Diễn Trò
Chương 49: Đó, chính là nhân gian
Biên tập: BộtCậu Tư có hẹn với một quan chức của tỉnh phía Bắc. Cận Tiêu cũng từng gặp em trai của quan chức kia, chính ngài Cao bất chợt bắt gặp lần cô cáu kỉnh với cậu Tư.
Cô nhớ tới ngài Cao lại hơi ngượng ngập. Người tinh ý ai cũng nhìn ra tình cảnh ngày đó, chẳng qua chỉ vờ mắt nhắm mắt mở mà thôi. Chỉ e bây giờ gặp lại, muốn vờ như không biết cũng khó.
Họ phải lái xe tới nhà ga Thiều Quan, chuẩn bị lên xe lửa mới tới tỉnh phía Bắc được. Cận Tiêu ngồi trên xe con, lòng vẫn băn khoăn về chuyện kia. Có điều vừa tới gần nhà ga hối hả, cái nóng ngày hè, nhóm người pha tạp cãi vã, tiếng dặn dò và huyên náo vụn vặt ập tới từ cửa sổ khiến cô mắt thấy tai nghe tới váng vất.
Trung Quốc chưa bao giờ có thành phố nào thưa người, trái lại là càng khổ, càng phải đổi kế mưu sinh. Sĩ quan Lưu chật vật muốn lái xe vào lối đi riêng, ngặt nỗi vỉa hè của đường lớn cũng toàn người là người, không thể nhường đường cho họ được.
“Lúc xây dựng đã không thấu đáo rồi.” Sĩ quan Lưu vừa nhấn còi vừa phàn nàn: “Phải nhìn xa trông rộng thêm chút, thế này thì mấy quan lớn vào thế nào, trưởng quan đi ra sao?”
Vậy mới thấy xây nhà ga cũng là một hình thái xã hội, không chỉ liên quan tới lưu lượng dòng người mà còn kéo theo cả giai cấp xã hội nữa.
Sĩ quan Lưu bấm còi inh ỏi khiến cậu Tư cũng thấy phiền: “Cứ lái chầm chậm qua đó thôi.” Anh gõ lên một bên đệm: “Bấm còi mãi cũng có thấy ai tránh đường đâu.”
“Không hẳn ạ.” Sĩ quan Lưu nói đùa với anh, Cận Tiêu thấy được mặt bên cười lộ hàm răng trắng của anh ấy: “Nghe nói lúc Tín Châu làm cách mạng, tiếng súng tiếng pháo rung trời, có người bán khoai lang chưa kịp chạy lại như không nghe thấy, vẫn bán khoai như cũ.”
Hôm nay sĩ quan Lưu nói khá nhiều, bởi khi ra ngoài với trưởng quan, anh ấy không chỉ giữ chức trách của một anh lính bình thường nữa, mà còn phải lo hậu cần, trà nước và kiếm chuyện làm quà. Cậu Tư chưa nghe về chuyện này bao giờ, cũng lấy làm lạ: “Sao, không lẽ bị điếc?”
Cậu Tư hỏi với vẻ lấy làm lạ, Cận Tiêu nhìn ra ngoài cửa xe rồi trả lời anh: “Sao lại điếc được? Người thường đều như vậy cả.”
Sống cả đời chỉ vì lấp đầy cái bụng, vậy mà bụng chẳng no nổi mấy bữa. Cũng giống như những người chiếm đường của ô tô này vậy, không phải họ không nghe thấy còi xe, càng không phải tiếng còi chưa đủ lớn, chỉ là không còn lối nào ngoài con đường này.
Vậy cứ điếc luôn đi.
Cậu Tư đánh mắt sang, cười cô: “Hôm nay em cũng tâm trạng nhỉ.” Anh đưa tay lau mồ hôi trên trán cô, ngoài miệng vẫn dọa dẫm không đứng đắn: “Cẩn thận bị quy là đảng cách mạng rồi gô lại đấy.”
Cận Tiêu chưa trả lời anh, sĩ quan Lưu đã cười tiếp: “Sao có thể như thế được!”
Thật ra sĩ quan Lưu đã gắng cười lắm rồi, bởi câu nói này như thể hiện rằng anh ấy thấy được vợ chồng Nhan Trưng Bắc hòa hợp đến thế nào. Cậu Tư nhìn anh ấy, cũng cảm thấy hôm nay người này quả là nhiều lời.
Làm sĩ quan hay lái xe không phải nghề nghiệp giản đơn chút nào. Phải tinh ý, biết tận dụng mọi thứ và tích lũy kinh nghiệm nhờ vào năng lực của mình. Cận Tiêu cười, lại quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Đủ loại giọng địa phương như từng đợt, từng đợt sóng trào ập vào nhà ga. Có giọng người gốc Thiều Quan, có giọng của phương Bắc, cô để ý nghe rồi lại nói: “Không ngờ Thiều Quan cũng có nhiều người phương Bắc như vậy.”
Cậu Tư không nói gì, sĩ quan Lưu đã tiếp lời, không rõ là tóm lấy cơ hội xum xoe với mợ chủ hay cảm khái thật: “Lúc trước Trung Nguyên là kho lúa, nhân khẩu đông đảo. Bây giờ chiến loạn, nhóm lính tới cướp mất một phần lương thực, chính quyền mới thành lập cũng thay máu ngay.”
Anh ấy lại lái thêm được một đoạn. Những chuyện này vốn nặng nề, vậy mà giọng sĩ quan Lưu lại hời hợt: “Tôi cũng là dân phương Bắc đây, không sống nổi nữa mới xuôi Nam tòng quân để mưu sinh.”
Bạc trắng từ cuối đời nhà Thanh trôi sạch ra nước ngoài, quyền dân (1) gây rối, nông dân đất Bắc đóng thuế không nổi, nếu không vào rừng làm cướp thì cũng xuôi Nam hết. Có điều chạy xuống phía Nam chưa hẳn đã êm, xuống sâu nữa người Thổ Gia (2) và người Hẹ (3) cũng đấu tới một mất một còn. Xưa nay ai cũng biết người Trung Quốc chạy tới Nam Dương (4) sống cơ cực, thực tình vận xa xứ nào có phân biệt trong nước hay nước ngoài, đâu đâu mà chẳng chật vật như nhau.
(1) Quyền dân: là thành viên của Nghĩa Hòa Đoàn (*). Đây là cách gọi vào những năm tháng Nghĩa Hòa Đoàn thành lập. Bọn họ không được tán dương, cũng không bị châm biếm, có bên đối thủ là giáo dân. Vào những năm tháng khởi nghĩa nông dân được chú trọng, tới học sinh trung học còn biết Nghĩa Hòa Đoàn và Quân Thái Bình tách biệt, không có lãnh đạo thống nhất, cũng không có tổ chức thống nhất.
(*) Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn hay còn gọi là Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn (có nghĩa nôm na: “phong trào xã hội công bằng và hòa hợp”) là một phong trào bạo lực tại Trung Quốc (tháng 11 năm 1899 đến 7 tháng 9 năm 1901) do Nghĩa Hòa Đoàn khởi xướng, chống lại sự ảnh hưởng của thế lực nước ngoài trong các lĩnh vực giao thương, chính trị, văn hóa, công nghệ và bài Kitô giáo, trong bối cảnh hạn hán khắc nghiệt và kinh tế suy sụp. Cuộc nổi dậy xảy ra tại Trung Quốc trong suốt những năm cuối của triều đại Mãn Thanh. Các thành viên Nghĩa Hòa Đoàn gieo rắc lòng căm thù đối với những thương nhân nước ngoài và các vị cố đạo truyền giáo và kêu gọi mọi người thanh toán những nhóm người này. Sự thù hận này có nguồn gốc từ cuộc chiến tranh Nha phiến (các cuộc chiến Anh-Trung là hai cuộc chiến xảy ra giữa thế kỷ 19 (1840 – 1843 và 1856 – 1860) gây nên xung đột kéo dài giữa Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh và đế quốc Anh) và sự xâm nhập kinh tế của người nước ngoài, cùng với chính sách truyền đạo mà chính quyền nhà Thanh bất lực không ngăn cản được.
(2) Thổ Gia (tên tự gọi: Bizika Tất Tư Ca), là dân tộc đông dân thứ 6 trong tổng số 56 dân tộc được công nhận chính thức tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Họ sinh sống ở Dãy núi Vũ Lăng, trên ranh giới giữa 4 tỉnh thành là Hồ Bắc, Hồ Nam, Quý Châu và Trùng Khánh. Tên người Thổ Gia tự gọi mình là Bizika có nghĩa là “người địa phương” trong Tiếng Thổ Gia. Thổ Gia đối nghịch với từ Khách Gia, tuy nhiên người Khách Gia là một phân nhóm của người Hán.
(3) Người Hẹ: chỉ người Hán từ lưu vực sông Hoàng Hà dần dần di chuyển đến phương Nam từ thế kỷ thứ 4 (cuối đời Tây Tấn), thế kỷ thứ 9 (cuối đời Đường), thế kỷ thứ 13 (cuối đời Nam Tống), nay phân bố ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng tây,Giang Tây, Hồ Nam, Đài Loan…)
Miệng nói trời không tuyệt đường người, nhưng liều cả mạng sống, vượt Hoàng Hà vượt sông, đổ máu rơi lệ, rời nhà mưu sinh kiếm sống cũng chính là quốc dân nước nhà đây. Cận Tiêu thấy anh ấy còn trẻ nhưng đã trải qua nhiều chuyện như vậy, lời nói cũng dịu xuống: “Vậy bây giờ anh có thể về quê thử xem.”
Sĩ quan Lưu cười: “Năm ngoái mất mùa, chẳng biết còn ai sống không.”
Anh ấy nghĩ rồi lại nói: “Bọn tôi nghe ông bà, cha mẹ kể về nạn đói từ sớm, vì thế từ bé đã sợ đói, sợ phải làm ma đói.”
Có lẽ trong lòng anh ấy cũng oán hận, cuối cùng vẫn không nhịn được: “Nạn đói gì chứ, toàn là do binh biến.”
Anh ấy đang vào chuyện, cậu Tư thình lình bóc mẽ: “Cậu cũng là lính đấy thôi.”
Sĩ quan Lưu biết mình nhiều lời, sau cùng mới im lặng.
Nhan Trưng Bắc lại không nhịn được mà nhìn người ngồi cạnh mình, tới giờ cô vẫn đa sầu đa cảm, dù là vì người khác hay vì chính mình. Quả nhiên vừa nghe được những chuyện này, Cận Tiêu cũng sầu não theo: “Tôi luôn thấy ngày nhỏ mình khổ sở, nhưng cũng chưa bị đói bao giờ.”
Cận Tiêu siết chặt ví của mình, cô rất giản dị, không dùng ví da lưu hành gần đây. Thế nhưng dù có giản dị tới mức nào, cô cũng đang mặc áo lót làm từ lụa tơ sống tốt nhất, lại được ăn nhiều hơn một phần cơm. Nếu so với đám người muốn tiến về phía trước mặc tiếng còi xe, súng đạn kia, cô quả là một đám mây nhởn nhơ, càng là một đám mây mộc mạc.
Cậu Tư nắm chặt tay cô, nói đùa bằng được để cô vui lên: “Toàn chuyện lo nghĩ của cánh đàn ông, em bận tâm làm gì?”
Là chuyện của mấy ông lớn trong chính quyền mới đúng.
Cận Tiêu chợt thấy câu chữ của tiểu thuyết gia đất Bắc kia chuẩn xác vô cùng: “Đã ăn tiền của dân, có mỗi việc đẻ công văn, vậy mà vẫn toàn thứ công văn vô dụng.”
Nhìn cuối thời nhà Thanh thôi đã thấy tuyệt vọng, cảm thấy không còn niềm vui sống, chẳng bằng sống giản đơn, làm một mợ chủ chỉ biết ghen tuông nhặng xị còn hơn.
Vậy mà ngẫu nhiên ra tới cửa, trông thấy người một năm bốn mùa mặc váy vải sống ra sao, sau nhớ tới những trù trừ và suy xét trước đây của mình, cô lại thấy bản thân nông cạn tới cùng cực.
Khi còn nhỏ cô cũng hỏi bà nội, vì sao đa số người trong thôn đều mặc quần áo màu đen vậy? Lúc tâm trạng tốt, bà nội sẽ trả lời cô rằng đồ màu đen không phải nhuộm, tiện vô cùng.
Vì vậy tầng chót của dân quốc cũng chính là màu đen mờ mịt, thật giống tấm bưu thiếp chứa khuôn mặt mất kiên nhẫn và ánh mắt ngờ vực con đường phía trước mà người nước ngoài chụp kia.
Cậu Tư lại không quan tâm tới những chuyện này, cũng không có tâm tư thương cảm dân tình cực khổ tới mức nào: “Mỗi cá nhân đều có số mệnh riêng, mọi người còn không lo được cho cuộc đời của chính mình nữa là.”
Anh nói như vậy không rõ được tính là theo Đạo gia (4) hay Phật gia, nhưng lại khiến mặt mày của Cận Tiêu giãn ra một chút. Không phải cô bị anh thuyết phục, mà là nhớ tới lúc mình tới phòng sách của anh rồi thấy những tập san kia, sau đó hiểu lầm ầm ĩ, kinh hồn bạt vía hồi lâu. Bây giờ cô không phải lo nữa rồi, biểu cảm cũng nhẹ nhõm hơn nhiều: “Cậu không phải đảng cách mạng thật.”
(4) Đạo gia: hay gọi là Tiên Đạo, là một nhánh triết học và tôn giáo Trung Quốc, được xem là tôn giáo đặc hữu chính thống của xứ này. Nguồn gốc lịch sử được xác nhận của Đạo giáo được xem nằm ở thế kỉ thứ 4 trước CN, khi tác phẩm Đạo Đức kinh của Lão Tử xuất hiện. Hai đại biểu chính của Đạo gia là Lão Tử và Trang Tử. Các tên gọi khác là Lão giáo, Đạo Lão, Đạo Hoàng Lão, hay Đạo Giáo, Tiên Giáo. Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Ba truyền thống tư tưởng nội sinh (Nho-Lão) và ngoại nhập (Phật) này đã ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng văn hoá dân tộc Trung Quốc. Mặc dù có rất nhiều quan điểm khác biệt nhưng cả ba giáo lý này đã hoà hợp thành một truyền thống. Ảnh hưởng Tam giáo trong lĩnh vực tôn giáo và văn hoá vượt khỏi biên giới Trung Quốc, được truyền đến các nước lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cô để lộ ý cười, cậu Tư cũng yên tâm: “Gì mà đảng cách mạng.” Anh chỉ ra ngoài, bằng lòng nhiều lời một chút: “Em nhìn xem, có rất nhiều người như vậy. Dù có giết con gái hay cướp tiền tài của họ, họ cũng có thể đổi máng, nhẫn nhục, sống tạm bợ cho qua ngày.”
Anh nhếch miệng cười đầy châm chọc: “Lời văn sôi sục trên mặt báo là của ai? Toàn dân tốt nghiệp đại học cả, nhưng ai cung cấp sách cho họ học? Là những người cha bản xứ tha hương, mang vàng thỏi của tổ tiên đi cầm cố để chu cấp chọ họ chứ ai.”
“Người như vậy, gặp chuyện không hài lòng chỉ chửi rửa đôi câu, đã nhận rượu uống tiếp được.” Anh chỉ vào những người dân bình thường di chuyển chậm chạp như kiến bên ngoài: “Người như vậy, con gái bị kẻ khác giết chết, tiền của cũng bị cướp mất, còn trông mong họ đấu tranh được sao?”
Cậu Tư liếc cô như bậc bề trên dạy bảo bề dưới: “Thế nên em xem, chính phủ tỉnh phía Bắc sợ đảng cách mạng vô cùng, hôm nay bắt bớ cái này, ngày mai không cho nhắc tới cái kia.”
“Nhưng chỉ cần để họ yên ổn kiếm sống, chỉ cần có tài sản để nở mày nở mặt, thì dù có biết nội tình hay âm mưu gì, cũng chỉ là nhàn việc rủa bừa đôi câu, sau đó sẽ lại mệnh ai nấy sống.” Anh ngồi vững vàng, nom có vẻ rất bình tĩnh, không rõ là đang trù tính cơ nghiệp nhà ai: “Chỉ cần có vậy thôi, bởi dù sao người phương Tây cũng đã ký hiệp ước, chiếm vài miếng đất và đòi chút tiền rồi. Trên lãnh thổ mênh mông này, ắt có nơi quyền hành không chạm tới được.”
Có lẽ nho gia gây dựng học thuyết đế vương mấy ngàn năm cũng không có tác dụng bằng mấy câu nói đó của cậu Tư, vì thế Cận Tiêu cảm thấy đây đại khái không phải chuyện cô có thể đa sầu đa cảm. Đứng trước quả lắc đồng hồ lay động giữa dòng lịch sử, chút thương cảm của cô chỉ là chút râu ria ngây thơ và nực cười.
Cô xốc lại tinh thần, nhìn về phía trước rồi nghiêng đầu nói: “Lái nhanh lên chút, có lẽ vẫn kịp chuyến này.”
Chỉ cần lên tàu, chung quanh sẽ không còn là dân thường mặc vải thô màu đen nữa, màu sắc cũng sẽ phong phú hơn. Có phụ nữ mặc đồ Mãn Thanh, có tốp năm tốp ba học sinh nhà quyền quý mặc đồng phục, còn có một vài cô chiêu bận đồ Tây tay cầm ô, nói không chừng còn là mẫu mã tân thời nhất.
Tiền bạc kỳ diệu như vậy đấy, khốn quẫn lại luôn song hành với khó khăn. Nếu không coi tiền ra gì, vậy có thể ngồi cùng một đám “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Muốn chuyển từ hạng này sang hạng kia cũng đơn giản thôi, đầu tàu có người bán vé mặc đồng phục, cứ mua vé bổ sung theo giá chênh lệch là được.
Có vậy mới biết khác biệt giữa hạng ghế này với hạng ghế kia cũng chỉ là chênh lệch giá. Cố một chút nữa, kiếm thêm mấy đồng là đổi được tới toa tàu hạng nhất, có thể hỏi quý bà ngồi bên cạnh: “Nước hoa thơm quá, của hiệu nào thế?” Nếu cảm nhận được như vậy cũng tốt biết bao, bởi người đó có thể ôm con ngồi xuống, có khi người đối diện là đồng hương, vậy là dọc đường trò chuyện được rồi.
Đó, chính là nhân gian.
Cô giấu mình trong dinh thự nhà họ Nhan lâu rồi, đột nhiên ra ngoài, để tâm quan sát mới chợt nhận ra xung quanh không còn là xung quanh, thế gian không còn là thế gian nữa. Chuyện kết hôn của cô như bị gói gọn trong một khuôn viên, tới khi bước ra khỏi đó mà nhìn thế giới, tâm tình đã không còn như trước.
Toa tàu chưa từng là nơi giấu giếm bí mật lớn, bởi đường đi buồn chán, dù sao cũng phải có chút chuyện làm quà. Chung quanh có rất nhiều người, vậy mà ở cách một gian phòng, chỉ cần nhỏ giọng tùy lời thôi cũng đã như loa phát thanh đang khoe khoang điều gì, còn oang oang hơn cả đăng báo. Cận Tiêu mới lên tàu đã nghe được kế hoạch nhận của hồi môn của hai cô chủ nào đó, giày phải của hiệu gì, phải là kiểu mới ra sao, phải không tầm thường thế nào.
Cậu Tư ngồi đọc báo sáng an tĩnh cạnh cô, nom không giống như đang diễn, trái ngược hoàn toàn với vẻ Cận Tiêu thấy thường ngày. Cận Tiêu cũng muốn học theo anh, có điều cô cứ cầm sách lên rồi lại buông xuống. Chuyện tới chuyện lui trong toa tàu này như đục lỗ khoan trong đầu cô, nghe thế nào cũng không hết.
Cô ăn một quả quýt, lại nghe thấy hai người phụ nữ vừa cắn hạt dưa vừa cố gắng đè giọng: “Này, nghe nói gì chưa? Ông lớn ở tỉnh phía Bắc kia…” Hai người họ nháy mắt ra hiệu, không nhắc tới tên người kia, dù đã đè giọng nhưng cả đám người nghe đều dựng thẳng tai, có lẽ cũng biết là ai: “Định gả con gái cho bên phía Nam đấy.”
Hết chương 49.Tác giả:
“Đã ăn tiền của dân, có mỗi việc đẻ công văn, vậy mà vẫn toàn thứ công văn vô dụng.”
Thuật lại lời của Lão Xá trong «Ly Hôn»
“Ai cung cấp sách cho họ học? Là những người cha bản xứ tha hương, mang vàng thỏi của tổ tiên đi cầm cố để chu cấp chọ họ chứ ai.”
Tham khảo tình tiết trong «Triệu Tử Viết» – Lão Xá
“Nghe nói lúc Tín Châu làm cách mạng, tiếng súng tiếng pháo rung trời, có người bán khoai lang chưa kịp chạy lại như không nghe thấy, vẫn bán khoai như cũ.”
Tham khảo cuốn «The Chinese Are Like That» – Carl Crow (5)
(5) Carl Crow (1884 – 1945) là một nhà báo, doanh nhân, nhà văn xuất thân từ Highland, Missouri. Ông quản lý một số tờ báo và đã mở công ty quảng cáo phương Tây đầu tiên ở Thượng Hải – Trung Quốc. Ông điều hành công ty trong 19 năm, đã sáng tạo ra lịch quảng cáo và tấm áp phích mang tên “Sexy China Girl”. Ông cũng là biên tập viên sáng lập ra tờ “Shanghai Evening Post and Mercury”.
Crow đã xuất bản cuốn “Biographies of Prominent Chinese” song ngữ cùng với A.R. Burt and J.B. Powell (1925). Từ năm 1930 đến 1940, Crow viết 13 đầu sách, bao gồm cuốn “Master Kung: The Story Of Confucius (1937) để lý giải về Nho giáo trong ông, “The Anecdotal The Chinese are Like That” (1938) có tựa tiếng Anh là ” My Friends the Chinese”, và cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là “400 Million Customers” (1937).
Carl Crow tới Thượng Hải vào năm 1911 và coi thành phố này như ngôi nhà của mình trong một phần tư thế kỷ. Ông hoạt động với tư cách là một nhà báo, chủ sở hữu tờ báo và người quảng cáo mang tính đột phá. Ngoài ra, ông còn là người đàm phán con tin, sĩ quan lâm thời và đại diện cho tầng lớp nông dân giữa những tuyên truyền viên và chính phủ Mỹ. Cùng với sự nghiệp ngày một phát triển của ông, thành phố Thượng Hải cũng ngày một đi lên. Nơi ấy đã xoay mình từ một vùng thuộc địa tẻ ngắt khi Crow tới, trở thành một đô thị thịnh vượng và khét tiếng vào những năm 1930 khi Crow viết cuốn “400 Million Customers” của mình.
*
Bột: Một chương khá dài và nặng tư tưởng thời đại.
Tớ muốn bổ sung thêm một chút. Từ chương 23 Allyson xuất hiện và nhắc tới ông Carl White (người chồng mà cô ấy muốn tìm hiểu và viết tiểu sử), nếu tớ không nhầm thì Carl White này được xây dựng hình tượng trên nhân vật có thật là ông Carl Crow. Mọi người đọc phần giới thiệu ở phía trên thì có thể thấy khả năng này khá cao và trùng khớp với những gì được miêu tả. Có lẽ tác giả đổi thành họ khác vì khi đưa vào truyện, họ thường tránh nhắc trực tiếp tới những nhân vật có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tớ đoán vậy thôi, ít ra thì tìm Carl Crow vẫn có tư liệu, chứ Carl White thì chịu chết =))
P/s: Bột đã trở lại sau cơn bạo bệnh ~ Dạo này thời tiết không biết đâu mà lần, mọi người nhớ giữ gìn sức khỏe nhé.
Diễn Trò