Hào Môn Kinh Mộng III: Đừng Để Lỡ Nhau

Quyển 4 - Chương 205: Lời dặn dò trong chiếc phong bì

Nghĩ tới đây, Tố Diệp không còn tâm tư ngâm mình trong bồn tắm nữa. Cô gột rửa qua loa rồi khoác áo tắm đi vào phòng sách. Suy đi nghĩ lại, cuối cùng cô vẫn gọi vào số điện thoại của Kỷ Đông Nham. Bên đó khá ồn ào, hình như anh ta đang ở trong một quán bar. Nhận được điện thoại của Tố Diệp, Kỷ Đông Nham có vẻ ngạc nhiên, cười đùa hỏi cô có tới làm một ly không. Tố Diệp làm mặt vô cảm, giọng nói bình thản, đi thẳng vào vấn đề: “Kỷ Đông Nham! Aston đã đầu tư vào một mỏ rỗng, anh biết chứ?”

“Đương nhiên, hôm nay báo chí và truyền thông đã đưa tin rất rầm rộ.” Đầu kia, Kỷ Đông Nham cười lớn.

Tố Diệp nhấn mạnh rõ ràng từng chữ: “Anh sớm đã biết M100-2 là một mỏ rỗng.” Cô không hỏi với giọng ngờ vực, mà là một câu khẳng định giản đơn.

Bên kia Kỷ Đông Nham im lặng một lúc mới nói: “Đúng vậy, anh biết từ lâu rồi.”

“Tại sao?” Lòng Tố Diệp như bị sóng dập mưa vùi. Mặc dù kết quả cô đã đoán ra từ trước nhưng lời nói thẳng thắn của Kỷ Đông Nham vẫn khiến cô bị tổn thương. Cô thà rằng anh ta không biết.

Đầu kia điện thoại đã yên tĩnh đi nhiều, có lẽ Kỷ Đông Nham đã di chuyển vị trí, đến cả giọng nói của anh ta cũng rất rõ ràng: “Rất đơn giản, điều anh muốn chính là Niên Bách Ngạn không còn chỗ đứng trong giới kinh doanh.”

“Thế nên, việc anh hét giá ở hội trường chỉ là một màn kịch?”

“Đúng vậy! Anh muốn nâng cao giá lên để Niên Bách Ngạn lỗ càng nhiều.” Kỷ Đông Nham hoàn toàn không che giấu suy nghĩ trong lòng mình: “Chỉ có điều không ngờ rằng Aston lại như một con chó điên, cắn chặt lấy giá tiền không chịu buông.”

“Anh căm ghét Niên Bách Ngạn như thế, tại sao còn hiến máu? Anh hoàn toàn có thể giương mắt nhìn anh ấy chết mà.” Tố Diệp lạnh lùng nói.

Kỷ Đông Nham bỗng bật cười, trong nụ cười ít nhiều có chút thê lương: “Con người Niên Bách Ngạn trước nay luôn cho rằng mình làm chuyện gì cũng đúng còn người khác làm chuyện gì cũng sai. Anh ghét nhất là nhìn thấy anh ta như Thượng đế ban phát hy vọng cho mọi người vậy. Dựa vào đâu? Anh ta có tư cách gì mà sắp đặt cuộc đời của người khác? Anh muốn tận mắt nhìn thấy anh ta cúi đầu nhận sai với anh, thừa nhận rằng anh ta thua anh rồi. Khi ngày đó còn chưa tới, sao anh có thể để anh ta chết được?”

Đầu ngón tay Tố Diệp hoàn toàn lạnh cóng, cô lẩm bẩm: “Kỷ Đông Nham! Anh mới đích thực là một kẻ điên!”

“Tố Diệp! Thật ra em hiểu rõ mà, chúng ta đều thuộc cùng một loại người. Anh mà là kẻ điên thì em cũng là kẻ điên.”


“Anh mới là kẻ điên, cả nhà đều là kẻ điên!” Tố Diệp hét ầm lên vào điện thoại rồi dập máy.

Xã hội này quả nhiên ai ai cũng có bệnh, là một bác sỹ tâm lý như cô cũng đành bất lực. Giống như Kỷ Đông Nham. Cô không thể phán xét việc làm của anh ta là đúng hay sai, càng không thể khẳng định hay phủ định hành vi của anh ta. Chỉ có thể thở dài một câu, tâm bệnh quả thực đáng sợ, mức độ vượt xa những cuộc tranh đoạt, mưu tính lẫn nhau tranh giành lợi ích.

Cuộc điện thoại này khiến Tố Diệp hoàn toàn kiệt sức, thậm chí đành bó tay đầu hàng. Vì cho dù đã biết được chân tướng cô cũng chẳng thể làm gì. Kỷ Đông Nham gài bẫy, Aston tự vác đá đập vào chân mình, Niên Bách Ngạn thì trúng đạn nhập viện… Cô còn làm gì được đây? Lẽ nào cô có thể bình thản đối mặt với hội đồng quản trị của nhà họ Diệp như Niên Bách Ngạn sao? Lẽ nào cô có thể danh chính ngôn thuận giúp anh xử lý tất cả mọi công việc như Hứa Đồng sao? Giờ phút này, Tố Diệp mới chợt nhận ra những gì mình có thể giúp đỡ Niên Bách Ngạn thật sự quá nhỏ nhoi, ít ỏi.

Bất giác cô nghĩ tới Diệp Ngọc? Nếu đổi lại là chị ta, chị ta sẽ làm thế nào? Sợ rằng chị ta chắc chẳng cần nói gì nhiều, bọn họ cũng phải nể mặt ba phần. Thứ nhất chị ta là cô chủ nhà họ Diệp mà ai ai cũng biết. Thứ hai, chị ta lại là “vợ” của Niên Bách Ngạn. Tố Diệp càng nghĩ càng thấy bực mình. Cô vứt điện thoại lên mặt bàn. Điện thoại bị một chiếc phong bì chặn đường đi, kẹt lại giữa đường.

Tố Diệp liếc mắt nhìn nó, sững sờ giây lát, sau đó rảo bước tới cầm phong bì lên. Đáng chết! Suýt nữa thì cô quên bẵng mất chiếc phong bì này. Buổi tối trước ngày đấu thầu Niên Bách Ngạn đã đưa nó cho cô, dặn đi dặn lại là ba ngày sau mới được mở nó ra, với điều kiện là, nếu anh gặp chuyện không thể trực tiếp giải quyết mọi việc.

Đầu mày cô bỗng nhíu chặt, sao anh có thể dự liệu rằng sau buổi đấu thầu mình sẽ gặp bất trắc?

Tố Diệp tính toán thời gian cũng sắp tới ngày rồi, không kịp nghĩ nhiều vội xé phong bì ra. Vừa mở ra, một tờ chi phiếu từ trong trượt ra ngoài, rơi xuống đất. Khi nhặt lên, Tố Diệp giật nảy mình, là một tờ chi phiếu trị giá hai trăm triệu!

Tờ chi phiếu này định đưa cho ai?

Tố Diệp vội vàng đổ hết tất cả mọi thứ có trong phong bì ra. Ngoài tờ chi phiếu đó còn có một tờ giấy A4, có lẽ một mảnh giấy Niên Bách Ngạn tiện tay lấy từ trong thư phòng. Bên trên viết mấy chữ, là hai người trước đây anh từng nhắc tới. Tố Diệp cầm tờ giấy lên xem, khi ánh mắt dừng lại trên hai cái tên ấy, cô bàng hoàng trợn trừng, hoàn toàn chấn động!

Tại sao Niên Bách Ngạn lại bảo cô đi tìm hai người này?

Ngoài ra trên tờ giấy, Niên Bách Ngạn còn nhấn mạnh hai điều. Thứ nhất: Chỉ được tin tưởng Hứa Đồng, kể toàn bộ chuyện phong bì cho Hứa Đồng. Thứ hai: Nhất định phải hành động một mình.

Mấy chữ cuối cùng khỏe khoắn và mạnh mẽ, chỉ nhìn nét chữ cũng có thể liên tưởng tới nét mặt nghiêm nghị sắc bén của anh khi nói mấy lời ấy.



Bắc Kinh, Hậu Hải.

Hậu Hải về đêm trở thành một khu vực nhộn nhịp. Ánh đèn của hai dãy quán bar bên đường khi sáng rực lên càng khiến mặt hồ thêm huyền ảo, như có như không. Cầu Ngân Đĩnh đổ bóng xuống hồ, nhanh chóng bị những thuyền du ngoạn với chiếc đèn lồng đỏ rực đánh tan. Có một cô gái xinh đẹp mặc xường xám, gảy đàn tranh ngồi ở đầu thuyền. Chiếc đèn lồng kiểu giả cổ càng khiến mặt người đỏ bừng như sắc anh đào. Có hương trà dìu dịu tỏa ra từ một con thuyền nào đó, hòa cùng tiếng đàn réo rắt làm đáy hồ xao động.

Diệp Lan uể oải nằm bò trên cửa sổ, nhàm chán nhìn những người dưới chân mình đi qua đi lại. Không gian của nhà hàng này rất tao nhã, bên ngoài lại có thể ngắm hai hàng đèn lồng đung đưa trên mặt hồ, cũng coi như đã thoát khỏi cái ồn ã của khu Hậu Hải. Cô đặt một vị trí ngồi sát cửa sổ, vừa hay có thể quan sát cảnh này. Lại mười mấy phút trôi qua, có một bóng hình quen thuộc cuối cùng đã lọt vào mắt cô. Cô mím môi cười, rụt đầu lại, ngồi ngay ngắn trên ghế.

Một lúc sau, người đó đi lên gác, bước chân từ tốn ổn trọng. Trái tim Diệp Lan bắt đầu đập thình thịch như một chú cá bị cho vào túi, giãy giụa không thôi.

Tố Khải đi lên gác, ngay lập tức đã nhìn thấy cô gái ngồi bên cửa sổ. Sắc mặt anh trầm xuống, sải bước đi tới, ngồi thẳng xuống trước mặt cô: “Người đâu?”

Diệp Lan giả vờ như bị giật mình, ngước mắt lên nhìn anh, đang định tức giận lại bị hình ảnh của Tố Khải tối nay mê hoặc, giọng nói nhất thời mềm mỏng hẳn: “Sao bộ dạng anh cứ như đi bắt gian thế hả?”

Cởi bỏ bộ cảnh phục, giờ này Tố Khải đang khoác trên người một chiếc vest màu xám đậm, trông tuấn tú và trí thức hơn hẳn. Chỉ có điều điệu bộ chau mày của anh nhìn vẫn khá muốn đấm. Diệp Lan dứt lời, đứng tay giơ tay ấn chặt hai hàng lông mày của anh: “Đừng có nhíu mày sẽ đẹp trai hơn nữa!”

Tố Khải hơi ngẩn người, nhưng phản ứng rất nhanh, gạt tay cô ra, lập tức trở lại vẻ mặt cố hữu: “Người đàn ông đó đâu?”

“Đến rồi đấy!”

“Đến rồi? Đâu?” Tố Khải hỏi.

Diệp Lan chống hai lên bàn, híp mắt cười: “Anh đấy!”

Tố Khải lại một lần nữa chết sững.


“Không dùng cách này làm sao lừa được anh ra ngoài.” Diệp Lan cười dễ thương: “Em còn đang lo không biết anh có tới không, không ngờ tới thật. Tố Khải! Chúng ta chưa từng có cuộc hẹn hò chính thức nào đúng không? Cảm giác bây giờ thật tốt, nhưng lần sau là anh không được đến muộn nữa đâu đấy.”

Cuối cùng Tố Khải cũng hiểu ra, nhưng vẫn không dám tin Diệp Lan lại dùng chiêu này lừa anh, nhất thời cũng lắp bắp: “Em… Em…”

“Đừng có em với anh nữa! Tố Khải! Còn nói anh không quan tâm tới em. Nếu anh thật sự ngoảnh mặt làm ngơ, tại sao tối nay còn tới?”

Câu hỏi ngược trở lại của Diệp Lan khiến Tố Khải á khẩu, gương mặt hết đỏ bừng lại tới trắng bệch. Một lúc lâu sau anh mới hắng giọng, tự tìm lý do ngụy biện: “Anh là cảnh sát nhân dân, bảo vệ an toàn cho người dân là trách nhiệm của anh.”

“Xì!” Diệp Lan bĩu môi.

Tố Khải giơ tay xoa xoa chóp mũi, vô cùng đường hoàng.

“Vậy thưa cảnh sát Tố! Anh có chịu nhận chút hối lộ của người nhân không?” Diệp Lan nhìn anh cười ngọt ngào.

Tố Khải nhướng mày, không hiểu ý cô nói. Diệp Lan không giải đáp câu đó ngay, mà quay sang người phục vụ đứng cạnh, nói: “Bê lên đi!”

Người phục vụ gật đầu, quay người rời đi.

Tố Khải ù ù cạc cạc.

Chưa đầy một lúc sau, các món ăn vô cùng hấp dẫn được bê hết lên. Tố Khải đang khó hiểu, bỗng có một người phục vụ đẩy một chiếc bánh gato còn đang cắm nến sáng rực đi về phía họ. Diệp Lan nhìn thấy vậy bèn bắt đầu vỗ tay hát bài “Chúc mừng sinh nhật”. Bánh được đặt lên bàn, ánh nến chiếu rõ đôi mắt cô, rực rỡ như pháo hoa nổ trên bầu trời.

Lần này, Tố Khải hoàn toàn đờ đẫn như người gỗ, mắt tròn mắt dẹt nhìn Diệp Lan.

“Tố Khải! Chúc mừng sinh nhật!” Hát xong, Diệp Lan chúc mừng anh, rồi thúc giục: “Anh mau ước rồi thổi nến đi!”

Lúc này Tố Khải mới thốt nên lời: “Sao em biết hôm nay là sinh nhật anh?”

“Thế mới thể hiện được tình yêu của em.” Diệp Lan nói rất thẳng thắn: “Nhanh lên, nhanh lên! Mau không nến cháy hết rồi.”

Tố Khải nhìn đôi mắt ngập tràn chờ đợi của cô, sự bực tức dọc đường cũng hoàn toàn biến mất. Tận sâu đáy lòng anh dường như cũng có một ngọn nến đang tan chảy, nóng bỏng, thiêu đốt, khiến anh không nỡ từ chối yêu cầu của cô. Anh bèn làm theo, thổi một lần tắt hết tất cả các ngọn nến.

“Anh chưa ước mà.” Diệp Lan nhăn mặt.

“Thế thì ước một cái vậy, ước… mong thế giới hòa bình.”

Câu nói ấy khiến Diệp Lan ôm bụng cười lăn lộn, chỉ vào anh: “Thế giới hòa bình á? Ha ha, anh làm em chết cười!”

Thấy cô cười vui vẻ, tâm trạng Tố Khải cũng tốt hẳn lên. Nói không cảm động là nói dối. Một người con gái tốn bao công sức chuẩn bị những thứ này, một người đàn ông dù có sắt đá thế nào cũng sẽ động lòng.

“Nói thật là anh chưa bao giờ tổ chức sinh nhật.” Đa phần người phương Bắc đều coi đây là một tập tục. Khi người già còn sống, đời sau không mừng sinh nhật, mục đích là để chúc cho người già sống lâu trăm tuổi. Tuy rằng mấy tập tục này đã bị thanh niên bỏ đi hết nhưng Tố Khải là như vậy. Một là anh thực sự không có thời gian tổ chức sinh nhật. Hai là anh cũng không thích cả một đám người ồn ào chúc mừng anh. Mỗi năm đến ngày này, khi còn ở Vân Nam, anh đều nhận được một cuộc điện thoại của bố mẹ, vì anh toàn quên mất ngày sinh nhật của mình. Năm nay về Bắc Kinh, anh vốn định về nhà ăn một bữa cơm với bố mẹ, nhưng dọc đường đầu óc chỉ toàn hiện lên cảnh Diệp Lan đi xem mắt một người đàn ông khác, vô lăng chẳng biết đã đổi hướng từ lúc nào.

Phương Tiếu Bình sau khi biết con trai mình tới Hậu Hải còn vui mừng khôn xiết. Bà là một người mẹ rất hiện đại, biết đây là nơi đám thanh niên tụ tập. Nghe tiếng mẹ đồng ý nhanh gọn trong điện thoại, Tố Khải bất chợt nghĩ rằng mẹ anh chỉ mong sao tối nay anh dẫn ngay về một cô con dâu, ngày mai kết hôn, ngày kia sinh con.

Đầu óc Diệp Lan rất nhanh nhạy, nghe Tố Khải nói vậy cô đảo mắt, đôi mắt long lanh như đóa hoa lê đầu cành ngày xuân: “Nói vậy em là người đầu tiên chúc mừng sinh nhật cho anh?”

Tố Khải suy nghĩ rồi gật đầu, đúng là thế thật. Diệp Lan nghe xong càng thêm phấn khởi: “Đến cả chị em cũng bỏ mặc ngày sinh nhật của anh sao?”

“Chị ấy cũng giống anh, không bao giờ tổ chức sinh nhật.” Tố Khải biết “chị” mà cô nhắc tới chính là Tố Diệp. Nói tới đây ánh mắt anh bỗng tối lại, tâm trạng cũng bất chợt trầm xuống.

Hào Môn Kinh Mộng III: Đừng Để Lỡ Nhau
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá:
Truyện Hào Môn Kinh Mộng III: Đừng Để Lỡ Nhau Truyện Hào Môn Kinh Mộng III: Đừng Để Lỡ Nhau Story Quyển 4 - Chương 205: Lời dặn dò trong chiếc phong bì
10.0/10 từ 27 lượt.
loading...