như một bà già vậy.
Hội nghị kết thúc bằng cuộc cãi vã giữa Carlius và Croschi, nếu Otto không cản lại, Carlius đã định lao đến dùng nắm nấm dạy cho tên đội trưởng Vệ quốc quân đáng ghét này một bài học nhớ đời.
Heinz dám cá rằng, nếu đưa cho Carlius một chai rượu và một khẩu súng, anh ta nhất định sẽ bóp cò vào đầu Croschi.
Hội nghị chính thức kết thúc, cánh cửa lớn được mở ra, các hạ sĩ quan lần lượt bước ra ngoài. Nội tâm Heinz đang reo hò, cuối cùng cũng có thể hít vào một hơi, hút một điếu "Finas" Thổ Nhĩ Kỳ ở góc hành lang.
Anh cúi đầu xuống, hít mây nhả khói bên dưới bức chân dung của Vua Mặt Trời Louis XIV. Trước mặt là làn khói xanh, phía sau là Toà thị chính được trang trí lấp lánh ánh vàng, gương mặt tuấn tú của Thiếu tá hòa quyện cùng vẻ sang trọng tao nhã xung quanh, thật sự không phù hợp chút nào.
"Ô, thì ra anh đang trốn ở đây." Otto vỗ vai anh từ phía sau, sau đó bá cổ anh, "Trốn ngoài hành lang hút thuốc là như nào? Tối nay chúng ta đi uống rượu đi."
"Vô vị."
"Đừng kén chọn nữa mà Heinz, nơi này không giống với Ba Lan đâu, nơi này như thiên đường vậy." Otto khoác vai anh, gần như lôi cả người anh ra ngoài, "Đừng nghe cái tên Droschi đáng ghét đó nói nhảm, tất nhiên trong kỳ nghỉ phép là phải hoan lạc say sưa rồi, đầu tiên là sẽ đi ăn "Gà trống Gaulois"**, sau đó sẽ đến câu lạc bộ đánh bài, anh chưa nghe nói gì à? Các cô nàng Paris rất ngưỡng mộ sĩ quan Đức, ngay cả Carlius cũng có rất nhiều cuộc gặp gỡ lãng mạn."
**Gà trống Gô-loa (tiếng Pháp: le coq gaulois) hay còn gọi đơn giản là gà Gô-loa là một biểu tượng quốc gia của nước Pháp và một số bang thuộc pháp, biểu tượng cho nền Cộng hòa Pháp. Khi đội tuyển quốc gia Pháp thi đấu, mọi người trên thế giới đều gọi họ với biệt danh "Những chú gà trống Gô-loa". Qua năm tháng, tên gọi này trở nên quen thuộc với nhiều người
"Cô nàng Paris?"
"Đúng, cô nàng Paris. Anh nhìn xem......" Bọn họ cùng nhau đi ra khỏi Tòa thị chính, bước đi dưới ánh mặt trời mùa đông le lói, "Nước Pháp tuyệt đẹp, Paris tuyệt đẹp."
"Cho tôi rượu vang đỏ Bordeaux và rượu mạnh Cognac." Heinz giơ bàn tay đang kẹp điếu thuốc lên, chỉnh lại vành mũ, toàn thân tựa như khối than hồng đang rực cháy, nồng nặc mùi khói.
"La mer
Qu'on voit danser le long des golfes clairs
A des reflets d'argent
La mer
Des reflets changeants
Sous la pluie
La mer
Au ciel d'ete confond
Ses blancs moutons
Avec les anges si purs
La mer bergere d'azur
Infinie
Voyez
Pres des etangs
Ces grands roseaux mouilles
Voyez
Ces oiseaux blancs
Et ces maisons rouillees
La mer
Les a berces
Le long des golfes clairs
Et d'une chanson d'amour
La mer
A berce mon coeur pour la vie"
"Nàng chạy dọc theo vùng vịnh ngời sáng
Lấp lánh ánh bạc
Biển xanh
Biến đổi khôn lường dưới cơn mưa
Trên bầu trời mùa hạ
Bồng bềnh đàn cừu trắng phau cùng những thiên sứ thuần khiết
Biển xanh như một cô nàng chăn cừu xinh đẹp
Vô cùng vô tận
Hãy nhìn đám cỏ lau xanh tốt bên hồ nước
Hãy nhìn những con chim trắng bay lượn
Cùng những ngôi nhà cổ rỉ sét
Biển xanh
Xoa dịu họ
Cùng một bản tình ca
Biển xanh
Xoa dịu tâm hồn tôi cả đời"
Giọng hát của Charles Trenet cất lên theo làn khói, cùng với điệu cười lúc to lúc nhỏ của cô gái trẻ, bài hát được lấy cảm hứng từ sự lãng mạn của Paris và sự bao la biển cả.
Otto ngậm điếu thuốc trên miệng, thỉnh thoảng lại hát theo máy quay đĩa vài câu tiếng Pháp cứng nhắc, anh rung đùi tự đắc, tự coi mình là một người nghệ sĩ được ca tụng, màn biểu diễn hài hước của anh đã khiến cô gái xinh đẹp ngồi trong lòng anh phải bật cười. Mỗi lần như thế anh đều cúi đầu nhìn xuống bộ ngực trắng nõn nà đang đung đưa của cô gái, sau đó vứt bài của mình cho Heinz, anh thua đến mức ngay cả quần lót cũng không còn.
Có một ngọn đèn sáng treo gần đỉnh đầu, chiếu thẳng đến bàn đánh bài. Dường như bốn người đàn ông đó đang tranh tài hút thuốc với nhau, khói thuốc lượn lờ trên những lá bài, nếu còn hút nữa, chẳng bao lâu sẽ có lực lượng cứu hỏa gọi đến ứng cứu.
Cuối đoạn điệp khúc, Otto cố tình run chân, chọc cô gái nóng bỏng trong lòng cười khúc khích. Carlius và Luther nhìn cảnh tượng khiêu khích mờ ám bên cạnh, nhìn nhau cười. Chỉ có Heinz mất kiên nhẫn gõ gõ lên mặt bàn, "Cuối cùng là có đánh bài không đấy?"
Otto không dám cười nữa, thành thật đánh ra quân ác chủ bài.
Bốn con người được chỉ định cách thức ăn mặc khác nhau, họ đều cởi bỏ cúc áo, cổ áo mở toang, hiện ra áo sơ mi trắng. Máy sưởi ở viện Tolerance hoạt động quá tốt, Heinz sợ nóng nên đã cởi bỏ áo khoác quân phục, vắt hờ hững trên vai. Anh duỗi thẳng hai cánh tay dưới vạt áo, tay áo sơ mi được xắn đến khuỷu tay, lộ ra những mạch máu xanh xanh ẩn hiện bên dưới làn da nhợt nhạt.
Anh cau mày ngậm điếu thuốc lá, trên mặt đầy vẻ bực dọc.
Anh đã thắng.
Phụ tá của Carlius bước vào căn phòng mịt mù khói, mang đến một chiếc hộp sắt tuyệt đẹp.
"Bọn họ đang lục soát một lâu đài quý tộc ở phía nam, công tước và phu nhân công tước đã chạy trốn đến Thụy Sĩ, trong hầm rượu chứa đầy rượu vang đỏ, champagne, xì gà thứ gì cũng có." Carlius mở chiếc hộp ra, bên trong là một hàng xì gà dày dặn được xếp ngay ngắn, "Đến đây thử xem."
Heinz dập tắt "Finas", cầm lấy điếu xì gà Nam Mĩ. Vô tình làm tàn thuốc rơi xuống chiếc váy màu xanh nhạt của Marilyn, Marilyn bị bỏ rơi cả đêm thấp giọng oán trách.
Anh châm điếu xì gà, rít một hơi thật sâu. Sau đó quay sang phà khói vào mặt Marilyn, khiến cô nàng tóc dài đáng thương này sặc ứa nước mắt.
Anh ngậm điếu xì gà trên miệng, híp mắt, cười đầy tà ác.
"Đừng nói tiếng Pháp trước mặt tôi." Anh cay nghiệt tuyên bố một câu bằng tiếng Pháp.
"Chú ý phong độ, ngài Thiếu tá." Carlius nói.
Heinz kéo Marilyn trong lòng mình lên rồi đẩy về phía Carlius, vứt ra lá bài cuối cùng.
Anh lại thắng.
"Carlius thích em đấy đồ đáng thương à, đêm nay em sẽ thuộc về anh ta."
Otto bắt đầu lấy tiền ra, "Chết tiệt, nữ thần may mắn đã yêu anh rồi, Heinz hỡi."
Heinz cau mày đứng thẳng dậy, trong miệng vẫn đang ngậm điếu xì gà, cúi đầu chậm rãi vuốt thẳng tay áo sơ mi. "Mọi người chơi đi, tôi về trước đây."
"Về nhà thì chán quá."
"Làm gì cũng thú vị hơn là đối mặt với các anh."
Anh xỏ tay vào chiếc áo quân phục màu xanh lục, cầm thắt lưng vũ trang trên tay, gõ gõ lên mặt bàn, "Nhớ 'Gà trống Gaulois' của tôi đấy."
Marilyn đứng bên cạnh Carlius, siết chặt làn váy lụa dài của mình, đột nhiên có hơi luyến tiếc, "Về sớm vậy à? Có thể chốc nữa sẽ có ca vũ* để xem đấy."
*Ca vũ: Hình thức văn nghệ có hát và múa
Heinz đeo thắt lưng vũ trang lên eo, chiếc áo khoác bó sát người khiến anh trông có vẻ gầy hơn rất nhiều so với Otto và Carlius. Anh phủi phủi tàn thuốc, cười nói: "Đứa bé đáng thương, lần sau nhớ đổi nước hoa khác nhé."
Trước khi rời đi, anh giơ tay chào ba người còn lại trên bàn đánh bài, "Hẹn gặp lại vào ngày mai."
Otto an ủi Marilyn, "Em yêu à, đừng vì thế mà buồn tủi, tên Heinz lập dị đó không thích ngực to đâu."
Rốt cuộc là anh ta thích gì? Có lẽ chỉ có Chúa mới biết.
Heinz không hút thuốc nữa, trên đường đi, anh mở cửa sổ xe để gió lạnh lùa vào, xua tan đi phần lớn mùi thuốc lá, mùi rượu và mùi nước hoa đã bị ám từ viện Tolerance, đồng thời cũng khiến cho Hans đang lái xe bị ho khan sổ mũi.
Hans thầm thề rằng, nếu sáng mai bị cảm lạnh, anh nhất định sẽ học hỏi theo người Pháp nghỉ phép đình công.
"Chúng ta đến rồi." Hans nói.
Heinz vừa tỉnh khỏi mộng, mở cửa xe bước vào nhà Bonnet.
Thấy lò sưởi trong tường không được nhóm lửa, ngài Thiếu tá rất không hài lòng.
"Có lẽ sẽ cần một hầu gái để chăm lo cuộc sống hằng ngày." Anh nói với Hans.
"Ngày mai tôi sẽ đi thuê một hầu gái biết nói tiếng Đức."
"Tôi chỉ cần nhân viên bán thời gian, không cần phải lãng phí tài nguyên đế quốc, ngài Hans à."
"Bán thời gian?"
"Tôi nghĩ hầu gái ở nhà giáo sư bên cạnh cũng ổn đấy, rất siêng năng."
Hans cứng lưỡi, anh nghi ngờ rằng lý do khiến Thiếu tá đêm nay không thể ngủ ở viện Tolerance là vì anh ta đã phải lòng cô hầu gái nhà bên rồi. So ra cô nàng nóng bỏng nhiệt huyết ở viện Tolerance không thể sánh được với cô hầu gái buồn tẻ nhàm chán này, sở thích của ngài Thiếu tá đúng là ngày càng quái đản mà.
Heinz không có thì giờ để quan tâm đến những nghi vấn của Hans, anh trở lại phòng ngủ trên lầu hai, đem theo máy quay đĩa trong phòng khách vào, chọn ra một trong những đĩa hát tiếng Đức được lưu hành nhất. Tự rót cho mình ly Brandy, ngồi xuống ghế như thường lệ, gác hai chân lên bàn, kiên nhẫn chờ đợi bản thân bị rượu mạnh chuốc say.
"Vor der Kaserne
Vor dem großen Tor
Stand eine Laterne
Und steht sie noch davor
So woll'n wir uns da wieder seh'n
Bei der Laterne wollen wir steh'n
Wie einst Lili Marleen
Wie einst Lili Marleen"
"Trước doanh trại
Trước cánh cổng lớn
Có một ngọn đèn
Đến nay vẫn sáng
Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đó
Đứng ngay dưới ngọn đèn
Một lần nữa thôi, Lili Marleen
Một lần nữa thôi, Lili Marleen"
Lili Marleen* đau thương vô cùng, Lili Marleen thẹn thùng đáng yêu.
*Lili Marleen là một bản tình ca tiếng Đức đã trở nên phổ biến trong thời kỳ này. Chiến tranh thế giới thứ hai trên khắp châu Âu và Địa Trung Hải giữa cả quân Trục và quân Đồng minh. Được viết dưới dạng một bài thơ vào năm 1915, bài hát được xuất bản vào năm 1937 và được Lale Andersen thu âm lần đầu tiên vào năm 1939 với tên gọi "Das Mädchen unter der Laterne" ("Cô gái dưới ánh đèn"). Bài hát có lẽ được biết đến nhiều nhất do Lale Andersen trình bày
Anh rất thích Brandy, loại rượu đậm đặc nóng rát có khả năng làm ấm cơ thể bị chiến tranh tàn phá.
Qua hai khung cửa sổ, tất thảy như một giấc mộng hoang đường mụ mị, trong hương thơm dịu nhẹ của rượu vang đỏ Bordeaux, trên làn váy đỏ của cô gái Paris, là bông hoa tuyết cuối cùng của mùa đông buốt giá, là chiếc lá lìa cành đầu tiên vào đầu mùa thu. Heinz vuốt ve cơ thể đầy đặn mềm mại đó trong ảo giác, rồi thưởng thức toàn bộ ly rượu mạnh nhất nước Pháp.
Anh rơi vào màn đêm u tối, nơi đan xen giữa bóng tối và ánh sáng, cố nén nỗi khát khao thật thầm lặng và kiên nhẫn.
Anh nâng ly, hướng đến chiếc nịt bít tất cô độc trong tủ quần áo, đến những bước chân cuồng loạn trong màn đêm giá tuyết, đến những vết thương, đến máu, đến trinh tiết, đến những xúc cảm lớn lao thầm kín, đến dòng máu cao quý, đến những chủng tộc thấp hèn, "Kính người một ly."
Lili Marleen